Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THIÊN AN MÔN

Huy Đức
Thứ sáu ngày 5 tháng 6 năm 2009 7:01 PM
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương đã dùng phần lớn nội dung cuốn hồi ký của mình để viết về cuộc thảm sát Thiên An Môn. Ông tiết lộ: “Lúc ấy Đảng có thể dễ dàng thoả thuận với sinh viên, nhưng đã quyết định đè bẹp họ bằng xe tăng, súng đạn”.
Những sinh viên có thể đã tuyệt thực quá lâu, nhưng Bắc Kinh đã không đối thoại với sinh viên như cách mà ông Triệu đã làm và đã cho hiệu quả. Người ta đã gán cho những người biểu tình ở Thiên An Môn tội “phản cách mạng”, kể cả Nhân Dân Nhật Báo cũng chỉ “đổ thêm dầu”. Theo một số tài liệu được nói là “báo cáo mật” vào thời điểm ấy, thì có rất nhiều “thế lực thù địch” đã xúi giục sinh viên. Suốt 20 năm trôi qua, không hề có bằng chứng nào được đưa ra về những âm mưu thù địch ấy. Chỉ có sự thật là người Trung Quốc muốn chống tham nhũng và muốn cải cách theo hướng dân chủ mà thôi.
Những người Trung Quốc chứng kiến sự kiện Thiên An Môn vẫn còn nhớ lại, nhiều giáo sư già cũng đã sát cánh với sinh viên trong các cuộc biểu tình. Khẩu hiệu của họ đã nói rất là đầy đủ: “Quỳ gối lâu rồi chúng ta phải duỗi chân”. Người dân Trung Hoa đã tưởng là có thể “bắt đầu đứng dậy” khi nghe Mao Trạch Đông nói ở Thiên An Môn trong ngày quốc khánh 1-10-1949. Nhưng sự thật là, như nhiều người Trung Hoa đã nói, từ ngày ấy, chỉ có ông Mao là người được đứng; kể cả Chu Ân Lai, cũng cùng phải quỳ gối, dạ vâng.
Triệu Tử Dương đã gặp gỡ sinh viên và, với các nhà lãnh đọa Trung Hoa, ông cố công thuyết phục: “Những người biểu tình không hề muốn lật đổ mà chỉ muốn thực hiện những đổi thay”. Nhưng không ai nghe ông. Những người không đứng về phía nhân dân không cần nghe sự thật. Và các “nguy cơ” càng được thổi phồng để họ có thể sử dụng xe tăng. Thủ tướng Lí Bằng, đã thành công khi dùng vụ Thiên An Môn để hất chân ông Triệu. Nhưng, cho dù người ta đã thay đá trên quảng trường thì cũng không thể nào rửa sạch máu nhân dân.
Ở đâu cũng có những kẻ như Lí Bằng. Nhưng, chỉ những nơi mà vận mệnh của một quốc gia nằm trong tay một vài cá nhân thì sinh mạng của nhân dân mới có thể bị xe tăng nghiến lên như thế. Triệu Tử Dương, trong hồi ký của ông, mô tả Bộ Chính trị Trung Hoa thời đó như là các phe nhóm và ông già 85 tuổi Đặng Tiểu Bình thì ngồi ở sau lưng “như một Bố Già”. Chỉ vì Đặng ngả theo nhóm của Lí Bằng mà hàng nghìn thanh niên phải chết.
Không phải ngẫu nhiên mà Triệu Tử Dương nhận ra: “Trung Quốc chỉ có con đường trở thành một nhà nước dân chủ”. Không có “tự do ngôn luận, tòa án độc lập” thì theo ông Triệu: “Giới chính trị, kinh tế và trí thức tinh hoa sẽ liên kết và thoả hiệp với nhau trong các quyền lợi, đứng trên cả lợi ích của đất nước, của nhân dân”.
 
Năm 1989, ở Bộ Chính trị Trung Quốc, ông Triệu là người đơn độc. Có lẽ hình ảnh của ông cũng có thể ví với hình ảnh của chàng thanh niên đứng chặn trước xe tăng đang tiến vào Thiên An Môn hôm 5-6. Suốt 16 năm, Triệu Tử Dương bị các đồng chí của ông giam lỏng. Ngày 17 tháng 1 năm 2005, khi ông qua đời, báo chí nhà nước chỉ thông báo một dòng vắn tắt “đồng chí Triệu Tử Dương đã ra đi”. Không ai nhắc rằng, ông đã là Tổng Bí thư; đã là Thủ tướng; đã là nhà tư tưởng của cuộc cải cách đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia phát triển.
Nhưng lịch sử sẽ không bao giờ đi qua đơn giản. Cũng như người thanh niên kia, có lẽ đã bị giết, đến giờ vẫn vô danh, nhưng sẽ bất tử. Khát vọng của nhân dân thì không bao giờ có thể đè bẹp bằng xe tăng hay súng đạn.