Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thi pháp: Thơ Đường luật Việt Nam

Hoàng Hữu Đản
Thứ tư ngày 16 tháng 1 năm 2013 8:43 PM


Nhiều người làm được nhà văn giỏi nhưng không làm được nhà thơ; ngược lại, một nhà thơ giỏi, chân chính, bao giờ cũng đồng thời là một nhà văn. Cho nên, đây là suy nghĩ của riêng tôi, có thể đúng hoặc không đúng, những dòng tóm tắt sau đây về Thi pháp thơ Đường luật Việt Nam, một nhà văn thường có thể khó hiểu vì không phải là mối quan tâm thường xuyên của họ, nhưng một nhà thơ chân chính, đích thực - nghĩa là một nhà thơ có năng khiếu, có tâm hồn, có kiến thức và kinh nghiệm thành thạo về kỹ thuật làm thơ- thì sẽ hiểu ngay, chẳng khó khăn gì.
Một bài thơ Đường luật Thất ngôn bát cú hay là kết tinh sự thống nhất diệu kỳ giữa ngôn ngữ và âm nhạc, tình cảm và lý trí, nghệ thuật và khoa học, thể hiện đồng thời trong năm yếu tố của nó: niêm, luật, vần, đối, và kết cấu.
 
A - NIÊM là quan hệ âm thanh giữa tám câu của bài thơ, lấy chữ thứ hai mỗi câu làm chuẩn, theo sơ đồ:

Thể Trắc                                                                           Thể Bằng
 Câu 1-          T                                                             B
Câu  2-          B                                                             T
Câu  3-          B                                                             T
Câu  4-          T                                                              B

Câu  5-          T                                                             B
Câu  6-          B                                                             T
Câu  7-          B                                                             T
Câu  8-          T                                                             B

B – LUẬT là quan hệ âm thanh giữa 7 chữ của một câu
 Một câu thất ngôn gồm 2 vế, vế 1 gồm 4 chữ đầu sắp thành 2 cặp âm thanh ngược nhau TT BB hoặc BB TT, cố định, nhấn mạnh chữ thứ 2; vế 2 gồm 3 chữ thứ 5, 6, 7, nhấn mạnh chữ thứ 5, và sắp xếp theo thứ tự:
- TT B hay BB T hoặc T BB hay B TT
Với điều kiện là:
- Không có 4 chữ cùng thanh liền nhau,
- Không được có một T giữa hai B hoặc một B giữa hai T
- Chữ thứ 5 và chữ thứ 6 phải cùng thanh
Sau chữ thứ 4, là một cái ngắt hơi(soupir) đánh dấu hết vế một để chuyển sang vế hai của câu, diễn đạt theo phương pháp ký âm là:

Chữ :


 Như vậy, trong câu thơ thất ngôn Đường luật Việt Nam, chỉ có hai chữ thứ 1 và thứ 3 là bất luận, trắc hay bằng đều được; còn chữ thứ 5 là chữ bản lề giữa hai vế không thể tuỳ ý được. ( Câu “ nhất, tam, ngũ bất luận lâu nay vẫn được truyền lại chỉ đúng với thơ Đường Trung Quốc, vì tiếng Hán cổ điển chỉ có 4 thanh, trong lúc đó tiếng Việt lại có 6 thanh; thơ Đường luật Việt Nam đọc lên hoặc ngâm lên nghe uyển chuyển hơn thơ chữ Hán”).

 Xét cả 32 câu thơ của bốn thể, ta thấy:
- Câu 1, 4 và 8 giống nhau
- Câu 2 và 6  giống nhau
-   Câu 3 và 7 giống nhau;
-  Riêng câu 5 không giống câu nào;
Rốt cuộc chỉ còn có hai cấu trúc cơ bản và đối lập của nó là:
- Cấu trúc A :          TT BB    TT   B( 3 cặp + 1 lẻ)
Và đối lập là A’:     BB TT     BB  T( như trên)
- Cấu trúc B:              TT BB     B TT(hai cặp T- <1,2>…<6,7> ôm lấy 3 bằng <3,4,5>)
Và đối lập là B’       BB TT     T BB( hai cặp bằng ôm 3 trắc)

C – VẦN, là những chữ gồm một phụ âm bất kỳ kết hợp với một dãy nguyên âm giống nhau hoàn toàn và cùng thanh B (dấu huyền hay không dấu) hay cùng thanh T   
( sắc, nặng, hỏi, ngã): Vần chỉnh, ví dụ an, bàn, hoan, quan; Vần ép: khi trong dãy nguyên âm có một nguyên âm giữa hay nguyên âm và phụ âm cuối giống nhau, đọc xuôi tai và cùng trong một hướng đi của âm thanh, đừng xa nhau quá, ví dụ: an, trần, nhằn, hoang, nguồn là vần ép, chấp nhận được; nhưng an với khương thì quá ép, không hay.

Ba yếu tố trên, Niêm - Luật - Vần là những yếu tố căn bản thuộc về nghệ thuật- tôi nói căn bản bởi người đọc phải vừa có khả năng âm nhạc, vừa biết suy tư mới có thể từ thực tế các bài thơ Đường luật cô đọng lại thành phép tắc làm thơ. Hai yếu tố sau, đối và kết cấu bài thơ là những yếu tố nặng về trí tuệ, đòi hỏi nhiều kiến thức để cho nghệ thuật thăng hoa.

D- ĐỐI : Là sự kết hợp hài hoà giữa quan hệ âm thanh với quan hệ chữ nghĩa của hai vế của một câu thơ( tiểu đối, đối vế, hay là giữa hai câu, hai đoạn với nhau, sao cho hai vế, hai câu hoặc hai đoạn ấy đối lập nhau về chữ, về nghĩa, về ý, về thanh, rất cân đối, nhịp nhàng, làm cho ý thơ nhờ đó mà phát triển cao hơn, rộng hơn, đẹp hơn, hoàn chỉnh hơn)
 Ví dụ, đối vế:
 Mai cốt cách  -  tuyết tinh thần
 Mỗi người mỗi vẻ  - mười phân vẹn mười ( Truyện Kiều)
 Câu trên, chữ mai, bằng - đối với chữ tuyết- trắc
 Hai chữ cốt cách, trắc - đối với 2 chữ tinh thần - bằng.
 Cả bốn yêu cầu của phép đối ( đối thanh, chữ, nghĩa, ý) đều đạt một cách hoàn chỉnh.
 
Đối câu:
           Lối xưa/ xe ngựa – hồn thu/ thảo
          Nền cũ/ lâu đài   - bóng tịch/ dương
 (“Thăng Long thành hoài cổ”, Bà Huyện Thanh Quan)

Hai câu thơ  đối nhau một cách tuyệt vời:
Đối chữ, nghĩa, ý: Lối xưa - nền cũ, xe ngựa - lâu đài,
                                  Hồn thu thảo - bóng tịch dương
Đối thanh:                BB   TT   BB  T
        TT  BB    TT  B.
Trong bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, hai câu 3 và 4 ( câu thực, miêu tả sự vật bên ngoài, khách quan và cụ thể) phải đối nhau, câu 5 và 6( câu luận, biểu hiện tình cảm, ý nghĩ và thái độ của tác giả, bình luận yêu, ghét, khen, chê… đối với sự vật hay vấn đề vừa miêu tả trong hai câu thực) phải đối nhau.

Đá vẫn/ bền gan- cùng/ tuế nguyệt
Nước còn/ cau mặt – với/ tang thương.
Hai câu luận đối nhau rất sát về chữ, nghĩa, ý và thanh

Nghệ thuật đối là một phương tiện đặc thù của văn học phương đông. Với một câu đối ngắn năm chữ mà một cậu bé con đã vô tình hạ uy tín một ông đồ già bằng cái hài hước nhạy cảm, ngây thơ, tự nhiên và cực kỳ thông minh của cậu:
Ông Đồ :  Trời sinh ông Tú Cát (Cát = tốt lành)
Cậu bé :  Đất nứt con bọ hung (Hung = hung dữ)
Câu đối toàn diện: Đối thanh, đối chữ, đối nghĩa và đối ý.

Trong bài thơ Vịnh cái quạt ( thơ Hồ Xuân Hương), Hồ Xuân Hương đã “ Lấy quạt của mình” đặt vào hai câu đối để tạt vào mặt, đội lên đầu bọn anh hùng, quân tử rởm:
  Mát mặt anh hùng    khi tắt gió
  Che đầu quân tử       lúc sa mưa.
Rồi những câu đối bảo vệ quốc thể, đầy khí thế tự hào dân tộc của các sứ giả Việt Nam ngày xưa. Giang Văn Minh đi sứ sang triều Minh, vua Minh đọc một câu thơ có ý ngạo mạn, Việt Nam từng bị Mã Viện đánh bại năm 43, bắt đối. Vua Minh ra câu đối:
  Đồng trụ chí kim đài dĩ lục
  ( Cột đồng đến nay rêu vẫn xanh)
Giang Văn Minh đọc ngay câu đối của mình:
  Đằng giang tự cổ huyết do hồng
  (Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ)
nhắc lại hai trận đại bại của quân Tàu trên sông Bạch Đằng ( năm 938, Ngô Quyền thắng quân Nam Hán, năm 1288 Trần Hưng Đạo đại thắng quân Nguyên).

E – KẾT CẤU
 Chỉ với tám câu, bảy chữ, bài thơ Đường luật vừa phải là một bài thơ hay và súc tích, vừa là một bài chính luận sâu sắc và hoàn chỉnh, mà không có một trình độ học vấn cao, không có một tâm hồn và một năng khiếu thơ trời phú thì khó lòng sáng tác những bài thơ Đường hay và đẹp cả về nội dung lẫn hình thức.

 Kết cấu một bài thơ Đường luật là kết cấu hoàn chỉnh của một bài văn nghị luận. Tám câu bố trí thành bốn cặp, mỗi cặp là một phần của bài văn:
 ĐỀ: hai câu đầu, 1 và 2 – câu 1 gọi là phá, câu 2 gọi là thừa.
 THỰC ( hay trạng): câu 3 và 4, miêu tả sự vật hay sự việc cụ thể khách quan, bên ngoài - tương đương với phần thứ 2 của bài nghị luận văn học hay nghị luận xã hội, phần phân tích vấn đề;
 LUẬN: câu thứ 5 và 6, nói lên ý nghĩ, tình cảm, thái độ chủ quan của mình đối với vấn đề, tương đương phần thứ ba của một bài nghị luận, phần bình luận vấn đề;
 KẾT: câu 7 và câu 8, kết thúc, khẳng định ý kiến của mình. Bốn phần phải theo một dòng suy nghĩ súc tích và nhất quán.

 Thơ Đường luật, cũng như các thể thơ khác, hình thành trên hai nền tảng vững chắc, ngôn ngữ nhịp đôi và tâm hồn nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam, là kết tinh ở trình độ rất cao của kiến thức, tư tưởng, tình cảm và nghệ thuật, thống nhất làm một mà thành. Cũng như Bi kịch cổ điển Pháp, thơ đường luật Trung Quốc hay Việt Nam đã chọn ngày lành tháng tốt, thiên thời, địa lợi, nhân hòa theo một hướng nào đó, để mà chào đời; và khi những điều kiện về trời, đất và người đổi thay thì những hình thức thơ khác thay thế nó. Nhưng nó mất đi là để trở thành bất tử. Ngày nay người ta không sáng tác và không thích đọc thơ Đường luật nhiều nữa, vì: - một là không phải ai cũng có đủ trình độ kiến thức và nghệ thuật, có đủ tính kiên trì để sáng tác những bài thơ Đường mà biết chắc ít người xem;
       - Hai là, đi du lịch đó đây để tiếp xúc với cái đẹp của nền văn minh hiện đại thì thú vị, thoải mái hơn là thắp một nén hương, đốt một ngọn đèn dầu, ngồi bên án thư, xem một tập thơ Đường, tuy sáng đẹp lung linh, quí hơn muôn vàn hạt ngọc, tuy nó cũng gợi lại muôn vàn hình ảnh cuộc sống xa xưa với hàng vạn nhân cách và tài hoa lỗi lạc, tuy có làm cho ta tự hào và kinh ngạc vì cái nhịp đôi đơn giản của ngôn ngữ Việt Nam ta, là hòn đá gốc, trên đó đã được  xây dựng lên bao nhiêu lâu đài văn học bất hủ…Nhưng đọng lại trong tâm hồn ta có mang dáng dấp buồn của những kỷ niệm, của những kiếp người tài hoa bạc mệnh đã qua.

Làm thế nào để khi đọc lại những bài thơ Đường luật mà không lây nhiễm cái   buồn mênh mang hầu như hòa quyện trong mỗi câu, mỗi chữ của bài thơ ?...
Đọc thơ Đường luật để suy ngẫm sự đời, để cái hay của thơ xưa thấm đẫm vào trái tim của người thời nay thì người đọc phải hiểu và yêu nó./.