Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÔ GÁI H’MÔNG CÓ MÁI TÓC VÀNG

Trần Ngọc Dương
Thứ tư ngày 6 tháng 5 năm 2009 8:15 AM
Ngồi trên chiếc phi cơ của hãng hàng không Việt Nam từ Hà Nội lên Điện Biên, Marie không sao tránh khỏi tâm trạng bồi hồi xúc động, những kỷ niệm bấy lâu chôn chặt trong lòng, giờ lại ùa về rõ nét hơn bao giờ hết. Năm mươi năm trôi qua, mái tóc vàng óng như lụa giờ đây đã bạc trắng.
Dạo đó Marie còn trẻ lắm, đeo lon Thiếu uý ngay sau khi tốt nghiệp. Được giữ cương vị: Thám mã viên đặc biệt của Bộ tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương.
Cũng trên tuyến đường này, vào thời điểm những năm giữa thế kỷ thứ hai mươi. Marie đã bay đi, bay lại nhiều lần cùng Đại uý Allaire trên chiếc máy bay liên lạc trinh sát Beaver, với những trang thiết bị tối tân hiện đại nhất.
Hôm đó, núi rừng Tây Bắc chìm trong màn sương mù đặc quánh. Allaire làu bàu:
- Bọn khí tượng chết tiệt, dám thông báo trước chuyến bay là trời quang, mây tạnh.
Marie ngần ngừ nêu ý kiến:
- Mình đã lượn hai vòng quanh tọa độ liên lạc, song không thấy tín hiệu từ mặt đất. Đề nghị Đại uý báo cáo xin ý kiến của sở chỉ huy: cho trở về.
Lát sau Allaire thốt lên bực dọc:
- Cấp trên yêu cầu ta bay chếch lên hướng bắc, cách mục tiêu cũ mười năm phút bay.
Marie tính toán:
- Vậy sát với biên giới quá, không khéo mình lạc sang đất Trung Cộng mất.
- Phía đó dòng không lưu vô cùng phức tạp. Lúc nãy bay trên cao nhìn xuống, ta chỉ thấy những đỉnh núi nhấp nhô, lãng đãng trôi trong dòng sông sương mờ mịt.
- Đại uý có nói rõ với mặt đất tình hình thời tiết hiện nay không?
Allaire chán nản:
- Ở nhà biết, song vẫn yêu cầu chúng ta phải chấp hành. Họ nói: đây là nhiệm vụ đặc biệt vô cùng quan trọng. Các chuyến bay khảo sát, thử nghiệm này có tác dụng  rất nhiều cho cuộc chiến tranh Đông Dương. Trận đánh lớn sắp diễn ra tại đây, không thể thiếu những số liệu do chúng ta thu thập. Cục diện chiến trường nhất định thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho Việt Minh.
Marie băn khoăn:
- Đại uý nghĩ xem, bán kính thám sát hiện nay đã tăng lên hai lần so với ban đầu.
- Nhưng ta vẫn lấy thung lũng Mường Thanh làm tâm điểm. Các cố vấn Mỹ cho rằng...
Allaire chưa nói hết câu, chiếc Beaver đã chòng chành hạ thấp độ cao, rồi mất hút trong biển mây mù mêng mông.
**
Marie tỉnh lại, vết thương ở chân chưa lành. Cô buồn bã ngồi nhìn trời qua khung cửa sổ, thầm đếm những giọt nước được hình thành từ vô số hạt sương đọng lại trên mái nhà tý tách rơi. Căn nhà sàn nhỏ xíu cô độc, nằm nép mình lưng chừng vách núi đá tai mèo dựng đứng, đỉnh chỉ xuất hiện vào những ngày đẹp trời, còn ngó xuống thấy khe sâu hun hút gió, xa xa là đại ngàn bao la.
Marie băn khoăn: Đây là đâu nhỉ? Những người này là ai? Tại sao lại lo lắng, chạy chữa vết thương cho một người xa lạ, khác biệt hẳn về chủng tộc? Liệu họ có biết mình là kẻ thù của Việt Minh không? Điều đó cô chẳng thể nào lý giải được.
Sau do nhu cầu giao tiếp trong cuộc sống, đòi hỏi Marie luôn luôn phải cố gắng. Phần khác, bản chất của người Mông thật thà mộc mạc, chỉ biết làm theo cái bụng mình nghĩ. Chính những điều đó đã giúp Marie vượt qua sự bất đồng về ngôn ngữ. Cô tận dụng mọi thời cơ học nói tiếng Mông. Từ thân mật được Marie bập bẹ gọi nhiều nhất là: A San - tên người con trai. Cô vui vẻ khi chàng thanh niên chỉ vào mình kêu: A Mi. Marie còn yêu cầu A San dạy mình hát dân ca Mèo và tập thổi kèn lá. Cái cảm giác xa lạ biến mất từ lúc nào không rõ: Hình như, chúng mình quen biết nhau từ lâu lắm rồi.
Thông thường lúc chọn lá thổi kèn, người ta phải lựa những chiếc phù hợp. Còn Marrie do nằm bệt một chỗ, cô không bỏ qua cơ hội nào để tập: Từ âm thanh của núi rừng, giai điệu các loại côn trùng, đến tiếng kêu nhiều loài vật đều được Marie say sưa bắt chước. Một lần, nhìn những chiếc lá rách vứt đầy xung quanh. A San làu bàu: “Phải để hơi mà thở chứ, mày thổi như con sâu ăn lá ấy, cái cây  mọc sao kịp.” Thấy thế, bà mẹ A San chỉ bảo Marie chi tiết, tận tình. Từ cách chọn lá, đặt môi, uốn lưỡi, lấy hơi. Khi thấy cô tạo được những âm thanh kỳ diệu, với bất kỳ chiêc lá nào. Bà thốt lên: “Mày thổi hơn cả con gái Mông rồi.”
Marie nhìn xuống cái chân đau, những thứ đắp trên đó  được gỡ bỏ, vết thương đã lành. Cô nhúc nhắc cử động bàn chân, các ngón ngọ nguậy. Marie nhìn  quanh, bám cột nhà đứng dậy.
Chúa ơi! Marie nghiến răng chịu đựng, rồi từ từ ngồi xuống. Đợi cái đau ngớt, cô lập lại các động tác, mồ hôi tuôn đẫm áo.
Tiếng lịch kịch đầu hồi làm Marie chợt tỉnh. Cô vội vã nằm xuống, vờ ngủ. Bà mẹ lại gần rồi ra ngoài, lát sau quay vào với chiếc khăn thổ cẩm được giặt sạch. Bà nhẹ nhàng vuốt những sợi tóc vàng óng xoà trên má, lau những giọt mồ hôi còn đọng trên khuôn mặt cô.
Marie cố gắng kìm nén tình cảm, song từ cặp mắt xanh biếc những giọt lệ vẫn trào ra. Cô thầm nghĩ: “Phải chăng Chúa nhân từ đã cử mẹ con người đàn bà bản xứ này làm thiên thần hộ mệnh cho mình?”  Cô xoay người cầm chặt lấy tay bà gọi: “Mẹ ơi!”.
Một lần, Marie chống gậy tập tễnh đi ra đầu mom. A San theo, chỉ cho cô vệt trắng trên sườn núi cao ngất, nơi dấu tích chiếc máy bay đâm vào. Anh  dìu Marie len lỏi giữa sườn núi chênh vênh. Đến khe đất nhỏ nằm kẹp giữa hai vách đá, cô bắt gặp vài chi tiết ít ỏi còn lại của chiếc máy bay gặp nạn. Marie im lặng, chăm chú nhìn chúng như lần đầu mới thấy.
A San ngăn không cho Marie ra sát mép núi. Như để chứng minh mức độ nguy hiểm, anh đẩy một tảng đá to xuống  dưới. Bụi bay mù mịt, tiếng lộc cộc, lộc cộc nhỏ dần, nhỏ dần. Những âm thanh bị vực sâu nuốt chửng. Sau khi dặn đi, dặn lại Marie, A San trèo lên trên đỉnh ghềnh đá cheo leo nhanh như một con sóc. Lát sau, anh thả xuống một bọc vải to, cô nhận ra quân tư trang của mình.
A San bảo: Hôm ấy mày bị thương nặng, mắc treo trên cây không biết gì. Tao chỉ đủ sức mang người về, còn vật phải để lại. Marie suy ngẫm : “Chắc chắn do số phận an bài, mình mới thoát chết một cách diệu kỳ.  A San giở  cho Marie xem từng thứ một, cô thờ ơ nhìn những đồ vật đã từng nâng niu.
Marie được mẹ con A San cho hay lý do phải chạy trốn vào đây, sống cách biệt với dân bản. Chẳng biết gia đình họ mắc nợ quan Thống lý từ thời ông bà tổ tỷ nào. Nợ theo cái miệng truyền lại đến đời A San nhiều lắm. Anh đi ở trả không hết, con cháu sau này phải thay thế. A San là con nợ, nên hay phải đi phu tải hàng cho quan. Một lần vượt thác, ngựa sảy chân rớt xuống kéo cả A San theo. Con vật cùng kiện hàng chìm biệt tăm trong làn nước sâu thăm thẳm. A San bơi giỏi thoát chết, song không dám về nhà. Anh biết chắc chắn tội chết đang chờ mình. Ngày trước làm mất có một lồ muối, bố đã bị đánh phải bò về, chẳng leo được lên sàn nhà. Ông nằm liệt thời gian ngắn rồi mất. Kiện hàng kỳ này nặng lắm, quí lắm! Của người Tây cho riêng quan Thống lý. Các Phìa, Tạo khác trong vùng muốn bỏ ra nhiều cái đồng bạc trắng để mua, dùng thuốc phiện đổi cũng không được.
Mất hàng, không tìm thấy A San. Thống lý trút giận bằng cách trói mẹ anh  nhét vào gùi cùng với đá lăn xuống vực. Thống lý bảo: “Cho mày xuống đấy mà tìm con.” Gùi vướng vào cái lưới, được A San kết bằng những sợi dây rừng chăng chìm dưới mặt nước. Thống lý đâu có biết, một phu ngựa bạn đã cho A San hay âm mưu trên. Người này thủa bé ốm, lở loét toàn thân, nước vàng chảy hôi thối chẳng ai dám gần. Thấy thày mo nói: Bị ma nhập, bố mẹ nghe theo đuổi ra rừng. Mẹ A San tìm mang về nhà cứu chữa.
Trên đường chạy trốn, A San tìm thấy chỗ ở hiện nay, một nơi không có lối vào. Muốn liên hệ với thế giới bên ngoài, chỉ có một cách duy nhất là chui luồn lách qua một cái hang nhỏ.
Marie theo A San đi lấy mật ong. Anh nói: “Trên những dãy núi đá vôi, cứ nơi nào cây cối mọc tươi tốt, ở đó bao giờ cũng có nguồn nước và các sản vật của rừng. Người Mông nghèo lắm, không có đất, phải sống lang thang trên những triền núi cao. Nên biết tận dụng tất cả những gì mà thiên nhiên ưu đãi. Một đám đất bé tẹo hiếm hoi nằm trong hốc đá cũng được tỉa hạt ngô, trồng cây đậu.
A San chỉ cho Marie tổ ong được đánh dấu từ trước. Anh đốt đống lửa, đợi nó cháy to rồi ủ lại cho khói,  bắt Marie ngồi cạnh, còn mình lấy trong cốc lồ miếng cao bỏ lẫn vào ngọn đuốc. Một làn khói bốc nghi ngút, mùi khét lẹt khó chịu tràn ngập cả không gian. A San dí bó đuốc vào sát tổ, đàn ong bay vọt lên cao đen đặc.
A San dẫn Marie về, thấy cô mệt mỏi nhúc nhắc bước. A San dừng chân nghỉ bên bờ một con suối nhỏ chảy từ trong hang. Anh bảo Marie: “Tao phải kiếm thêm một ít rau rừng. Còn mày tắm đi, cho cái mệt nó trôi khỏi người.
Marie ngoan ngoãn vâng lời. Cô đi vào đoạn suối khuất sau tảng đá  trút bỏ y phục. Nhìn khẩu Rulô nòng ngắn, báng khảm bạc đeo trên người- Khẩu súng ba tặng  hôm tốt nghiệp- Marie phì cười. Tại sao từ khi bị  thương đến giờ, mình lại luôn mang theo thứ vũ khí tuỳ thân này làm gì cho vướng. Bà mẹ thì coi nó như một thứ bùa hộ mệnh, còn A San cho đó là một đồ trang sức. Marie lau khẩu Rulô, nheo mắt. Cô tự nhủ: “Hôm nay, mình phải nói rõ với A San về tác dụng của các đồ vật vừa thu hồi được và đưa tất cả cho anh cất dùm.
Sau một hồi ngâm mình trong dòng suối, cô mặc quần áo, cầm khẩu súng quay ra nơi nghỉ. Tới nơi, Marie giật mình hoảng hốt kêu to. Có con gấu ngựa đang ăn mật ong, đồ vật của hai người bị nó phá tan hoang. Con vật hậm hực, bỏ dở bữa nhìn người vừa tới, rồi chậm chạp tiến lại. Ma rie sợ hãi, ú ớ đi giật lùi. Đúng lúc đó, A San xuất hiện. Anh vung con dao quắm, phạt mạnh vào chân sau con gấu. Con vật quỵ xuống, máu túa ra, gầm rống lên, tập tễnh lao sang phía A San. Anh nhảy lên ghềnh đá, hét ra hiệu cho Marie làm theo mình. Cô luống cuống đứng dậy. Chúa ơi! Cái chân con sao cứng đơ thế này. Marie ngồi bệt chống tay xuống đất, khẩu Rulô làm Marie đau nhói. Cô bừng tỉnh, vội hướng nòng súng về phía con gấu. Một tiếng nổ khô khốc vang lên. Những âm thanh được dãy núi đá phản hồi thành chuỗi ầm ầm, làm náo động cả không gian yên bình. Con vật quay lại lao thẳng vào Marie, cô bóp cò liên tiếp. Con gấu gục xuống, máu phun cả vào người Marie, toàn thân giãy giãy rồi nằm bất động. A San nhìn Marie kinh ngạc. Cô quăng khẩu súng hết đạn, ôm mặt khóc. Lần đầu tiên trong đời, Marie giết chết một sinh linh của chúa.
Sau cơn chấn động, Marie rũ xuống. A San dìu cô vào nghỉ trong hang đá, nơi dòng suối bắt nguồn. Anh lấy cái mật gấu, trích ra một ít hoà với ống bương rượu ngô, đưa cho Marie uống và bóp chân cho cô. A San nướng bánh ngô ép Marie ăn. Anh cố dỗ cho cô ngủ, hy vọng khi tỉnh giấc Marie sẽ bình tâm trở lại. Marie nũng nịu bắt A San phải ngồi bên cạnh, canh chừng cho mình. Thấy cô với ống bương rượu, A San bảo: Để mày uống hết chỗ này say mất. Nói xong anh tu ngụm lớn, rồi mới đưa cho Marie.
Lát sau Marie thấy nôn nao khó chịu, khuôn mặt ửng đỏ, cặp mắt long lanh, toàn thân bừng bừng. Mật gấu tươi kết hợp với rượu có tác dụng mạnh quá, ngoài dự tính của A San. Marie để nguyên cả quần áo nhảy xuống suối ngâm. Thấy A San nhìn mình, quay mặt định bỏ đi. Marie ào tới lôi A San ngã nhào xuống suối, cô nhặt những bông hoa cỏ còn vương trên tóc anh. A San im lặng lau đám máu gấu dính đầy trên y phục của cô gái. Marie trút bỏ tất cả cho xuống nước cúi vò, rồi  bất chợt giật tung áo của A San cười phá lên. Hai người giằng co, la hét chí choé, nước bắn tung toé.
Chẳng biết vào thủa bình minh của loài người, trước khi Ađam và Êva bị đày xuống hạ giới, họ có tắm chung bao giờ không?
A San cõng Marie về, cô gục đầu vào vai anh ngủ ngon lành. Đến nhà, bà mẹ lặng lẽ chỉ cho A San cái ổ gần bếp lửa. Theo phong tục của người Mông: Marie đã trở thành con dâu của bà.
Thấy A Sun đòi cái vòng đeo tay được làm bằng mảnh bạc khảm trên báng khẩu Rulô, Marie tháo đưa cho con. Chơi chán thằng bé lăn ra ngủ. Marie đặt A Sun vào nôi, gỡ cái vòng trong tay con buộc lên chùm chuông gió. Sức nặng của nó làm cái chuông nghiêng hẳn về một phía. Marie tháo nốt chiếc đang đeo, treo vào phía đối diện. Cái vuốt gấu trên vòng vướng xoán vào những sợi dây buông của chuông. Marie gỡ ra, cô giật mình khi bị cái vuốt gấu chạm phải, nó còn sắc quá. Lúc A San đưa cho Marie đeo thử đã nói: “Phải cọ cho nhẵn mới được dùng.” Marie đòi làm phần việc này. Cô lấy đá cuội ở suối tỉ mẩn dũa mài, như người sửa móng tay, mãi mới xong một cái. Vậy mà lúc đưa cho con chơi, Marie quên béng đi mất. May chiếc đó đã được hoàn thiện. Marie tự nhủ: “Thôi mình cầm theo cái này, trong lúc chờ A San sẽ làm cho nó tròn trịa, đánh bóng nổi vân nên mới thôi.
Marie dặn bà trông A Sun, còn mình ra đầu dốc đón A San. Anh đi đổi muối từ mấy ngày trước, hôm nay hẹn về. Đến đoạn đường độc đạo tối om trong hang, cô bị một bọn người lạ bất chợt tấn công. Chiếc túi vải được tẩm thuốc trùm kín đầu làm cho Marie mê man không biết gì. Đến khi tỉnh lại, Marie thấy xung quanh mình toàn những người Pháp. Họ cho hay: Cô được giải cứu trong một chiến dịch rất công phu, tốn kém. Không những gia đình Marie đã trao giải rất lớn thưởng cho những ai tìm ra cô. Mà bộ chỉ huy Pháp vì muốn bảo đảm bí mật cho chiến dịch, cũng dùng mọi cách ra công dò lùng tung tích của chiếc máy bay Beaver cùng phi hành đoàn. Việc phát hiện ra Marie hết sức tình cờ. Khi các thành viên tham gia chiến dịch chán nản, cho rằng công việc tìm kiếm là vô ích. Thì bộ phận thám không chụp được bức ảnh trước cửa căn nhà sàn nhỏ, có phơi một miếng vải. Đem phóng to, mọi người reo lên: Đấy là mảnh dù!- Cái chăn Marie làm cho thằng A Sun. -Bộ tham mưu Pháp đã phải huy động tổng lực, thậm chí đến cả dân buôn thuốc phiện lậu người địa phương mới tìm ra nơi ở của họ.
Marie khai báo sự thực, khi cô bày tỏ nguyện vọng: muốn liên lạc với ân nhân. Bộ chỉ huy cho Marie biết: Việt Minh đã giải phóng Tây Bắc. Những gì do người Pháp dựng lên trong một thế kỷ qua tan vỡ nhanh chóng. Quan binh địa phương bỏ chạy táo tác, co cụm về quanh cánh đồng Mường Thanh. Một số nơi nổi phỉ, các bản làng nhốn nháo, dân cư di tản lung tung. Tình hình hết sức nguy hiểm, không kiểm soát nổi. Quân Pháp còn đang bận dốc toàn bộ sức lực, với sự giúp đỡ của người Mỹ cố gắng xây dựng Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất. Đủ sức nghiền nát chủ lực đối phương. Việc trở lại nơi ấy là không thể! Phải đợi tình hình lắng dịu. Hơn nữa: với vết thương ở chân, Marie không đi đứng linh hoạt được. Chỉ có ở Mẫu quốc mới đủ điều kiện làm phẫu thuật, giúp cô trở lại trạng thái bình thường. Gia đình Marie bên nhà, đã chuẩn bị sẵn sàng cho cô nhập viện chữa bệnh. Đợi khỏi, lúc ấy tình hình yên bình, ta sẽ tìm những người Mông kia. Chứ bây giờ họ đã rời khỏi chốn cũ, mà dù có biết đích xác nơi đang sống cũng không đi được.
Điện Biên Phủ thất thủ. Nước Pháp treo cờ tang. Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết. Hoà bình đến với toàn cõi Đông Dương. Marie vui mừng, hy vọng sẽ trở lại Điện Biên tìm kiếm những người thân vào một ngày không xa.
Nhưng rồi cuộc chiến tranh huỷ diệt của người Mỹ nhằm khuất phục dân tộc Việt Nam, xâm lược mảnh đất này lại diễn ra với mức độ vô cùng tàn khốc. Ước mơ được trở lại Điện Biên của Marie bị chiến tranh ngăn cản. Thời gian trôi qua, Marie ra sức kiếm tìm. Mặc dù được rất nhiều người giúp đỡ, song với một địa chỉ mơ hồ, không rõ ràng, họ đành bó tay. Marie chỉ biết sống với niềm tin: Nhất định có một ngày gia đình mình sẽ sum họp!
Từ đó, Marie giành toàn bộ tâm huyết cho các hoạt động ủng hộ nhân dân Việt Nam. Sự bằng an của cuộc đời đã đến với bà qua công việc này.
**
Cũng như bao nhiêu du khách người Pháp khác, ngồi trên nhà sàn Marie chăm chú xem các nghệ sĩ biểu diễn những tiết mục văn nghệ truyền thống. Mọi người ồ lên khi thấy một nữ diễn viên mang tên là A Sy, mặc trang phục của người Mèo, nhưng có mái tóc vàng óng và cặp mắt xanh biếc xuất hiện trên sân khấu với tiết mục thổi kèn lá. Loại hình nghệ thuật độc đáo, khó nhất của dân tộc Mông.
Người hướng dẫn viên du lịch kể cho Marie nghe câu chuyện về A Sy, bạn mình: ...Ông nội và ông ngoại của cô đều là những cựu chiến binh đã tham gia chiến dịch Điện Biên. Thày A Sun, bố đẻ của A Sy hiện đang giảng dạy tại Đại học Tây Bắc. Còn mẹ cô, giáo viên thuộc trường dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên. Họ đều là những người Mèo! Vậy mà lại sinh ra A Sy với vóc dáng khác lạ...
...Trên sàn diễn, A Sy say sưa: những âm thanh réo rắt tìm kiếm, một chàng trai đưa chiếc lá lên môi đáp lại, rồi cất tiếng hát:
Bạn tình ơi!
Em ở đâu?
Trong dải mây vắt ngang sườn núi
Em khúc khích làm anh bối rối
Dưới chân là vực sâu không lối
Ông trời thương
Sợ chúng mình mải nhìn nhau
Hụt chân rơi xuống vực sâu
Bèn lấy sợi mây bay
Nhuộm tia nắng mặt trời
Buộc hai ta làm một...
Ma rie lặng đi. Bài ca A san đã dùng để dạy mình thổi kèn lá ngày ấy. Suốt cuộc đời Marie đã hát- Bà coi nó là bản thánh ca của riêng mình.
Những loạt vỗ tay vang dội đã cắt ngang dòng hồi tưởng của Marie. Bà cầm nhành hoa ban tiến lên sàn diễn trao tặng A Sy. Cô gái mỉm cười:
- Bà mới tới mà đã kiếm được hoa ban rồi. Trước kia ở đây nhiều lắm, giờ muốn có chơi phải đi thật xa, ra mãi những dãy núi nằm ngoài ngoại ô mới hái được. Cháu cũng rất thích loài hoa này.
 Marie sững sờ, khi thấy cái vòng bạc trên cổ tay cô gái. Bà run lên:
- Đẹp quá! Sao cháu không đeo đủ đôi?
- Ông nội nói ngày trước có một cặp, sau bị thất lạc.
Marie băn khoăn:
- Đây là đồ trang sức phụ nữ  Mông hay dùng, được gia công hàng loạt. Kiếm một cái khác thế vào chắc không khó. 
A Sy hồn nhiên:
- Không phải vậy đâu, cái này do ông cháu làm. Ở đây không ai treo vuốt gấu vào vòng tay cả, nó có hơn năm mươi năm rồi.
Marie kéo áo, chỉ cho cô gái thấy cái vòng mình đang đeo. A Sy mấp máy:
- Sao...ao, bà...à cũng có...ó .
Marie ngắt một chiêc lá, những âm thanh của núi rừng Tây Bắc vang lên dồn dập. Như người bị thôi miên, A Sy say sưa hoà tấu cùng bà. Cả nhà sàn lặng đi, họ đang được nghe bản giao hưởng của cuộc đời, hơi thở của đất trời, sự chuyển mình của vũ trụ.
A Sy bất lực buông chiếc lá khi Marie chuyển sang làn điệu của loài chim gọi bạn tình trong đêm, cô không tài nào bắt chước, hoặc đáp lại giống như con chim trống. Âm thanh do A Sy tạo ra chỉ là những tiếng kêu vô hồn. Tiếng gọi bạn của con chim mái nhỏ dần, nhỏ dần, rồi mất hút trong màn  đêm mêng mông, tĩnh lặng. Bất chợt những âm thanh lại vang lên da diết, giống như tiếng nức nở của con tim, người nghe có cảm giác mình bị rút ra từng khúc ruột.
Marie thổn thức: “Chúa ơi! Xin người hãy tha tội cho con. Bởi vì, chẳng hề giống những con chiên ngoan đạo khác. Trước lúc vĩnh biệt cõi đời, họ đều cầu xin người tha thứ cho mọi tội lỗi mắc ở nơi trần gian. Còn con, khi sắp về với chúa lại cất tiếng gọi bạn tình. Cầu xin người hãy cho các thiên thần giúp con, đưa những âm thanh này bay thật cao, thật xa. Đến tận cùng trời, cuối đất. Để anh ấy: người con yêu quí nhất trên cõi đời này nghe thấy. Giúp cho chúng con được nhìn thấy mặt nhau,  một lần cuối cùng trong cõi đời thường này.
Cặp mắt Marie rực lên, có tiếng kèn lá vọng lại từ phía cầu thang. Một ông già người Mông đeo huy hiệu Chiến Sĩ Điện Biên xuất hiện trước cửa ra vào. Ông say sưa họa lại tiếng kèn của Marie.