Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỄ HỘI TÔN VINH ĐỨC THÁNH MẪU LỄ NGHI HỌC SỸ NGUYỄN THỊ LỘ VÀ DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI NGUYỄN TRÃI

Trần Vân Hạc
Thứ ba ngày 5 tháng 5 năm 2009 4:46 AM
 Ngày 4.5.2009, tức  ngày 10.4 năm kỷ sửu, tại thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đã long trọng tổ chức lễ hội vinh danh Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ và danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Gần đây ngày 28 tháng 2 năm Kỷ sửu, đã long trọng tổ chức khánh thành Đền thờ và Tượng đài danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ chính tại nơi đã sinh ra Cụ. Ngày 4 tháng 3 năm Kỷ sửu, một tuần trước ngày giỗ Tổ Hùng vương, tượng Cha Lạc Long Quân được khánh thành. Cùng ngày Trung tâm văn hóa Người cao tuổi Việt Nam, cùng mọi tầng lớp nhân dân khắp mọi miền Tổ Quốc, đã tổ chức khánh thành Tượng đài Thần Kim Quy - Thần chữ Việt Cổ tại Đền Thiên Cổ Miếu, thờ đấng Sư Phụ Vũ Thê Lang tại Việt Trì Phú Thọ và dâng hương tại đền thờ Mẫu  Quốc… Những hành động hướng về cội nguồn dân tộc ấy có giá trị vô cùng to lớn, góp phần phát huy sức mạnh tinh thần của dân tộc, những tinh hoa văn hóa tiềm ẩn từ bao đời trong mỗi người dân con Lạc, cháu Hồng. Phải chăng đã đến lúc kẻ sỹ được tôn vinh, người nông dân được coi trọng, những người con của dân tộc có công lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước được ánh sáng của khoa học và nhân sinh quan thời đại mới đánh giá đúng mức. Đồng thời đó còn là thái độ sống của một dân tộc có truyền thống tôn trọng Tổ Tiên, coi trọng giá trị tinh thần cùng với giá trị vật chất, kế thừa và phát huy những tinh hoa thiêng liêng và cao quí của Tổ Tiên, trong quá trình xây dựng đất nước ngày càng giầu mạnh, dân tộc và hiện đại.
“Thảm án Lệ Chi Viên” gần 600 năm trước, tiếng oan đen tối cả đất trời ngày ấy được những người con của thời đại mới không chỉ minh oan, mà còn tôn vinh giá trị chân chính không chỉ của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, mà còn đánh giá đúng mức công lao vô cùng to lớn của Lễ Nghi Học Sỹ Nguyễn Thị Lộ: “Một nữ sỹ tài hoa, một nhà giáo nữ sớm nhất được biết tên, văn chương phẩm hạnh tuyệt vời”, “Một bậc nữ lưu kiệt xuất, có trình độ văn hóa rất cao, người đã dâng trọn cuộc đời phục vụ cho sự bền vững của Vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông đất nước”. Chính vì vậy lễ hội không chỉ thu hút được sự quan tâm của nhân dân mọi miền đất nước, mà còn rất nhiều hãng thông tấn, báo chí trong cả nước, của Trung tâm văn hóa Người cao tuổi Việt Nam. Ngay cả á hậu biển Việt Nam năm 1999 Phạm Phương Bắc từ Hải Phòng cũng lòng thành đến cúng tiến.
Lễ hội này con chuyên chở một thông điệp: Những người có công với nước, dù bị những thế lực đen tối vùi dập, vẫn sẽ được lịch sử đánh giá và ghi công đúng với chân giá trị trong tiến trình lịch sử, không gì có thể đổi trắng thay đen.
Mặc dù khu di tích hôm nay còn khiêm nhường, như chính những bậc tiền nhân xưa âm thầm cống hiến cả cái tài, cái tâm, đức độ vì dân, vì nước, không màng danh lợi. Song chúng ta, với trách nhiệm của cháu con, vẫn hy vọng và tin rằng: Một ngày nào đó, những con dân đất Việt trong và ngòai nước sẽ bằng những hành động thiết thực hướng về cội nguồn dân tộc, đóng góp, xây dựng làm cho Lệ Chi Viên không chỉ là nơi thờ cúng danh nhân kiệt xuất của dân tộc, mà còn trở thành một cảnh quan văn hóa, thu hút những người con đất Việt có tâm, hướng về cội, mỗi lần thăm viếng đều được tiếp thêm nghị lực, niềm tin, năng lượng tinh thần vô giá để sống có trách nhiệm hơn với chính mình và non sông đất nước. Đồng thời nơi đây còn là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, tham quan, nghiên cứu, học và hành.

Ảnh: 1- Tượng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ
        2- Bàn thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ
        3- Hoàng Đạo Chúc, Trần Nhương, Trần Văn Hạc, Hoàng Trọng bên tấm bia đền thờ