Trang chủ » Tin văn và...

MỘT CUỐN SÁCH LỌT VÀO VÒNG XÉT GIẢI VĂN HỌC “PHECMINA”

Vũ Công Hoan
Thứ năm ngày 29 tháng 11 năm 2012 8:49 PM


 
Tháng 10 năm 2012, nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa đã được mời sang nước Pháp tham dự xét giải thưởng văn học “Phécmina” cho tiểu thuyết “Tứ Thư” xuất bản ở Pháp.
 
 “Tứ Thư” là cuốn tiểu thuyết mới nhất và quan trọng của nhà văn Diêm Liên Khoa.Sở dĩ mới nhất, vì ông viết từ năm 2009, đến năm 2010.Sở dĩ quan trọng, vì với lương tri của một trí thức nhà văn Trung Quốc, ông viết tác phẩm này bằng lối viết hoàn toàn mới, mang đậm tư tưởng Thần học có tính chất thử nghịêm.
 
 Toàn bộ câu truyện được hình thành bởi sự trích dẫn lồng ghép từng phần từng trang của bốn cuốn sách để làm nên một tác phẩm hoàn chỉnh. 
 Bốn cuốn sách đó là:
 1. “Con Trời”, một quyển sách khuyết danh, tác giả mua ở một cửa hiệu sách báo cũ. 
 2. “Tội nhân lục”, cuốn sách tư liệu lịch sử của tác giả xuất bản thập kỉ tám mươi thế kỷ trước.
 3. “Lối cũ”, cuốn truyện ký gần năm trăm trang của tác giả, xuất bản năm 2002.
 4. “Thần thoại mới Si- sy- phe” bản thảo tuỳ bút triết học viết dở dang của học giả nhân vật trong truyện Tứ thư gồm ba chương mười một tiết, cho đến nay vẫn chưa xuất bản, tác giả chỉ mới được đọc nửa bản thảo viết tay ở Sở nghiên cứu văn hiến nhà nước.
 
 “Tứ Thư” có mười sáu chương, từng chương nói rõ nội dung trích từ trang nào sách nào của bốn cuốn sách nói trên.
 
 Theo tác giả Diêm Liên Khoa, “Tứ thư”của ông không phải bốn cuốn sách cổ “Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử” ngày xửa ngày xưa. Ông viết “Tứ thư” mới không hề có ý so sánh với “Tứ thư” cũ, mà chỉ muốn nói lên mối liên hệ vế số phận của Trí thức Trung Quốc hiện nay với văn hoá truyền thống Trung Quốc.Ông đề tặng cuốn sách này cho hàng vạn hàng triệu trí thức đã sống, đã chết đang bị lịch sử lãng quên. 
  
 Xin giới thiệu tóm tắt nội dung của Tứ Thư.
 
 Truyện xảy ra tại khu Dục Tân thuộc vùng trung nguyên bên bờ sông Hoàng Hà vào thời kỳ toàn dânTrung Quốc trồng lúa sản lượng cao và toàn dân luyện gang thép để mau chóng đuổi kịp Anh, vượt Mỹ. Vùng này xa xưa vốn là nhà tù và bãi hành hình phạm nhân của thời vua chúa Minh, Thanh để lại. Sang thời Cộng hoà nơi đây thực chất vẫn là nhà tù, nhưng được mang những cái tên nghe dịu đẹp hơn như Trại cải tạo lao động, Nông trường lao động cải tạo và Khu Dục Tân đào tạo bồi dưỡng con người mới. 
 
 Khu Dục tân chín trăm mười chín là một trong gần một nghìn khu như vậy. Mỗi khu có khoảng hai trăm phạm nhân biên chế và sinh hoạt theo kiểu trại lính. Trên là Tổng Bộ, dưới là các khu Dục Tân và trung đội, tiểu đội. Đứng đầu khu Dục tân là một quân nhân phục viên chuyển ngành, có quyền sinh quyền sát, được mệnh danh là “Con Trời”.
 
 “Con Trời” của khu chín trăm mười chín là một chàng lính trẻ, ngây thơ,ham hiểu biết, muốn nổi tiếng, trở thành anh hùng chiến sĩ thi đua, bản tính hiền lành, lương thiện.Dưới quyền cai quản của cậu, toàn là những người có học thức vốn bị xếp vào loại người thứ chín của xã hội lúc bấy giờ, quen  gọi là “Lão chín thối”(thối như cục cứt). Trong số này có học giả, nhà văn, giáo sư tiến sĩ, nghệ sĩ, bác sĩ, nhà ngôn ngữ, nhà pháp luật, nhà họat động tôn giáo, nhà giáo dục, nhà nông học, nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật… chiếm tới trên chín mươi phần trăm quân số toàn khu, chỉ có khoảng dưới mười phần trăm là quan chức và thường dân phạm tội. Những “lão chín thối” đến  đây cải tạo  theo chỉ tiêu phân bổ cho các đơn vị với nhiều lý do, có những lý do hết sức lạ lùng kỳ quặc, như sinh viên tự nguyện đi thay tội cho thầy giáo già, như chủ tịch hội nhà văn tỉnh không muốn chỉ định  người theo chỉ tiêu phân bổ, cuối cùng tổ chức bầu cử dân chủ, chính ông lại có số phiếu bầu cao nhất, phải bàn giao ra đi, hay như nữ nghệ sĩ đàn pianô, giáo sư dạy nhạc xinh trẻ tài hoa, bởi ngẫu hứng, trong đêm biểu diễn chúc mừng sinh nhật Tỉnh trưởng, đã tự ý thay một trong ba bản nhạc quy định bằng bản nhạc nổi tiếng của nước ngoài mình thích, hôm sau liền bị đưa đến trại, cũng có kiến trúc sư vì đã từng nhận giải thưởng của nước ngoài trao cho phải đi tù, lại có nhà ngôn ngữ học vì tuổi cao, xỏ lộn giầy chân nọ sang chân kia, bị đau sái chân đến muộn giờ trong một cuộc hội thảo quan trọng, nên mắc tội phải đi tù… Tóm lại, hễ “lão chín thối” nào trái mắt, trái tai, trái ý cấp trên liền bị liệt vào danh sách đến khu dục tân để đào tạo lại thành con người mới vô thời hạn.
 
 Tại khu Dục tân họ không những nai lưng làm vịêc nặng nhọc như trâu bò cuốc đất trồng lúa, hút cát, chặt cây, xây lò luyện gang thép theo chỉ tiêu bắt buộc, mà chế độ quản lý “mười điều răn” , trong đó có chế độ, thu nộp, đốt sách cấm, cấm đọc sách phản động, cấm viết gửi lung tung, thưởng hoa hồng, thưởng ngôi sao, thưởng nghỉ phép, thưởng bắt người bỏ trốn, tóm cổ kẻ thông dâm vv… đã tha hoá con người, gây thù hằn chia rẽ nội bộ, theo dõi, rình mò tố giác bắt bớ nhau để lập công, được giảm tội giữa anh chị em phạm nhân. Đặc biệt là những việc làm phản qui luật tự nhiên, phản khoa học, tàn phá môi sinh, chặt hết cây cối, ngông nghênh, náo thiên náo địa, hạ mặt trăng, bắn mặt trời, trồng lúa trồng ngô bằng máu, lấy bông mạch to hơn bông thóc, hạt mạch to bằng hạt đậu, lấy bắp ngô to bằng cái vồ có hạt to bằng hạt lạc nộp lên trên kiếm tấm bằng khen thưởng và đua nhau hoang báo sản lượng lấy thành tích chính trị, đã khiến Trời không tha, Đất không dung, Đức Chúa Trời đã nổi giận, gây hạn hán, lũ lụt, baõ cát, làm cho cả nước lâm vào nạn chết đói, chết rét trên qui mô lớn. Họ đã ăn hết vỏ cây, rễ cỏ, hạt cỏ, liền quay sang ăn thịt đồng đội, xẻo thịt xác người xếp chồng đống lên nhau trong nhà xác để luộc ăn. Những trang, những trường đoạn miêu tả cảnh tượng khủng khiếp này đúng là chỉ xảy ra trong trong một chế độ độc tài, phát xít thời trung cổ.Có những cái chết vô cùng thương tâm như nữ nghệ sĩ đàn dương cầm, buộc phải dùng tuổi trẻ và tấm thân xinh đẹp của mình đánh đổi cho một tên “cấp trên” của khu dục tân khác để lấy chút bánh bao, đậu rang, nuôi sống mình, cứu người yêu và bị chết sặc trong tư thế thảm thương, cứ chổng mông cho hắn thoả cơn điên tình giữa lúc đang có kinh nguyệt, mà trong tay đang giữ chặt mẩu bánh bao và mồm thì còn ngậm đầy đậu nành rang đã nhai vụn và còn nguyên cả hạt, ứ tắc trong cổ họng không nuốt nổi. Song trong đấu tố dã man tàn bạo, nhiều trí thức cơ hội khiếp đảm trước quyền lực như nhà văn cam tâm làm nội gián, làm bồi bút bị đồng đội trừng phạt, hay như cậu nhân viên thực nghiệm cơ hội, chuyên rình mò dò la bắt kẻ dâm gian để lĩnh thưởng, vẫn có những trí thức bất khuất, hiên ngang, cao ngạo, giữ vững vai trò tri thức chân chính, làm việc nhân nghĩa như nhân vật học giả trong tuỵên, có trí thức về sau này nhận ra tội lỗi tự xẻo thịt mình luộc cho người mình đã từng tố giác vu vạ ăn và cúng linh hồn người bị chết oan để chuộc tội mình đã làm nội gián hại bạn tù, để tâm linh được thanh thản.Trong khi có nhiểu kẻ độc ác ngực đeo đầy huân chương chiến công vì giết quá ư nhiều người như tên“cấp trên”của khu chín trăm mười tám, thì vị “Con Trời” của khu chín trăm mười chín vốn lương thiện,thương người không ra đòn ai, về sau chỉ say mê đọc sách, xem truyện tranh Kinh Thánh và noi gương Chúa Giê su làm Đấng Cứu Thế.Có lẽ còn vì được học giả gợi mở, có lẽ được thực tế cuộc sống mắt thấy tai nghe cảm hoá thuyết phục, sau khi lên Kinh Thành nói là để “gặp lãnh tụ tối cao, hiến dâng lúa mạch trồng bằng máu của nhà văn và kiến nghị cứu dân cứu nước cuả học giả”, Ngài  trở về, không kể đã làm gì, gặp ai, đi những đâu, chỉ xác nhận ở Kinh thành đúng là có xây lò luyện thép, có cấy ruộng thí nghịêm sản lượng cao tại quảng trường Thiên An Môn. Có lẽ không tìm ra con đường và chân lý cứu rỗi, sau hai mươi tám ngày ở Kinh Thành trở về, có lẽ được Đức Chúa Cha cảm hoá và sai khiến, vị “Con Trời” này quyết định noi gương Chúa Giê su, làm đấng Cứu thế giải thoát cho anh chị em dưới quyền trong khu đang nóng lòng chờ Ngài về . Trong gần một tháng “Con Trời” lên Kinh Thành, anh chị em tù đã từng bỏ trốn tập thể, song bị lạc vào trận địa mộ mê hồn trận không đi thoát, buộc tất cả phải quay lại chờ cấp trên lên Kinh trở về.Họ buộc phải quay lai, chủ yếu vì không ai có chứng chỉ, có ngôi sao sắt màu đỏ và con dấu của cấp tối cao phát cho các bậc “Con Trời” quản lý, để đi qua các Trạm kiểm soát yêu nước nhan nhản dọc đường. Bằng tự đóng đinh lên giá chữ thập và trả lại toàn bộ sách đã tịch thu của họ trước kia, vị “Con Trời” này lấy cái chết của mình, chuộc tội cho phạm nhân, giải cứu họ, để họ tự do ai về nhà nấy với đời thường.Vị “Con Trời” đã hoàn toàn vui vẻ làm việc nghĩa cao cả trong một buổi sáng nắng vàng rực rỡ, dưới đất trải kín hoa hồng, trên không mây tím Thiên sứ và chim khách báo tin lành bay ngợp trời. Dưới chân Ngài, dưới giá chữ thập, mọi phạm nhân xếp hàng một, lặng lẽ lần lượt đi qua ra về. Chỉ có một người thiếu chứng chỉ phaỉ ở lại với Con Trời. Đó là nhân vật học giả, có lẽ vì ông đã từng hứa lấy nữ nghệ sĩ, nên vui vẻ ở lại đây với chị? Có lẽ ông chưa tin sẽ có thay đổi hẳn, có lẽ khi đất nước còn đang khổ đau hoạn nạn, thì theo ông dù ở đâu cũng thế chăng?
 “Tứ Thư đã được xuất bản ở Đài Loan, Hồng Công, Hàn quốc và nước Pháp đồng thời đang dịch ra tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật Bản.“Xem xong quyển sách này có người Trung Quốc nói: “Diêm Liên Khoa đã dùng vai của một người đỡ dậy ký ức của cả một dân tộc”.
 
 Theo Email tác giả gửi cho người dịch ngày1tháng11năm 2012 sau khi về nước, “Tiểu thuyết“Tứ thư”có một tin không biết nên vui hay nên buồn. Cuốn sách đã gây xôn xao, ầm ĩ cả nước Pháp. Các cơ quan môi giới truyền thông đều đưa tin, đồng thời đã lọt vào vòng xét thưởng văn học “Phécmina” nước Pháp. Tuy cuối cùng không trúng giải bởi nhiều nguyên nhân, song được lọt vào vòng xét thưởng cũng coi là một sự động viên khích lệ”đối với tác giả. Hi vọng cuốn tiểu thuyết này sẽ sớm được ra mắt người đọc Việt Nam trong thơì gian không xa.
                                                                                              
                                                                                                  VCH