Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG TRƯỜNG SƠN DÀI RỘNG ĐẾN MAI SAU

Phong Điệp
Thứ tư ngày 20 tháng 5 năm 2009 7:43 AM
 
Phong Điệp trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Anh NôngMy
 
Ðời sống văn học nghệ thuật của nước nhà không thể thiếu mảng đề tài về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để nuôi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí vươn lên sánh vai các cường quốc năm châu của con người Việt Nam. Ðường Trường Sơn phải trở thành đề tài thiêng liêng và bất tận đối với văn học nghệ thuật. Từ những ngày máu lửa trong chiến tranh với bao tấm gương hy sinh anh dũng, bao nhiêu chiến công thần kỳ, bao nhiêu anh hùng dũng sĩ với bao nhiêu câu chuyện kể mãi không bao giờ hết, cho đến hôm nay con đường Hồ Chí Minh được xây dựng rộng lớn, thênh thang thảm nhựa phẳng phiu vắt qua đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, tất cả lẽ nào không thể tạo ra  cảm hứng sáng tạo của văn nghệ sĩ? Sáng tác về đường Trường Sơn chính là thể hiện sự tri ân và tinh thần trách nhiệm với những người đã khuất. (Đỗ Hoài)
 
Đúng trong dịp cả nước kỉ niệm 50 năm ngày mở  đường Hồ Chí Minh -  Trường Sơn, con đường biểu trưng cho khát vọng độc lập tư do và thống nhất Tổ Quốc, nhà thơ Nguyễn Anh Nông cũng cho ra mắt tập trường ca đầu tiên của mình với tên gọi Trường Sơn. PVVNT đã có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Nguyễn Anh Nông
 
•        Thưa nhà thơ Nguyễn Anh Nông,  được biết anh có quá trình sáng tác thơ 30 năm, đã xuất bản 5 tập thơ (Bàn tay lá cỏ, tập 1; Bàn tay lá cỏ ,tập 2; kỵ sĩ ngựa gỗ; Mây bay; Những tháng năm ở rừng), tại sao đến bây giờ anh mới ra mắt tập trường ca đầu tiên của mình về con đường Trường Sơn huyền thoại?
 
•        Cảm ơn bạn đã quan tâm đến thơ và tập trường ca đầu tiên này của tôi. Vâng, tại sao tôi lại viết về Trường Sơn thì cuộc chiến đã lùi xa hơn ba chục năm? Nó có quá trễ lắm không? Tôi có thể nói ngắn gọn  là tôi đã có một quá trình  hội đủ các yếu tố để Trường Sơn ra đời đúng lúc, không sớm, không muộn, so với bản thân mình. Ban đầu, tôi viết một rồi hai đoạn thơ, rồi thấy vẫn chưa hết, thế là  viết tiếp được 5 khúc, sau đó 9 khúc, vẫn thấy thiếu thiếu cái gì, lúc ấy  nhà tôi có việc cần tôi đi phép, lại được bạn bè khích lệ, thế là tôi viết một lèo trong vài ngày, hoàn chỉnh bản thảo như bây giờ. Đây có thể gọi là bài thơ dài được không? Hẳn là không rồi, đúng không? Thể loại trường ca nó mới chứa đựng được nhiều những yếu tố mà tác phẩm này đặt ra.
 
Xin bật mí trước khi viết trường ca Trường Sơn, tôi đã thử bắt tay làm vài ba cái rồi, như trường ca về Hồ Chí Minh . Có thể phải một thời gian nữa mình mới đụng bút viết tiếp về trường ca này được. Tiếp nữa là trường ca : “ Gửi B.G và trời xanh”, viết xong, nhưng đang lựa chọn phần kết. Ngoài hai cái trường ca nói trên, tôi đang viết một cái khác dang dở, nghe ra còn tốn rất nhiều công sức, trí lực, mới đạt mong muốn của mình.
 
•        Tôi đọc tập bản thảo trường ca Trường Sơn anh gửi qua mail . Có khá nhiều những câu, những đoạn thơ ám ảnh:
“Tiếng ve ngân  co kéo nắng hè
Gió mùa thu chim cu gù ngọt lịm
Mía bên đồi hong gióng tím loang xa
....
Mẹ gắp lửa thổi bùng bếp củi
Khói lam chiều vắt vẻo áng mây thơm...”
Và đây nữa:
“ Anh lại trở về với đại ngàn thác lũ
Về với mây bay, nắng nỏ, sương giăng
Đục vách núi tạo hình hài tổ ấm
Khoan nghìn năm hóa thạch sưởi hơi người
Dựng dàn giáo phất lên trời khát vọng
Tạc hình em trong mộng ước xa xanh...”
 
•        Thực tình, những chuyến đi thâm nhập thực tế đã giúp tôi rất nhiều có những vốn sống, chất liệu để viết trường ca này. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ hai chương đầu của trường ca Trường Sơn thành bài hát HÁT GIỮA ĐẠI NGÀN TRƯỜNG SƠN. Bài này đã được HTV9 giới thiệu và Chương trình ca nhạc Quân đội nhân dân- Đài Tiếng nói việt Nam phát  vào tối thứ bảy ngày 9/5/2009 dành cho cả một chương trình 30 phút. Chị thấy thơ ca, âm nhạc có sức lan tỏa mạnh mẽ không?
 
•        Tại sao anh lại đặt cho trường ca của mình một cái tên khá giản dị là Trường Sơn?
 
•        Khi chọn cái tên Trường Sơn cho trường ca của mình tôi đã phải loay xoay đặt ba bốn cái tên khác, nhưng đều thấy không ổn, bởi chính cái tên Trường Sơn đã là cái tứ lớn cho mình thoải mái mà xoay sở; ai sáng tác thơ, trường ca mà không muốn đặt tên cho đứa con của mình nó là nó, đồng thời nó là cái gì cao xa, gần gũi, sang trọng, bình dân, đẹp đẽ, dung dị...Trường Sơn là cái tên không chỉ nhằm để nói về Trường Sơn của núi non đại ngàn mà nó còn hàm chứa bóng dáng của văn hóa, lịch sử, tâm linh. Nó không chỉ đề cập cái nhất thời mà nó còn mang tính trường tồn: “ Con nhận ra sự nhất thời nông nổi/ Những Trường Sơn dằng dặc kiếp luân ồi”( Chương: Lời một người con), hay: “ Sức vóc con người có hạn/ Giấc mơ nào còn lại giấc mơ thôi/ Con chấp nhận một trường Sơn vạn đại/ Những- Trường Sơn- dài- rông- của- riêng- mình” . Và bạn hãy thử xem đây có phải là Trường Sơn của một thời không nhé: “Cha- nở nụ cười/ kiêu hãnh/kìa các con, đàn chim ríu ran/đang ngờm ngợp/ bay qua mắt cha/ tới niềm kiêu hãnh mới...” hoặc đây nữa: “ Nơi các con đón đợi/ Những Trường Sơn kỳ vĩ, tươi non/ vượt: đau buồn/ Vượt: tị hiềm, đố kỵ/ Vượt: nhỏ nhen, ích kỷ/ Đây, Trường Sơn- bè bạn- anh em- đồng chí- đồng loại- đồng bào/ Những Trường Sơn dài rộng tới mai sau”
 
•        Nhiều tác giả thành danh đã để lại dấu ấn sâu đậm của mình trong văn học - gắn với đường Trường Sơn huyền thoại như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Trung Thu, Hữu Mai, Hồ Phương… Điều này có gây sức ép tâm lý cho anh khi viết trường ca Trường Sơn?
 
•        Thế hệ nào có cách cảm, cách viết của thế hệ đó.Ai có nhiệm vụ của người ấy. Nếu vì sức ép, mà sợ, không dám viết, cũng vứt; nhưng nói không đủ tài, cố làm thì hóa anh liều. Tôi đủ tỉnh táo và đủ nghị lực để viết trường ca Trường Sơn theo cách của mình. Bạn cứ đọc đi, sẽ thấy có cái tôi đã “lách” các cụ ra sao, tôi tiếp thu cái người đi trước thế nào và tất nhiên mình phải làm theo cách của mình thôi.
 
•        Lần đầu, khi nhận bản thảo trường ca Trường Sơn anh gửi, tôi thấy rằng có khá nhiều chú giải của tác giả. Ví dụ có đoạn tác giả chú giải đại ý rằng “đoạn này là diễn tả trạng thái hôn mê”… Dường như anh có nỗi lo lắng rằng những bạn đọc trẻ ngày hôm nay khó thâm nhập vào không khí/ bối cảnh của tác phẩm anh viết?
 
•        Thực ra những chú thích đó tôi dành cho người biên tập, hoặc những bạn đọc thông thường, còn khi đưa in thành sách tôi cắt bỏ hết những chú thích tương tự. Tôi biết hầu hết bạn trẻ hôm nay đều biết và sử dụng  ngôn ngữ thời @, có nghĩa là họ nói và viết tắt một cách vừa có phần rắc rối so với ta (những người lớn tuổi) nhưng lại là ngôn ngữ giản lược, viết tắt có phần sáng tạo, mà họ cảm, nghĩ theo lứa tuổi họ. Mặt khác, hầu hết bạn đọc, người yêu thơ bình dân tỏ ra khó chịu khi tiếp xúc với ngôn ngữ thơ không đúng chính tả, hoặc trước những thủ pháp bất thường của người làm thơ, mà tôi lại không muốn để  mất sự kiên nhẫn của họ. Tất nhiên, không phải cái hay, cái đẹp phức hợp nào cũng dành cho  tất cả mọi người. Tôi cũng nhận thức được rằng tác phẩm của mình có đứng được phải được mọi người chấp nhận, nên đôi khi cũng có những sự lựa chọn khá khó khăn...   
 
 
•        Có ý kiến cho rằng: cho đến nay nhìn một cách khái quát chúng ta chưa có thật nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về đường Trường Sơn, những tác phẩm có giá trị sau chiến tranh ngày càng hiếm. Rõ ràng sáng tạo văn học nghệ thuật chưa tương xứng với tầm vóc của con đường Trường Sơn huyền thoại. Hiện nay, văn học nghệ thuật đang rơi vào tình trạng đi nhiều vào các đề tài vụn vặt gọi là đời thường trong cuộc sống mang nặng tính giải trí mà chưa quan tâm đầy đủ đến những đề tài lớn trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Anh nghĩ sao về điều này?
 
•        Có một kết luận mà nhiều người trong chúng ta lấy làm băn khoăn, đó là “ văn học Việt Nam thời hiện tại không có những tác phẩm lớn, mà chỉ có những tác phẩm vừa và bé”. Nói như thế có thỏa đáng chưa? Nhưng nhìn chung, văn học chúng ta chưa được bạn bè quốc tế chú ý nhiều và đánh giá chưa cao, thậm chí là rất khiêm tốn? Nguyên nhân do đâu? Cái chung đã thế thì cái riêng của Trường Sơn nó như thế nào?
 
Bạn hỏi : “ Hiện nay, văn học nghệ thuật đang rơi vào tình trạng đi nhiều vào các đề tài vụn vặt gọi là đời thường trong cuộc sống mang nặng tính giải trí mà chưa quan tâm đầy đủ đến những đề tài lớn trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước”.  Điều băn khoăn này của bạn cũng khiến tôi suy nghĩ nhiều. Bạn biết, tôi biết, chúng ta đều biết có vấn đề đó đang tồn tại trong đời sống văn học hiện nay, thế nhưng mà ai dám làm khác? Lớp nhà văn, nhà thơ trẻ họ đang hướng tới điều gì khi mà vốn sống và những gì họ được hấp thụ còn khiêm tốn? Có cần một định hướng và sự đầu tư thỏa đáng cho họ chăng? Hay cần một một cái gì khác làm động lực thúc đẩy chăng?
 
•        Điều lo ngại lâu nay với người cầm bút đó là khi  cuộc chiến càng lùi xa thì những khung cảnh, tư liệu hiện vật, nhân chứng lịch sử càng lùi xa và như vậy việc thâm nhập thực tế ngày càng trở nên khó khăn hơn. Cá nhân anh có nghĩ rằng 50 năm nữa, sẽ không còn ai viết về Trường Sơn của những năm tháng chiến tranh khốc liệt?
 
•        Những điều lo ngại như bạn đặt ra với những ngòi bút trẻ hôm nay và mai sau  khi mà hiện thực khốc liệt của một thời khói lửa sẽ lùi xa thì việc thâm nhập thực tế dĩ nhiên phải khó khăn hơn, nhưng cũng không vì thế mà quá lo lắng.
 
50 năm, hay 100 năm nữa  có ai viết về Trường Sơn của những năm chiến tranh khốc liệt không ư?  Tôi tin là có, ví dụ có một cuộc thi viết về Trường Sơn một thời khói lửa, chẳng hạn, thì phải dự tính trao giải thật giá trị, nhưng để có tác phẩm hay về nó thì hơi khó, biết đâu tâm thế thời ấy, giá trị tinh thần thời ấy khác với bây giờ, có thể lắm chứ?