Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tam thập nhị chân ngôn

Tống Trung
Thứ năm ngày 17 tháng 1 năm 2013 5:35 AM


Hựu bào hựu tấu
Đề bạt trọng dụng
Chỉ bào bất tấu
Nguyên địa bất động
Chỉ tấu bất bào
Đề bạt bất liễu
Bất bào bất tấu
Giáng cách sử dụng

Nghĩa của ba mươi hai chữ này như sau:

Người nào đem theo quà đến nhà, có nhời thưa gửi nhờ vả cụ thể với sếp (Hựu bào = có bọc, có quà. Hựu tấu = có lời thưa gửi, nhờ vả) thì được đề bạt, cất nhắc, trọng dụng. Còn năng lực, hạnh kiểm kẻ đó thế nào mặc thiên hạ nắng mưa... 
Người nào chỉ gửi quà đến biếu sếp chứ chưa có lời thưa gửi, nhờ vả cụ thể (Chỉ bào = có bọc, có quà. Bất tấu = chưa thưa gửi, nhờ vả) thì sếp chưa rõ nguyện vọng nên để cho giữ nguyên cấp, chức vụ hiện tại (nguyên địa bất động), bao giờ đem quà và đến trình bày cụ thể ta sẽ nâng đỡ, cất nhắc sau.
Thấy đến nhà nhờ vả, thưa gửi, cạy cục xin xỏ... nhưng lại chưa đem theo quà cáp gì (chỉ tấu bất bào); sếp cũng "thương". Bụng sếp nghĩ: thằng này ăn nói được, năng động, có khả năng kiếm tiền tốt, ta sẽ cho nó "tạm quyền", tức là "đề bạt bất liễu", "Quyền Giám đốc, Quyền Chủ tịch... ". Nếu nó làm ăn được, đem quà đến, mình sẽ "cắt cu", bổ nhiệm luôn Giám đốc, hoặc Chủ tịch...
Thấy cấp dưới, nhân viên tư Tết không biếu quà, không đến "tấu trình" (Bất bào bất tấu) - Loại người gì đây ta. Loại này, dù giỏi giang, sếp đã có phương án cụ thể: Giáng cách sử dụng. Giáo viên thì cho lên vùng sâu vùng xa, cán bộ ngân hàng thì điều chuyển sang bộ phận đi đòi nợ....

Vậy có thơ rằng:
Biếu quà và có lời thưa
Đề bạt trọng dụng nắng mưa mặc giời
Gửi quà biếu, chửa có nhời
Đâu ngồi yên đó, được "vời" cũng lâu
Nói suông, chửa thấy "quà" đâu
Thì cho "quyền" tạm để sau. Nếu mà...
Không thưa gửi, không có quà
Thì ông đuổi cổ mặc là giỏi giang...

Ba mươi hai chữ rõ ràng
Hiểu sao thì hiểu đừng mang dạy đời.


       TỐNG TRUNG