Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÀNG HOÀNG VÀ LÉN LÚT

Nguyễn Quang Thân
Thứ năm ngày 4 tháng 6 năm 2009 7:38 AM
 
Trong sáng, minh bạch, đàng hoàng, quang minh chính đại là cách hành xử của đạo làm người. Đó cũng là tiêu chí của một quốc gia văn minh, lành mạnh. Đã có rất nhiều tấm gương đàng hoàng được ghi chép lại trong sử ta.
Tô Hiến Thành không ưu ái người giỏi sắc thuốc, đổ bô cho mình lúc ốm đau mà đề cử người hiền tài, ông đặt vận nước lên trên phe cánh. Nguyễn Biểu ngang nhiên ăn hết một cái đầu người trước mặt quan quân Trương Phụ, không sợ mang tiếng “ăn thịt người” để giương cao ý chí bất khuất và lòng trung nghĩa, coi khinh kẻ địch đang mạnh. Lý Trần Quán tự chui vào quan tài cho người ta chôn sống là công khai nhận trách nhiệm của một ông thầy không may có đứa học trò phản trắc. Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản tuẫn tiết nhằm mong hậu thế hiểu cho việc thất bại là do “bất khả kháng” chứ không phải không hết lòng phù vua giúp nước. Đại tướng Tổng Tư Lệnh Võ Nguyên Giáp không sợ mang tiếng thất tín hay nhu nhược trước toàn quân đang bừng bừng khí thế “nuốt Ngưu Đẩu”, ra lệnh “kéo pháo ra” để bảo đảm chắc thắng cho trận quyết chiến chiến lược. Vị tướng tài đã đặt vận mệnh sống còn của đất nước lên trên uy tín bản thân mình.
Bậc vương giả lại càng phải nêu gương đàng hoàng trước thiên hạ. Khi xẩy ra nhiều thiên tai bất thường, Vua Nhân Tông nhà Lê xuống chiếu hỏi quần thần xem có phải vì nhà vua có quá nhiều khiếm khuyết đại loại như “bọn gièm pha âm mưu xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất, bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện lãng phí, kẻ tiểu nhân được tiến dùng, người quân tử phải lui ở ẩn, đường nói năng bịt kín (tức là cấm đoán ngôn luận- NQT) mà ơn trên bị che lấp chăng?” Vua Tự Đức, ông vua bị mang tiếng (có lẽ là oan) gây ra vạ mất nước đã để lại di chiếu nhận hết tội lỗi về bản thân mình: “…không sáng suốt trong việc biết người ấy là tội của ta, hằng trăm việc không làm được đều là tội của ta cả, bắt đắc dĩ phải thuận theo quyền mà hành động, những mong được một phút nghĩ ngơi nhưng thiên hạ từ đó bắt đầu sinh ra lắm chuyện” ( Trích Khiêm Cung Ký - Phan Hứa Thụy dịch).
Đó là những tấm gương sống ngay thẳng, chết đàng hoàng, dù có người không thành công cũng thành nhân.
Người quân tử hay kẻ thất phu để được đàng hoàng thì “đứng không đổi tên, ngồi không đổi họ”, không làm điều nặc danh, lén lút, dùng thủ đoạn vặt của kẻ mánh mung chỉ trỏ hay kẻ chơi xóc đĩa 50/50. Bậc vương giả ngày xưa cũng  như ngày nay để được đàng hoàng thì luôn “ghét nhất là sự dối trá”(câu nói nghe quen quen), không làm điều tù mù, lèo lá, bất nhất.
Vua nước Áo cử hoàng hậu xinh đẹp ngồi đàm phán về đất đai với Napoleon. Bộ trưởng ngoại giao Talleyrand thấy hoàng đế mình ngồi với người đẹp quá lâu, sinh nghi, chạy vào. Napoleon nói: “ Nhà ngươi vô chậm chút xíu nữa thì nước Pháp mất mẹ nó vùng Alsace!” Như vậy là ít nhất ta cũng biết có hai bậc vương giả thiếu đàng hoàng là vua nước Áo và vị anh hùng Napoleon.
Đàng hoàng được cũng khó lắm thay!