Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trường ca Chân đất (*) -một nỗi niềm mới với quê hương và thời cuộc.

Hà Quảng
Chủ nhật ngày 20 tháng 1 năm 2013 9:34 PM


                     Tác phẩm có lời đề từ“ Kính dâng quê hương,…Kính dâng thầy má ”, người đọc không thể qua nhanh! Một đời thơ những thi phẩm thế này không nhiều. Đó là“ máu con quốc đầm đìa trên mặt giấy” theo cách nói của Phan Bội Châu.
                1- Trong tên của trường ca, cụm từ Chân đất có hai trường nghĩa, “chân”: nói về con người, về nhân dân, “đất”: nói về tự nhiên, về đất nước quê kiểng. Trường ca là những suy cảm của tác giả về Quê hương, về Tổ quốc, về Nhân dân trong thời cuộc mới. Từ cái biểu tượng lớn Chân đất tác giả mở ra nhiều hướng để luồng tâm tư trải rộng những vấn đề nhân tình, thế sự. Biểu trưng cụ thể (chân đất) nhưng lồng vào là nội dung lớn khái quát đầy sắc thái trường ca- một thể tài không thể không mang hơi thở của thời đại, mang dấu hình và âm hưởng của quê hương đất nước! Tác phẩm “chín” trong một lối viết quen thuộc của tác giả- “trường ca trữ tình”, lấy cảm hứng chủ thể làm cái sườn chính để triển khai kết cấu- hình tượng.
Phải nói Thanh Thảo là một tác giả rất nhạy cảm cái mới, luôn tìm cách đổi mới  thi pháp, nhưng cái mới nghệ thuật  ở anh luôn song hành với tâm lý thời đại với truyền thống thẩm mỹ cộng đồng nên nguồn sáng tạo được nuôi dưỡng bởi một hơi ấm ít tạo nên sự xa cách kỳ khu hình thức chủ nghĩa. Trường ca Chân đất- một biên niên tâm trạng của tác giả trải dài từ quá khứ sang hiện tại đến tương lai, được khắc tạc cùng những nỗi niềm sâu lắng, nhiều cung bậc nhưng đều xoay quanh cái trục quê hương trong thời cuộc mới.
 Một đoạn trong trường ca lẫn vào những hình ảnh về quê hương, về lịch sử anh có những câu thơ đầy suy nghĩ trăn trở về con đường sáng tạo nghệ thuật khá gây ấn tượng:
…như ngừời xuyên rừng nhãng bước chân đi
 cứ chăm chăm phát cây mở lối
 gánh nặng là chữ
  mồ hôi là chữ
 đói bụng là chữ
 buồn vô ngôn
 giấc mơ chữ.
              Cả một đời gửi thân, gửi hồn cho Chữ, để rồi trên con đường tìm tòi gian khổ đó, có những lúc vướng nỗi băn khoăn về “ giấc mơ chữ ” - bây giờ đỉnh núi là chân núi và ngược lại - cái băn khoăn về những nghịch lý sáng tạo, nghịch lý mà nhiều thế hệ nghệ sĩ từng day dứt. Sự dao động trong tư tưởng thẩm mỹ, trong tư duy sáng tạo luôn hiện hữu trên con đường đi tìm cái mới của người nghệ sĩ, nhưng chân  lý tìm được là khi anh trở về nguồn cội về với mẹ - quê hương, lên đến đỉnh đừng quên chân núi… tôi biết sự an ủi dưới chân núi ngôi nhà bé nhỏ… mẹ tôi nằm. (Trường đoạn Chân núi).
Chính quan điểm sáng tạo đó làm sườn cho bản trường ca gan ruột này của anh!
    2-  Mở đầu trường ca, tác giả nhắc đến quá khứ, với một niềm tin yêu máu thịt qua biểu tượng Chân tre: 
       …hình như tổ tiên mình trồng một bụi tre
…trồng một lũy tre trồng một rừng tre
 bên dưới thành Châu sa
 bên dưới Trường Lũy;
 hồi ức xao động, day dứt khôn nguôi về những cây tre
… quê hương ơi làm sao tôi sống
  thiếu Người
…nếu trước nhà tôi, ngoài ngõ
 không rậm rịt một bóng tre?
     có nghĩa là tác giả không còn là mình nữa, nếu quên đi quá khứ, quên đi những bóng tre tổ tiên trồng và chăm giữ. Trong sự yêu mến về lịch sử về quá khứ qua hình tượng cây tre có lẫn sự băn khoăn : những giấc mơ quá lửa những rễ tre hóa thạch tự bao đời. Phải chăng có nơi nào đấy, có lúc nào đấy cây tre truyền thống đã trở thành di vật khảo cổ!
              Một hướng tiếp nhận khác về quá khứ: Với biểu tượng Chân tháp, tác giả nhắc lại lịch sử thời mở nước, sáu trăm năm trước, theo điệu “hành” phương Nam tổ tiên tìm gặp bãi sông Trà lều lợp lá cào don xúc tép vợ vợ chồng chồng bống bống bang bang cơm bạc cơm vàng  để hòa hợp. Cuộc hôn phối dân tộc , người con trai Việt tìm gặp  người con gái Chàm  tạo nên một xứ sở và cũng bắt đầu một hạnh phúc trong đau khổ, đấu tranh để sinh nở trường tồn. Như con dế thèm đám cỏ gặm hết thời gian bỗng tái tê, biết bao kỷ niệm lịch sử về vùng quê nhiều hạnh phúc nhưng cũng nhiều gian khổ- một chân lý của quá trình sinh thành. Mảnh đất từng ghi nhiều kỷ niệm của Cao Chu thần, ghi nhiều hành trình của Bùi Nhị Minh Trọng, Bùi Huệ, vang dội nhiều tên đất, tên làng: Cù Trâu, Trà Giang, Thạch Bích…Một quá trình phối sinh dân tộc trong lịch sử Xứ Quảng cũng là của Đất nước, gian khổ nhưng hào hùng: phương Nam phương Nam dòng chảy mấy trăm năm mặt căng bình thản...
             Hiện tại, quê hương chứa đầy tâm trạng: Ruộng đồng bao đời là lẽ sống của dân quê : khi bùn non nối đời anh với đất  và thuở mẹ cho con bú bầu vú thoảng mùi gốc rạ… bùn ruộng là anh, bùn ruộng là em; nhưng ruộng quê lại gắn với hình ảnh con đỉa hút máu- nỗi hoảng sợ dai dẳng ám ảnh tự ngàn xưa, bám vào cả giấc mơ; con đỉa, liên tưởng về những kẻ dị biệt( họ mua những thứ dân mình vứt bỏ và bán cho mình những thứ cả thế giới vứt bỏ). Những con đỉa ta cố vứt đi, xóa sạch, qua hình ảnh bác Năm Trì, người dân quê: bình thản xoa tí nước bọt vào chân và bứt ra con đỉa  thì đó cũng là lúc người già quê tôi mỗi khi họ làm thinh mây trên trời tụ về đen kịt (Trường đoạn Chân ruộng).  Chân cò, một ẩn dụ về nỗi đau dân tộc khi biên giới, bờ cõi bị lấn lướt. Thời buổi khó khăn nên thường thì cò đứng hai chân nhưng nay cò đứng một chân/ tiết kiệm năng lượng và gì nữa, gặp con cò bên thác Bản Giốc/ đứng một chân bán hàng Tàu/…đỉnh núi giờ đã mất/…chỉ còn một chân cò/ rũ riệt.  Một câu hỏi đau đáu lòng người bao giờ cò đứng hai chân/ bay thẳng lên đỉnh núi mình/ chớp trắng?...bao giờ cò tự do lả la khắp phần đất phần núi mình? ( Chân cò)
                Đoạn thơ Chân mưa – một sự đối lập hiện tại và quá khứ. Đã 60 năm vẫn nhớ:
               bức tường mưa/ dịu dàng/trong suốt/ thương yêu bao bọc
 còn bây giờ:
những bức tường bê tông lầm lì /những bức tường sắt thô bạo/những con sư tử đá/ những con đại bàng xi măng/ sẽ thay hoàng- hôn- người- gánh- rạ…
  Đó chính là tâm trạng của những con người đi trên con đường thị trường khô khan, khó nhọc, săn tìm lộc lợi, nhớ về một thuở dịu ngọt đầm ấm xa xưa… 
            Biển được nói nhiều trong đoạn thơ Chân sóng. Biển gợi những suy tưởng về quá khứ về hiện tại và cả tương lai. Biển thời ấy
 là tận cùng cuộc chiến
…mỗi làn sóng như một dãy khăn tang,
…là những mộ gió
 những hình nhân phơ phất
 những phận người bó chiếu giữa mông mênh.
  Biển bây giờ, gan dạ như Mai Phụng Lưu mỗi bận xuống thuyền lại trực chỉ Hoàng Sa…không thể sống thiếu Hoàng Sa vì đó là Máu, là Tổ Quốc. Biển bây giờ còn là Gạc Ma  nơi những chiến sĩ đã hy sinh  những người lính đảo  đã chết theo vòng tròn tay họ giăng ra và xiết chặt vào nhau như một tràng hoa biển. Họ hy sinh trong tư thế quyết chiến và bao vây kẻ thù.
             Cuối trường ca là biểu tượng Chân lũy. Quê hương đã chọn một cách tồn tại đá cõng đá mồ hôi cõng mồ hôi tháng năm cõng tháng năm ngừơi cõng người Trường Lũy. Con đường duy nhất để tồn tại cùng lịch sử: chiến đấu xây Trường Luỹ, Trường Lũy trên mặt đất và Trường Lũy trong lòng người. Phải vượt qua mọi hệ lụy, mọi ngáng trở:…dù chân lũy đến chân trời chúng tôi đi cứ còng lưng vác đừng than phận nghèo còn đá mọc lũy còn chồi nảy cây. Đừng than phận nghèo, câu thơ dân dã nhắc nhớ lại lời dặn của người xưa về niềm lạc quan và ý chí sống trong mọi hoàn cảnh! Sự suy nghĩ của nhà thơ về cuộc hành trình dựng chiến lũy của dân tộc. Cuộc hành trình của sự chia và hợp, phân hoá và thống nhất:
…đừng bắt tôi nói những điều tôi không nghĩ
 cái gì ra cái nấy
 cùng mọị người tôi vác đá xây lũy
 cùng mọi người tôi vác tự do vác tình anh em qua lũy
 cùng mọi người tôi ném những trái ngang qua lũy.
 Lũy là nơi đo lòng người, lộ rõ sự anh hùng và hèn nhát, sự tồn vong hay hủy diệt, cái chung và cái riêng!

        3-   Tập trường ca gồm chín đoạn, người đọc có cảm  giác như tác giả viết một hơi, liền một mạch, khi trái tim dâng đầy cảm xúc và dừng  bút vào cái thời gian 25/8/2011. Một ngôn ngữ căng đầy mà giản dị mạch lạc. Là một “thuật sĩ” về ngôn ngữ nhưng ở trường ca này tâm trạng thay lời, thay cho kỹ thuật. Vẫn là cáí giọng thơ Thanh Thảo giàu suy tư, giàu tưởng tượng, nhưng tiếp cái mạch hào hùng của Những người đi tới biển (1977), Những ngọn sóng mặt trời (1981), cái trăn trở Khối vuông ru-bích (1985), hay cái  đắn đo suy nghiệm cuả Từ một đến một trăm (1988)... ở trường ca này toát lên một nỗi niềm mới trước thời cuộc; vẫn lòng tin yêu ở cộng đồng  nhưng thời cuộc đổi thay nên có nhiều suy tư khác. Theo dòng suy cảm của tác giả ta thấy nổi bật những  suy tư về quá khứ  và tương lai, về nỗi đau thương và khó nhọc của nhân dân đã trải qua để tồn tại và xác quyết một lẽ sống cao thượng, một tình yêu giản dị tha thiết cùng một quyết tâm và hy vọng“ hóa trăm vị thuốc cứu người”, nhưng cũng đầy e ngại trước những vấn nạn mới! Trường ca vang vọng một tình yêu đầy thử thách. Đó là một tình yêu với quê nghèo rau cháo thủy chung:
…nghêu ngao bình cũ hũ sành/ thài lài rau mác nấu canh/  bát tép kho cà nuôi anh khôn lớn/ với một cộng đồng chưa bao giờ khuất phục quăng quật cả nghìn năm  không thể sống mà đau  không thể chết mất gốc. Đó là một lịch sử có bề dày, những phẩm chất luôn được thử thách: vàng nung qua lửa càng sáng chói.
   Trường ca có một kết cấu độc đáo hình nan quạt: Biểu tượng lớn về Đất nước, Nhân dân (Chân đất) là đỉnh , triển khai qua 9 đoạn thơ với các biểu tượng : 1- Chân tre, 2- Chân ruộng, 3- Chân mưa, 4- Chân núi, 5- Chân cò, 6- Chân tháp, 7- Chân mây, 8- Chân sóng, 9- Chân lũy, như chín cái nan xòe rộng. Mỗi phần đều chứa đựng những suy tưởng về quê hương, đều là những  khúc ca về đấu tranh và xây dựng dù là những hiện trạng  thiên tạo hay nhân tạo. 9 đoạn thơ như là sắp đặt, hơn 600 câu thơ tự do vắt dòng và ngắt dòng liền một mạch không chấm, phẩy, rất tân kỳ, nhưng lại tự nhiên như hơi thở. Thủ pháp đối sánh quá khứ và hiện tại, luôn hiển hiện qua các đoạn thơ. Ký ức trăn trở đi về như mơ, như tỉnh, hình tượng thơ đôi lúc đượm màu siêu thực, xao động nhiều tâm trạng gợi nhiều liên tưởng ý ngoài lời, có những câu thơ chỉ là gợi ý để người đọc nghĩ, cảm nhận tiếp.!  Nhiều đoạn nói về quê hương tưởng như trùng lặp nhưng đoạn nào cũng đầy ắp sự kiện, đầy ắp cảm xúc nên không đơn điệu mà luôn gợi cảm, đơm đầy ấn tượng mới mẻ.
          Trường ca triển khai hài hòa trên nền sự giao thoa hai mạch chính là cảm xúc trữ tình của chủ thể với những khúc tự sự về lịch sử, như là nan quat và giấy bồi, sự kết hợp làm nên cái quat. Những phần tác giả kể về những người con quê hương: bác Năm Trì, Mai Phụng Lưu, những ông già, những người con trai, con gái…với những hành trạng, hoạt động bộc lộ vẻ đẹp tính cách con người Xứ Quảng trong lịch sử cũng như sinh hoạt thường ngày; kết hợp những lời tâm sự baỳ tỏ tình yêu đất đai , ruộng đồng, niềm tự hào về lịch sử quê kiểng, sự đan xen sắc thaí trữ tình lẫn tự sự này trong trường ca làm giọng điệu luôn biến đổi, đa dạng hóa các sắc thái thẩm mỹ của hình tượng như trong vườn hoa có những bầy chim về bay lượn!
            Cho đến trường ca này, Thanh Thảo vẫn không lặp lại mình, sức tượng tượng vẫn phong phú. Tập thơ “mờ ảo” trộn lẫn nhiều suy tư và cảm giác, nhờ sự qua lại giữa các liên tưởng:  thực- siêu thực, hữu thức- vô thức, bác học- dân gian…rất tự nhiên. Các thủ pháp nghệ thuật biểu tượng, ẩn dụ, tác giả xử dụng khá điêu luyện.
      Nhờ những liên kết táo bạo: cụ thể- trừu tượng, trừu tượng- trừu tượng, những so sánh ngầm…tạo cả một trường biểu tượng buộc trí tưởng tượng người đọc làm việc không ngừng:
…những con đỉa bám vào ký ức
 hút thời gian nhớ nhớ quên quên
…những dòng sông mất tích
 những đám mây trượt ngã
 những hàng cây tắt nến trong đêm
 …tôi đi về nhà một mình
  thèm một ngọn lửa màu rơm
 một ổ chó ấm hơi chờ đợi
…Chân tre
buớc ngang dòng sông
la đà rủ chim làm tổ
viết lên cao xanh
ngọn bút trúc tâm ngơ ngác.
   Bằng thủ pháp ẩn dụ- tâm linh tác giả dựng một tượng đài:
                có những người lính đảo
 đã chết theo vòng tròn
 tay họ giăng ra và siết chặt tay nhau
 như một tràng hoa biển…
tư thế cái chết của những người lính biển dũng cảm và đẹp, nhưng hình ảnh cái chết còn gợi một ấn tượng bât tử , vì “tràng hoa biển”gợi nhớ vào những ngày rằm tháng bảy người sống  thả những vòng hoa cầu hồn  trên sông nhớ đến người đã khuất.
        Suy và cảm, tâm và cảnh, thực và mộng, quá khứ và hiện tại, trường liên tưởng rất xa rộng mà tự nhiên. Tác giả như một ca sĩ có âm vực rất rộng thuận lợi cho sự phối hợp những cao độ và trường độ tạo những trường âm thanh giàu hiệu ứng thẩm mỹ.

              Ấn tượng chung sau khi đọc trường ca là niềm vui cảm nhận được tiếng nói trung thực của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại, cũng như sự sung sức của một hồn thơ luôn đổi mới. ..
01-2013
H.Q


 * Giải thưởng Hội LHVHNT năm 2012