Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀI HỌC ĐẠO LÝ TỪ 3 LÁ THƯ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP...

Phạm Viết Đào
Chủ nhật ngày 7 tháng 6 năm 2009 5:04 AM
 
Phạm Viết Đào.
 
Chưa có một dự án kinh tế-văn hoá-xã hội nào lại nhận được sự quan tâm rộng rãi và nóng bỏng như dự án khai thác bauxite Tây Nguyên; Dự án đã nhận được ý kiến đóng góp của rất nhiều nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước...
Đặc biệt đối với dự án này, riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi 3 bức thư  tới Thủ tướng Chính phủ, tới các nhà khoa học, tới Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội đề nghị dừng việc thực hiện  dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên; dừng cả việc khai thác thí điểm. Chưa bao giờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng lời lẽ ôn tồn, với thái độ khiêm tốn, đúng mực, kiên trì đã bày tỏ chính kiến của cá nhân ông như đối với một việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Sở dĩ ông kiên trì lên tiếng vì bằng kinh nghiệm sống của một nhà quân sự, của một bậc tiền bối cách mạng; ông từng có dịp bôn ba, nếm trải và hiểu rõ được ngọn ngành, từng trải mọi cái sự ấm lạnh của các quan hệ con người trong các quan hệ quốc gia-dân tộc-quốc tế. Dự án này, theo ông vô cùng hệ trọng; nó đã buộc ông phải lên tiếng bởi nó liên quan tới tổng thể các vấn đề có quan hệ tới vận mệnh của đất nước, của dân tộc cả trong hiện tại và tương lai...Phải yêu nước thương dân, phải gắn bó máu thịt, mật thiết với dân tộc mới có thể có những suy nghĩ, việc làm vượt lên được cái thói thường lão giả an chi của người đời...
Không nói đâu xa, tại nước láng giềng Trung Quốc, một vị từng ở cương vị Thủ tướng của cái đất nước 1 tỷ dân, lúc đương quyền được coi là ngọn hung phong của các chính sách cải tổ, tạo nên những biến đổi lớn trên đất nước Trung Hoa vĩ đại này; thế nhưng khi đã về hưu là quay sang suốt ngày hát kinh kịch, ngao du sơn thuỷ, phòng ở và phòng làm việc đã treo luôn biển: Ở đây không bàn chính sự; thuộc cấp cũ tìm đến thăm ông có ý muốn tham vấn đôi điều luôn bị ông lắc đầu, từ chối ngay: Chuyện chính sự miễn bàn, nếu có bàn tới kinh kịch thì hãy tìm tới ta...
Như chúng ta biết, hiện nay lịch sử đã để lại cho chúng ta một đội ngũ lão thành cách mạng khá đông, hiện nay theo chúng tôi cũng còn sống hàng trăm vị. Rất nhiều vị lúc làm việc cũng như khi rời chính trường đã để lại những tấm gương sáng về đức độ trong trong tác phong công việc, trong đối nhân xử thể kể cả  khi không còn trên cương vị công tác... Vẫn có những vị vẫn hàng ngày hàng giờ quan tâm tới vận mệnh đất nước như một bậc tiền bối, như là người cha, người ông lo toan cùng con cháu hết thảy mọi vấn đề của cuộc sống, xã hội, đất nước...
Có thể coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tấm gương sáng nhất, trong số các lão thành cách mạng hiện đang còn sống. Điều này thể hiện qua việc hàng ngày ông luôn quan tâm lo toan tới các công việc lớn, có liên quan lâu dài đến sự tồn vong, đến ấm no, hạnh phúc của nhân dân chứ không lo mỗi gia đình ông, con cháu của ông.
Để có được những đóng góp đó, trước hết ông được trời phú cho một thứ lộc mà không nhiều người có được đó là tuổi thọ. Cha ông từng có câu: Ngũ phúc Thọ vi tiên...Cái phúc lớn mà trời ban cho ông, ông không chỉ chia sẻ ban phát riêng cho con cháu, gia đình cá nhân Đại tướng mà ông còn tìm cách chia sẻ với đất nước, dân tộc theo hình thức: Ngày nào đầu óc ông còn làm việc được, ông còn nghĩ suy tìm giải pháp đóng góp cho các vấn đề của đất nước trên tinh thần công tâm, kịp thời và nhiệt huyết...
Hiện ông đã ngót nghét trăm tuổi nhưng ông vẫn cón hết sức minh mẫn, tác phong vẫn đĩnh đạc, đàng hoàng mặc dù trong cuộc đời hoạt động cách mạng, tuy ông có những đóng góp lớn nhưng về cá nhân ông không khỏi có lúc thăng trầm...Thời gian là vị trọng tài quyền năng và toàn năng; thời gian đã mang trả lại cho ông những gía trị mà ông đã từng xây cất lên trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng gian khổ, hy sinh...
Chúng ta hãy thử hình dung nếu Thế kỹ XX Việt Nam không có Võ Nguyên Giáp, bước thế kỷ XXI này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi sẽ quy tiên; lúc đó người Việt Nam chúng ta, những lớp con cháu đàn em mới hiểu được Việt Nam cần đến Võ Nguyên Giáp, dân tộc Việt Nam cần có những con người như Võ Nguyên Giáp đến mức nào? Cũng như những tầng lớp cha ông trước đây từng cần đến Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung mà nhờ có họ mà lịch sử dân tộc mới có cái để viết lại; nếu không có họ, lịch sử sẽ là những trang hoàn toàn khác...Chúng ta đã từng có 1000 năm không còn để lại một vết tích gì cho dù là nhỏ nhất. Có nhắc đến điều đó mới hiểu được vai trò của những con người như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Võ Nguyên Giáp...
Đứng về mặt tuổi đời, ở cái tuổi thật sự đã được kiểm chứng của trời đất, ông xứng đáng được lòng dân đất Việt ghi nhận Ông là: Anh, là Cha, là Chú, là Bác, là Ông của hàng triệu con người...Ông xứng đáng được nhận sự thành kính thành tâm của hàng triệu người con dân đất Việt.
Các thế hệ lãnh đạo đang gánh vác các trọng trách của bộ máy Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội hiện nay so với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tuổi đời thuộc bậc con, bậc cháu...Do vậy, các ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là ý kiến của một bậc lão thành cách mạng mà còn là ý kiến của một con người về tuổi đời đều trên bậc. Có thể bước sang thế kỷ XXI, dân tộc chúng ta chuẩn bị và biết đâu đã có rồi những Võ Nguyên Giáp khác trong quân sự, trong xây  dựng kiến thiết đất nước; con hơn cha là nhà đại phúc...Chúng ta  cầu mong và luôn tin vào điều đó; có như vậy dân tộc chúng ta mời trường tồn tới hôm nay !
Trước khi bắt tay vào làm một quyết sách nào, các vị tại các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội cần cân nhắc, đảm bảo đầy đủ các dữ liệu tối ưu trên có cơ sở khoa học rằng quyết sách đó sẽ: Không chệch hướng, trái chiều với lý tưởng bảo vệ và xây dựng đất nước trong thời đại mới; những lý tưởng mà những con người từng đặt viên gạch đầu tiên có bàn tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Nếu các quyết sách đó chưa đủ độ chín về thời gian, chưa có đủ các cơ sở kinh tế- văn hoá-khoa học-kỹ thuật mà vẫn quyết làm thì vô tình sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm không chỉ về kinh tế, xã hội, an ninh, môi trường mà cả về mặt đạo lý.
Một xã hội như xã hội Việt Nam, ngoài pháp luật không thể không cần sự điều chỉnh, sự ràng buộc của các quan hệ đạo lý, nhất là các ràng buộc đạo lý trong quan hệ gia đình...
Ở các nước phương Tây, Thế quyền bao giờ cũng liên minh với Thần quyền để thiết lập, tạo dựng một thiết chế đảm bảo sự phát triển hài hoà, ổn định. Ở Việt Nam chúng ta, vai trò của Thần quyền không lớn và ảnh hưởng rộng rãi bằng các quan hệ đạo lý, huyết thống. Chúng ta thử hình dung trong xã hội chúng ta hiện nay, nếu mà chúng ta giải phóng, huỷ tiêu các ràng buộc trách nhiệm trong gia đình dẫn đến tình cảnh: Con không nghe cha, mẹ; cháu không vâng lời ông, bà... thì xã hội sẽ nguy hiểm và hỗn loạn đến như thế nào?
Hiện nay hệ thống  giáo dục của chúng ta phổ cập tới cấp 1, cấp 2 tới các phường xã; các đoàn thể như mặt trận, phụ nữ, thanh niên, nhi đồng, đảng... có chân rết tới tận phường xã. Tất cả các thiết chế đó chỉ hỗ trợ chứ không thay thế nổi các sự điều chỉnh cốt tử từ các quan hệ gia đình: Con cái-bố mẹ-ông bà... Hiện nay rất nhiều thanh thiếu niên hư hỏng, lệch chuẩn hành vi đều xuất phát từ nguyên nhân: Các quan hệ tình cảm, đạo lý trong các gia đình của các cá nhân này có vấn đế trục trặc...Điều này ngành tâm lý tội phạm đã chứng minh bằng các số liệu điều tra xã hội học có căn cứ...
Điều đáng tiếc này có nguy cơ xảy đến lại xuất phát, trở thành tiền lệ trong quan hệ ứng xử: Cháu không vâng lời ông bà, con để ngoài tai các lời khuyên can của bố mẹ; các quan ứng xử theo các chuẩn mực của đạo lý sẽ bị tổn thương trước mắt và cả trong tương lại nếu không quan tâm tới 3 bức thư của Đại tướng; về thực chất là 3 lời khuyên của một con người về thứ bậc thuộc hàng Ông, hàng Cha đã được hàng triệu người mặc nhiên thừa nhận ?
Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên nếu theo tính toán của Tập đoàn Than và Khoáng sản sẽ có lãi sau 13 năm; trong khi chờ cái lãi đó về vật chất thì một cái lỗ khác, một sự huỷ hoại khác sẽ đến nhãn tiền ngay lập tức: thái độ của lớp trẻ ứng xử với ông, bà, cha mẹ sẽ khác sau vụ bauxite Tây Nguyên ?!
Theo chúng tôi vấn đề giữ được sự ứng xử theo chuẩn mực của đạo lý của cả một cộng đồng, dân tộc cũng như đối với từng gia đình nó có giá trị lớn gấp nhiều lần so với mấy tỷ USD, nhân dân tệ lợi nhuận mà Tập đoàn Than và Khoáng sản đang hứa sẽ mang về cho đất nước trong tương lai...Mong các vị bình tâm cân nhắc, suy xét !
P.V.Đ
( Nguồn: vn.myblog.yahoo.com/phamvietdaonv)