Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bình thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy

Đặng Văn Toàn
Thứ sáu ngày 11 tháng 1 năm 2013 6:50 PM
ĐÒ LÈN
     Nguyễn Duy
                      
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

     Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
     chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
     mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
     điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

     Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực
     giữa bà tôi và Tiên Phật, thánh thần
     cái năm đói củ dong riềng luộc sượng
     cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm

Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

     Tôi đi lính lâu không về quê ngoại
     dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
     khi tôi biết thương bà thì đã muộn
     bà chỉ còn là một nắm cỏ thôi  
………………………………………………………….
Lời bình:
     Đò Lèn nằm trong số những bài thơ hay nhất của nhà thơ Nguyễn Duy. Nó khá phức tạp với những lớp lang ký ức tuổi thơ và thực tại, hư và thực, cuộc sống và tâm trạng…
     Nó được cấu tứ trên hai hệ thống hình ảnh tương phản.
     Hệ thống thứ nhất hư ảo, huyền hoặc, chập chờn trong không gian nghi ngút khói hương. Trọn hai khổ đầu là tuổi thơ hồn nhiên, đẹp nhẹ nhàng của nhân vật xưng tôi, tức tác giả. Cả tuổi thơ ngụp lặn trong miên man những tượng Phật, chùa Trần, đền Cây Thị hay lễ đền Sòng.
     Không phải chỉ đến chơi bày những trò tinh nghịch như bao đứa trẻ khác, nhà thơ tương lai của chúng ta còn bị cái chất hư ảo, huyền hoặc nó ngấm sâu vào tiềm thức:
                  mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng
     Hệ thống thứ hai là thực tại lam lũ, cơ cực của bà ngoại mình:                                         bà mò cua xúc tép ở đồng Quan 
     bà đi gánh chè xanh Ba Trại
     quán Cháo, Đồng Giao thập thữn gnhững đêm hàn       Đọc lên, thấy dáng dấp, thân phận sao cứ hao hao giông giống như thập loại chúng sinh thuở nào?
     Vậy là trong ký ức tác giả có hai thế giới khác nhau: một thế giới huyền hoặc, hư ảo của Tiên Phật, thánh thần và một thế giới trần tục gần gũi của bà ngoại tháng ngày lặn lội mồ hôi cơm áo. Nó đan xen lẫn nhau trong không gian tuổi thơ nơi làng quê hiền lành, hẻo lánh, vừa cụ thể, sinh động vừa thánh thiện vô tư:
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư thực
giữa bà tôi và Tiên Phật, thánh thần
cái năm đói củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm.
     Nó dẫn đến một nghịch lý: Trong khi bụng đói đấy, lép ruột lép gan đấy, phải nuốt cả miếng dong riềng luộc chưa chín, hãy còn sượng, để khỏi cồn cào, khỏi hoa mắt… vậy mà đầu óc vẫn lảng vảng đâu đó mùi huệ trắng, hương trầm… Nghĩ thấy tồi tội, thương thương.
      Thêm một thực tế nữa, cuộc chiến tranh tàn khốc ập đến, nó bất chấp tất cả, làm cho:
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
     Thực tế lớn quá. Cái màn sương khói thánh thần huyền hoặc bao bọc bấy lâu nay bỗng tan biến. Con người phải đối diện với thực tế trần trụi phũ phàng tức cuộc mưu sinh nhọc nhằn, vất vưởng bấp bênh đầy đe dọa.
     Rồi thời gian và sự trưởng thành đã làm cho anh lính – nhà thơ dần dần nhận ra:
Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi
     Nhưng thơ cần đi xa hơn chút nữa.
     Câu chuyện tuổi thơ lấp lánh những ký ức hồn nhiên, đẹp nhẹ nhàng mà ẩn giấu bên trong nó bài học thiết thực, thấm thía và sâu sắc. Cuộc sống luôn phức tạp. Người ta có khi chưa thật sống với thực tế, chưa thật sống bằng thực tại của mình, xung quanh mình. Có khi quá ngây thơ, dễ dãi để bị chìm đắm, mê hoặc, bị cuốn theo những ảo tưởng ngọt ngào, viển vông mãi tận đẩu tận đâu. Để đến khi kịp tỉnh ra, biết ra thì mọi sự đã rồi! Đến nỗi phải tiếc nuối xót xa, phải ân hận muộn màng…
     Cho nên, Đò Lèn là thơ cảnh tỉnh. Vô cùng tinh tế. Vô cùng thiết thân.
     Rất cảm động về tình bà cháu, viết cho một người nhưng lại có thể đánh động nhiều người. Viết về quá khứ nhưng lại hoàn toàn thuộc về hiện tại và tương lai./.
      
  Đặng Văn Toàn
       Kỳ Trọng, Đông Hà, Đông Hưng, Thái Bình