Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Khi sự thật lịch sử bước vào nghệ thuật

PGSTSNguyễn Trường Lịch
Chủ nhật ngày 20 tháng 1 năm 2013 10:06 PM


     Vào đầu thế kỷ XIX, trong khi luận bàn về ý nghĩa mỹ học của các trường ca lịch sử và truyện lịch sử, nhà lý luận mỹ học Belinxki từng nêu lên một nguyên lý: “ Chúng ta chất vấn quá khứ, bắt nó giải thích hiện tại, và dự đoán tương lai của  chúng ta”. (V.Belinxki- t.10/tr18-M.1956-Nga văn)
       Có thể diễn đạt rộng thêm là khi “sự thật đời sống lịch sử” bước vào nghệ thuật thì làm thế nào để vươn tới được tầm cao“chân thiện mỹ”?
        Lịch sử trong ý nghĩa này làm nhiệm vụ phản ánh sự thật khách quan, phản ánh đời sống xã hội đã và đang tồn tại thực. Còn “quá khứ” được xem là qúa trình xã hội đã xẩy ra, và “hiện tại” được xem là các sự kiện xã hội đang diễn tiến. Quá khứ và hiện tại có quan hệ mật thiết với nhau, phản ánh khuynh hướng phát triển và là nội dung của quá trình xã hội; thật ra không cần phải có độ lùi đến nửa thế kỷ mới là lịch sử như một vài nhà văn đã trao đổi.  
      Để sáng tỏ hơn, có lẽ nên tham khảo ý kiến của Lênin, rằng: “Cái gì đang diễn ra trước mắt chúng ta với tốc độ ngày càng to lớn cũng là lịch sử”.(Lenin-t.13/tr632-Nga văn) Ở Nga, cuốn tiểu thuyết lịch sử Con đường đau khổ (1919-1941) của Alecxei (1893-1945)-trong đó có tập II mang tên Năm 1918,được viết từ 1927-1929),  còn tiểu thuyết Sông Đông êm đềm được viết từ 1925-1940 của M.Solokhov (1905-1985) và truyện ký lịch sử Sapaev (1923) của Furmanov đã ra mắt trong khi tiếng súng nội chiến (1818-21) còn âm ỉ chưa dứt. Đương thời giới văn nghệ  coi đó là “ lịch sử đang còn bốc khói ”.
       Từ địa hạt sự thật đời sống chuyển sang lĩnh vực sự thật nghệ thuật là một khoảng cách khá rộng lớn, quanh co và phức tạp, luôn luôn gắn kết chặt chẽ với thế giới quan, với điểm nhìn và cá tính sáng tạo của các nghệ sĩ phù hợp với  quy luật nội tại của nghệ thuật. Ngày nay, chúng ta có thể lấy bộ tiểu thuyết anh hùng ca Chiến tranh và hòa bình (1864-1869)của văn hào L Tolstoi–tác phẩm được xếp loại siêu đẳng trong nền nghệ thuật cổ điển toàn nhân loại - mong rút ra những kinh nghiệm bổ ích về nội dung phản ánh sự thật lẫn nghệ thuật thể hiện. Đặt bút viết tiểu thuyết CTHB, không phải với dụng ý tôn vinh ngợi ca quá khứ oanh liệt, mà điều chủ yếu là nhà văn muốn góp phần giải đáp câu đố quan trọng của xã hội nước Nga lúc bấy giờ. Bởi lẽ, sau cuộc “Cải cách hủy bỏ chế độ nông nô”(19-2-1861) nước Nga đang đứng trước ngã ba đường, chưa biết đi theo hướng nào? Số phận nông dân và vận mệnh Tổ quốc Nga sẽ ra sao? Thử hỏi đất nước tiến lên theo chủ nghĩa dân chủ tư sản phương Tây, hoặc trở lại thời phong kiến quân chủ nông nô, hay trở về nước Nga cổ đại trước thế kỷ XVIII - trước thời Pie đệ nhất?
        Đương thời, những ý tưởng lớn lao ấy là câu hỏi cháy bỏng của bao nhà hoạt động chính trị, - xã hội cùng nhiều văn nghệ sĩ đã đặt ra, mà nổi bật nhất là tiểu thuyết Làm gì (1862) của Sernưsevxki. Còn Tolstoi cho rằng lời giải đáp nằm trong “tính cách Nga”, mà cuộc chiến tranh vĩ đại của nhân dân kỳ diệu đã minh chứng hùng hồn đầy thuyết phục qua sự thật lịch sử. Đấy là chân lý đời sống –điểm tựa của chân lý nghệ thuật.
       Về sự thật chính trị xã hội ở châu Âu vào những năm đầu thế kỷ XIX từ 1805-1820 thì Kutuzov- nguyên soái nước Nga - và Napoléon- thống chế nước Pháp – thuộc hai chiến tuyến đối địch qua hai cuộc chiến tranh 1805 và 1812; nhưng khi lịch sử xâm nhập vào nghệ thuật thì hai nhân vật này lại được thể hiện theo nhiều cung bậc khác nhau. Cụ thể là nếu nhìn vào những bức họa về Napoléon ở bảo tàng Louvre tại París và các bức họa về Kutuzov và Napoléon ở bảo tàng Ermitage tại Saint Peterburg, thì bạn sẽ thấy khoảng cách biểu hiện rất đỗi khác nhau giữa các họa sĩ bắt nguồn từ sự khác biệt về thế giới quan. Đặc biêt, nếu đọc tiểu thuyết CTHB thì chắc chắn bạn sẽ cảm nhận rõ điểm nhìn của L.Tolstoi về Napoléon, trái ngược với điểm nhìn của Victor Hugo trong truyện Những người khốn khổ (1862).  
        Cần phải chú ý, khi hai nhân vật Napoléon và Kutuzov bước vào tiểu thuyết cùng các nhân vật Nga hoàng Alecxan đệ nhất, sứ thần Nga Balasov, đại thần Vaxili, bá tước Pie, Anđrei, Natasa, Elen, Nikolai, anh du kích Tikhon… với số lượng 559 nhân vật hiện ra dưới ngòi bút của L.Tolstoi; tất cả các hình tượng ấy được đặt vào một hệ thống kết cấu và phân tích, được sắp đặt từ “hàng triệu cách phối hợp để chọn lấy một…” (L.T). Ở đây, các nhân vật lịch sử cùng xếp trên bình diện ngang hàng với các nhân vật hư cấu. Thông qua hệ thống hình tượng đó, bằng tiếng nói riêng của mình, tác giả bộc lộ quan điểm về chiến tranh, về hòa bình, về lịch sử, tôn giáo, đạo đức, về quốc gia và dân tộc, về triết lý vũ trụ, nhân sinh, về sự sống, tình yêu và cái chết, về cái thiện, cái ác, cái đẹp, cái xấu v.v... Tác giả chịu trách nhiệm trước mọi vấn đề được đặt ra qua gần hai ngàn trang tiểu thuyết, rồi lý giải rành rẽ đến từng chi tiết qua hình tượng và ngôn ngữ nghệ thuật.
         Ở tác phẩm đồ sộ này, từ đầu chí cuốí,tác giả thể hiện nhiều ý tưởng phong phú qua nhiều cách diễn đạt đa dạng, khi là tranh luận, khi là cảm xúc tùy hứng, khi là đối thoại, nhưng vẫn nhất quán trong phương thức truyền đạt cái chung, thông qua việc miêu tả cái riêng không tách rời các trạng thái tâm lý, gắn liền với các tình huống khác nhau.   
  Thời trẻ,Tolstoi từng đọc và ngợi ca truyện kể Bộ quần áo mới của Hoàng đế
của Andersen, rồi ghi vào Nhật ký rằng, “nghệ thuật phải chứng minh là ông vua trần truồng”.Cũng vậy, muốn khắc họa tính chất cuộc chiến tranh 1812, sự
vĩ đại của chiến công nhân dân hòa cùng tính tự phát cúa quần chúng, nhà văn từ chối phong cách ước lệ quen thuộc đương thời, mà mạnh dạn khảo sát thực địa chiến trường Bôrôđinô đến tận từng hầm hào, ụ pháo, vẽ chi tiết bản đồ chiến sự của quân Nga và quân Pháp đạt đến mức các tướng lĩnh thời xô viết hiện đại đánh giá văn hào Tolstoi am hiểu tường tận chiến trường như một sĩ quan tham mưu. Chẳng thế mà khi rời Bỏrôđinô, trên đường về nhà, L.Tolstoi đã tâm sự với cậu em vợ mới 12 tuổi đi cùng rằng: “ Các sử gia miêu tả không đúng và hời hợt, mà lẽ ra muốn hiểu thì phải đoán biết được cơ cấu bên trong của cuộc sống…”(1) Cơ cấu bên trong ấy chính là “tính cách Nga”, là ý thức và sức mạnh truyền thống độc lập, tự cường của dân tộc Nga, gắn kết trong cái chính nghĩa, cái thiện của nhân dân dẫn đến thắng lợi hoàn toàn trước mưu đồ bành trướng bá chủ châu Âu của hoàng đế Napoléon.Đấy là hạt nhân cơ bản của sự thật đời sống lịch sử, còn các biến cố, các sự kiện đã xẩy ra thì chưa bộc lộ đầy đủ bản chất tính cách của con người Nga. Đấy chính là chân lý lịch sử vừa là chân lý nghệ thuật không thể xóa nhòa.Chẳng phải, có một số nhà sử học và tướng lĩnh Pháp cho rằng Napoléon thất bại trước “nguyên soái mùa đông” nước Nga, chứ không phải thua nguyên soái Kutuzov. Cũng chẳng khác gì sau thế chiến II (1941-1945) không ít nhà viết sử phương Tây lập luận theo vết  xe đổ rằng, thống chế Hitler thất bại vì “mùa đông nước Nga lạnh quá”!?Của đáng tội,báo chí đương thời từng viết, Hồng quân Nga phải mang theo chíếc đèn cồn để hơ nóng tay lúc bóp cò súng?Trong hiện thực, có thể như thế, nhưng toàn bộ biến cố lịch sử long trời lở đất ấy xẩy ra ở châu Âu lại không phải như vậy!        
     Trò chuyện với một văn sĩ Nga,Pr.Merimée (1803-1870) –nhà tiểu thuyết hiện thực nổi tiếng Pháp nêu nhận xét thú vị: “Đối với các anh …trước hết phải là Sự thật, còn cái Đẹp thì như là kết quả của sự thật ấy ”.  
     Trong CTHB, yếu tố sự thật xác định và yếu tố hư cấu không xác định đan xen lẫn nhau đến mức khó lòng phân biệt, nếu người đọc không chú ý. Chẳng hạn, sáng ngày25-8-1812, trước chiến dịch Bôrôđinô một hôm, Napoléon tắm vào sáng sớm trước khi đi kiểm tra chiến trường. Ngày mở chiến dịch 26-8-1812 là sự thật lịch sử xác định; còn cảnh tắm táp ai mà biết được thực–hư ra sao? Nhưng ở trường đoạn này, ngòi bút tác giả tưởng tượng qua nét chấm phá hài hước nhằm hạ bệ “vị anh hùng cá nhân” đang lẫy lừng tiếng tăm. Thật sự nơi đây lồ lộ con người bằng xương, bằng thịt, đầy ắp trạng thái nhục cảm và tham  vọng. Nào đâu phải “vị thần chiến tranh”, đâu phải “vĩ nhân”, đâu phải “một hoàng đế hoàn toàn” đáng được ngưỡng mộ, sùng bái như Victor Hugo ngợi ca trong Những người khốn khổ. Không đâu, Napoléon cũng trần trụi tầm thường như mọi người, chắc “Ngài” sẽ thất bại như bao con người khác, bởi quy luật nhân quả hiển hiện như chính “Ngài”đang bắn giết gieo rắc vô vàn tai họa đẫm máu, trái với lương tâm của nhân loại, trái với chính nghĩa, với cái Thiện mà Chúa Trời hằng kêu gọi, theo điểm nhìn của L.Tolstoi. Ở đây chân lý lịch sử và chân lý nghệ thuật gặp nhau trên cùng một hướng, bởi lẽ giản dị là loài người chăng ai muốn chém giết lẫn nhau!
        Hãy quan sát trường đoạn phòng tắm để hiểu rõ con người này:
“Ông ta thở phì phì và ho khe khẽ, khi thì giơ cái lưng béo mập, khi thì ưỡn cái ngực đẫy dà và lông lá ra cho người hầu phòng lấy bàn chải chà xát. Một người hầu phòng khác lấy ngón tay bịt miệng lọ rẩy nước hoa lên cái thân hình trau chuốt của hoàng đế …Mớ tóc ngắn của Napoléon ướt đẫm và dinh bết lên trán. Nhưng bộ mặt của ông, tuy béo phì và vàng bủng và biểu lộ sự thỏa mãn  về thể xác: “ Cứ xát mạnh vào, cứ xát nữa đi!” ( CTHB-III/330)_   
       Đây là một thủ pháp nghệ thuật cá thể hóa, với ý đồ hạ bệ con người  trần trụi này đang chăm chút thỏa mãn thể xác trong tâm địa tàn nhẫn của kẻ khát máu, cho nên khi đang được kỳ cọ trau chuốt trong phòng tắm, “Napoléon vẫn không ngẩng đầu lên, cau mày gườm viên sĩ quan phụ tá” vào báo cáo về số lượng tù binh đã bắt được trong trận chiến đấu hôm qua: -“ Không bắt làm tù binh! - chúng cố tình nộp mạng. - Napoléon nói- Cứ xát, xát mạnh vào - ông vừa nói vừa cong lưng lại và giơ đôi vai béo mập ra”. (CTHB.III/333)
       Cảnh phòng tắm nhỏ bé nơi chiến trường này không tách rời,mà tương  phản với  bối cảnh lịch sử hoành tráng của cuộc chiến tranh vô  nghĩa  bùng nổ vang động cả bầu trời châu Âu: - “ Từ cuối năm 1811 bắt đầu   một cuộc tập trung lực lượng và vũ trang ráo riết ở các nước TâyÂu và  và đến năm 1812 thì các lực lượng ấy-gồm hàng mấy triệu người…từ phương Tây lên đường tiến về phương đông, về phía biên giới nước Nga và cuộc chiến tranh đã bùng nổ…Hàng mấy triệu con người đã hãm hại nhau bằng vô số những tội ác…, mà các tập niên san của tất cả các tòa án trong thiên hạ dù có góp nhặt trong mấy thế kỷ liền cũng không sao bì kịp, nhưng đương thời thì những kẻ can phạm vẫn không coi đó là tội ác”.(CTHB- III/5) 
       Bức tranh vĩ mô xen lẫn những cảnh vi mô là phương thức sáng tạo nghệ thuật tương phản của tiểu thuyết, mà CTHB - tác phẩm đứng ở tầm cao nhất của toàn nhân loại suốt 200 năm qua, từng nêu lên một sự thật đời sống vừa là sự thật nghệ thuật,  đồng thời cũng là  chân lý lịch sử được cô đúc trong tư tưởng chủ đề tác phẩm:- “nhân dân Nga kỳ diệu vô song”…“bởi mục đích nhân dân Nga chỉ có một: giải phóng đất nước khỏi cuộc xâm lăng”(CTHB-IV/163) “ Sức mạnh của nước Nga là ở trong nhân dân Nga”(bản thảo CTHB)     
        Chân lý lịch sử ngời sáng ấy được nhà văn khắc họa cụ thể: “ Việc một đạo
quân 50 vạn người bị tiêu diệt, việc đế chế Pháp cáo chung, chính ở Bôrôđinô lần đầu tiên đế chế ấy đã chịu cái đòn nặng nề của một cánh tay khỏe hơn nó về mặt tinh thần”.(t.III/408) Đúng vậy, 50 năm, trước khi L.Tolstoi cầm bút viết bộ sử thi này, Napoléon thật sự đã phải âm thầm rút quân theo đường Smolen chạy khỏi nước Nga; về đến thủ đô Varsava-Balan- chỉ còn 5 vạn tàn quan, vị Hoàng đế tổng tư lệnh quân đội Pháp-đã ai oán than thở rằng:“Hôm qua là một đại quân.Hôm nay là một đàn cừu…Từ sự cao cả đến sự lố bịch chỉ có một bước. Việc đó để cho hậu thế suy xét”(Ephimov-Lịchsửcậnđại-NxbSựthật-tI-t.I/189)
       Sau thất bại ở chiến trường Oaterlo(18/6/1815),Napoléon bị chính phủ nước Anh bắt đày trên đảo Saint Helène;đến cuối đời, trong Hồi ký,ông đã ngậm ngùi bộc lộ:“Trong tất cả những trận đánh của tôi thì trận kinh khủng nhất là trận ở gần Moskva (Bôrôđinô). Trong trận này  quân đội  Nga đã xứng đáng được xem là không thể đánh bại được!”          
       Ở phạm vi tác phẩm nghệ thuật kinh điển này, sự thật lịch sử được tái hiện sinh động, đa dạng theo quy luật nội tại của hiện thực nghệ thuật. Bộ tiểu thuyết CTHB phản ánh cụ thể, chân thực, sinh động, hoàn chỉnh và tài tình cuộc chiến ngoài mặt trận gắn kết với đời sống hậu phương của dân tộc và nhân dân Nga. Đúng là tình huống(situation) chiến tranh và hòa bình đã cuốn hút trái tim và khối óc tất cả các tầng lớp từ vị hoàng đế đến thường dân vào tận phòng ngủ, bếp núc đang yên bình của mọi gia đình, và ngược lại mọi thành phần từ nông dân đến đại quý tộc…, biết bao số phận già, trẻ, trai, gái trên khắp nước Nga và châu Âu đã bước vào tiểu thuyết theo một hệ thống chặt chẽ, tạo thành một bức tranh hoành tráng, mà trước đó chưa hề xuất hiện. Chính vì thế, tiểu thuyết CTHB được đánh giá là “đỉnh Himalaya của nghệ thuật nhân loại ”.
       Suốt quá trình sáng tác,với điểm nhìn hiện thực khách quan, kể từ lúc đang cầm súng, vừa bắt đầu cầm bút trên chiến trường Sevaxtopol (1855)cho đến cuối đời,qua bài báo vang dội khắp châu Âu “Tôi không thể im lặng”(1908), rõ ràng là xuyên suốt nửa thế kỷ, L.Tolstoi vẫn chung thủy với nguyên lý sáng tác,mà ông từng khẳng định:“Nhân vật chính trong truyện của tôi, mà tôi mến yêu với tất cả sức mạnh tâm hồn, mà tôi đã cố gắng tái hiện với tất cả vẻ đẹp của nó, và nó luôn luôn đã đã, đang và mãi mãi sẽ là Đẹp, đó là sự thật”(pravđa-Sevaxtopol tháng Năm-1855)
      Để sáng tỏ thêm đề tài đã đặt ra, có thể khảo sát cuốn tiểu  thuyết lịch sử  Vạn xuân –(1992-Dix mille printemps )(2) của Yveline Ferray-nữ văn sĩ Pháp -(bản tiếngViệt).Tác phẩm này dày đến 900 trang viết về Nguyễn Trãi (1380-1442)-“danh nhân văn hóa thế giới” (1980) để nói về nước Đại Việt chúng ta. Trong Lời phi lộ, tác giả ghi rõ ý tưởng:”Định mệnh một cá nhân và định mệnh cả tập thể nương dựa, nuôi dưỡng lẫn nhau,cho nên viết về Nguyễn Trãi tức là viết về Đại Việt(..) Định mệnh của một con người có thể giúp ta hiểu lịch sử một thời đại, nhưng ngược lại, chỉ lịch sử thời đại người ấy sống mới giúp ta hiểu được định mệnh con người ấy”(..)Cuốn sách này sẽ là một cuốn tiểu thuyết về một nền văn hóa vào chính cái thời điểm mà cả một dân tộc đứng lên bảo vệ bản sắc và tự do của mình”(..)Vì thế, cuốn sách này không nhằm trình bày một cuộc đời được tiểu thuyết hóa, hay một tiểu sử được thêm màu mè văn vẻ…” (tr8)
     Theo tôi, Vạn xuân là cuốn tiểu thuyết có nhiều nét sáng tạo nghệ thuật mới mẻ, đáng đọc.Một số nhà văn, nhà báo đương thời coi tác phẩm là một “ Tiến trình tổng thể mà từ trước đến nay chưa có ai bắt tay vào. ”(tr9). Điểm đầu tiên là tác phẩm làm nổi bật được ý chí độc lập tự chủ và sức mạnh chiến đấu- chiến thắng của dân tộc  Đại Việt trước kẻ thù xâm lược phương Bắc.
    Hệ thống sự kiện và nhân vật được dàn trải trên không gian mênh mông từ Đông Đô đến rừng núi Lam Sơn suốt chiều dài thời gian hơn 60 năm, kể từ lúc Nguyễn Phi Khanh thi đỗ Cử nhân vào năm 1379 đời Trần Phế Đế được hoàng thân đại thần Trần Nguyên Đán-(1320-1390) mời vào nội thành làm gia sư dạy con gái thứ ba.Câu chuyện kéo dài đến lúc vua Lê Thái Tông chết đột ngột,Lê Nhân Tông lên ngôi thì đại thần Nguyễn Trãi, đệ nhất lập quốc công thần nhà Lê (cháu ngoại Trần Nguyên Đán)và Nguyễn Thị Lộ-người vợ kế - bị vu cáo tội mưu sát nhà vua, phải kết án tru di tam tộc cùng các tỳ thiếp vào năm 1442…    
     Bối cảnh xã hội của cốt truyện tiểu thuyết là một quá trình lịch sử đích thực được nghệ thuật hóa gắn liền với tâm trạng nhân vật trung tâm từ lúc tiễn cha đến ải Nam Quan, rồi vâng lời cha quay vchiều dàiề tìm đường cứu nước, và sau 10 năm bị giam lỏng ở Đông Đô, ông đã tìm cách trốn thoát vào Lam Sơn cùng Lê Lợi nếm mật nằm gai đánh thắng giặc Minh xâm lược. Chất tiểu thuyết được bộc lộ phong phú qua nhiều đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật trung tâm, mà tiêu biểu là đoạn Nguyễn Trãi bị huyền chức đành phải lùi về nương náu đất Côn Sơn vào một chiều đông lạnh: “Sau 20 năm chiến đấu khắp đó đây, rồi thêm 10 năm nữa ở triều đình, có ai nghĩ được rằng cái thân già của mình lại là nạn nhân của danh lợi trước khi tâm hồn của mình vốn không màng tới nó?”(tr853) Đấy là nỗi niềm cay đắng vò xé tâm can nhân vật anh hùng biểu hiện sự thật đời sống, vừa là sự thật nghệ thuật.Tuy tiểu thuyết còn một số điểm hạn chế trong phần hư cấu về mối quan hệ nam nữ giữa nàng Thị Lộ với nhà vua trẻ Lê Thái Tông, nhưng theo tôi, cuốn Vạn xuân vẫn là tác phẩm xuất sắc về dung lượng lịch sử gắn với nhiều thủ pháp nghệ thuật dân gian qua tiếng cười sinh động, thú vị kết hợp với thủ pháp phóng đại trào phúng thông tục xoay quanh hai nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi và  Lê Lợi cùng hàng chục nhân vật phụ…tạo được sức cuốn hút lâu bền đối với người đọc trước độ dài dằng dặc của các trang sách.  
     Nhân đây, xin được trao đổi thêm với các tác gia tiểu thuyết lịch sử, mà qua
báo Văn nghệ, có nêu một vài ý kiến cho rằng, muốn viết tiểu thuyết lịch sử phải
là những người đã luống tuổi, nói cách khác có nghĩa là họ phải có nhiều trải nghiệm về lịch sử. Hãy khảo sát một số tiểu thuyết lịch sử tiếng tăm của nước ngoài từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, thì có thể nói nhận định ấy thiếu chính xác. Chẳng hạn, thi hào Puskin(1799-1836)sáng tác vở kịch lịch sử xuất sắc Bôrix Gođunov (1825) vào tuổi 26. Văn hào Nga Gôgôn (1801-1852) hoàn thành tiểu thuyết anh hùng ca Tarax Bunba(1835)ở tuổi 34.Nữ văn sĩ Mỹ Margaret Mitchell (1900-1949)viết xong cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng Cuốn theo chiều gió(1935) nói về cuộc nội chiến Bắc –Nam Mỹ (1861-1865) ở tuổi 35; và tác phẩm này được dựng thành bộ phim xếp vào mười bộ phim hay nhất của thế kỷ XX.Đại văn hào L.Tolstoi bắt đầu viết bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình (1864-1869) ở tuổi 36. Nhà văn Mikhain Solokhov (1905-1984) bắt đầu viết tiểu thuyết Sông Đông êm đềm(1825-1940) lúc mới 20 tuổi.
      Ở Việt Nam ta cũng vậy, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912- 1960) viết tiểu thuyết lịch sử để đời  Đêm hội Long Trì (1942) ở tuổi 30, rồi một năm sau đó hoàn thành vở kịch lịch sử Vũ Như Tô (1943) đầy hấp dẫn vào tuổi 31 v..v….
 Chẳng phải ở thếkỷ XVII,nhà thơ Pháp Pierre Corneille (1606-1684)qua vở bi kịch Le Cid nổi tiếng từng viết:“Tài năng …không cần hẹn tuổi”.     
    Nhìn một cách khái quát và biện chứng,có thể nói lịch sử cũng như tiểu thuyết lịch sử, tuy gắn bó keo sơn với sự thật, song chỉ có thể trở lại với vai trò dẫn đường giữa quá khứ với tiền đồ,song đó không phải hiển hiện một tương lai đã vạch sẵn từ trước, mà chỉ sẽ cho phép tìm lại những phương hướng cho một dự án mai sau chưa từng có, được khơi nguồn từ những ký ức được tái hiện lại.../
-       Hànội- mùa Đông - 2012      
 Chú thích:-1.V.Sklovxki-L.Tolstoi-Nxb.Vănhóa-Hànội-1978-bản dịch-
2-Yveline
Ferray-VạnXuân-1992-NguyễnKhắcDươngdịch-Nxb.Vănhọc&Sudestasie-