Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NẾU BỆNH UNG THƯ KHÔNG SỚM CƯỚP TÔI ĐI

Dương Đức Quảng
Thứ bẩy ngày 2 tháng 5 năm 2009 5:39 AM
 
 
Đầu năm nay tôi nhận được tin Frederic Whitehurt (Fred), người giữ và trao lại nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và 48 bức ảnh của phóng viên quay phim - nhiếp ảnh Nguyễn Văn Giá chụp trước khi hy sinh ở Quảng Ngãi năm 1970, cho hai gia đình, dự định vào tháng 3-2009 sẽ trở lại Việt Nam lần thứ ba. Giữa tháng ba vừa qua, sau mấy ngày Fred đến Hà Nội, tôi có dịp gặp ông trong bữa cơm gia đình tại nhà của mẹ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm.
 
Sang Việt Nam lần này, tâm trạng của Fred khác hẳn hai lần trước. Bởi vì sau lần sang Việt Nam lần thứ hai, năm 2006, trở về Mỹ ít lâu, ông phải vào bệnh viện vì bị ung thư tuyến tiền liệt; hai năm nay liên tục phải điều trị căn bệnh quái ác này…
1. Trở lại Việt Nam lần thứ ba, Fred không đi cùng anh trai và bạn bè cũng là cựu binh trong chiến tranh Việt Nam như hai lần trước. Lần này, ông đi cùng vợ, bà Cheryl Whitehurst, “điều rất hiếm xảy ra”, như ông nói, bởi vì suốt mấy chục năm nay vợ chồng ông rất ít khi đi ra nước ngoài cùng nhau. Fred nói, vợ ông rất ngại đi xa, nên “nếu không phải là sang Việt Nam, sang thăm gia đình chị Trâm và gia đình anh Giá thì chắc vợ tôi sẽ không đi cùng!”.
Lần này Fred không vào Đức Phổ, Quảng Ngãi như các lần trước, mà chủ yếu dành thời gian ở Hà Nội để vợ chồng ông thăm hai gia đình liệt sĩ, “để được sống trong không khí gia đình thật sự”, điều mà Fred rất mong muốn kể từ ngày biết mình bị ung thư, thời gian còn lại đối với ông quý hơn vàng!
Bà Cheryl, vợ Fred là một người phụ nữ không thật đẹp nhưng có khuôn mặt phúc hậu. Fred kể rằng, từ nhỏ vợ ông sống cùng cha mẹ trên núi vì cha bà làm nghề bảo vệ rừng, nên rất ít tiếp xúc với bên ngoài. “Ngoài cha ra, tôi là người đàn ông thứ hai mà bà ấy gặp. Nếu không có tôi, chắc bà ấy ế chồng!”, Fred nói vui, rồi kể lại mối tình không kém lãng mạn và trắc trở của hai người.
Năm bà Cheryl 14 tuổi, Fred ngỏ lời yêu, sau đó nhập ngũ, sang Việt Nam, hẹn khi trở về sẽ cưới. Những năm Fred ở chiến trường Việt Nam, bà Cheryl không nhận được tin, tưởng ông đã chết, gia đình lại chuyển đến ở trên một hòn đảo xa, nên bà nhận lời yêu một người đàn ông khác. Sau hơn hai năm, từ Việt Nam trở về, Fred đi tìm bà, mua một chiếc thuyền, lấy tên bà đặt tên cho chiếc thuyền này rồi lái thuyền ra đảo. Cảm động trước tình yêu của Fred đối với mình, hơn nữa thấy Fred từ Việt Nam trở về người ốm yếu, nhất là thần kinh không ổn định, lúc nào cũng bị ám ảnh về chiến tranh Việt Nam, ám ảnh về cuốn nhật ký của chị Đặng Thuỳ Trâm và 48 tấm ảnh anh Nguyễn Văn Giá đã chụp trước khi hy sinh, rất cần có người sẻ chia và chăm sóc, nên bà Cheryl quay lại với Fred. Họ thành hôn năm Cheryl 18 tuổi. Suốt ba năm trời bà Cheryl đưa Fred vào bệnh viện an dưỡng và điều trị bệnh thần kinh. Bà cùng với Robert Whitehurst (Rob), anh trai của chồng, trở thành chỗ dựa tinh thần, cùng cảm thông, chia sẻ và động viên Fred tìm kiếm địa chỉ để trao trả lại cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm cho gia đình.
 
2. Fred luôn có mặc cảm và suy nghĩ chỉ những người đã sống qua chiến tranh mới hiểu, thông cảm với những gì mà ông đã từng trải nghiệm. Ông tin rằng những người trẻ, chưa biết chiến tranh, bom đạn, chết chóc rất khó hình dung ra những gì mà ông đã trải qua. Lần trước, trở lại Đức Phổ, Quảng Ngãi, nơi chị Trâm, anh Giá đã ngã xuống, khi thắp hương trên mảnh đất anh Giá hy sinh, ông nghẹn ngào quay lại hỏi một nữ nhà báo trẻ Việt Nam sinh sau chiến tranh đi cùng: “Bạn có nhìn thấy máu không? Tôi cảm thấy như vẫn nhìn thấy máu của ông Giá đổ xuống nơi đây”. Vì thế, khi gặp lại tôi, một “đối phương” từng có mặt ở Quảng Ngãi trong những năm chiến tranh chống Mỹ, trong bữa cơm ở gia đình liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, câu chuyện giữa chúng tôi lại trở về với những ngày chiến tranh mà suốt mấy chục năm nay đã in đậm trong ký ức của ông.
Fred bảo rằng, những năm tham chiến tại Quảng Ngãi ông đã được thức tỉnh và đã được “biến đổi thành người như hôm nay, không bao giờ chấp nhận sự giả dối, dù có mượn cớ chiến tranh để làm như thế!”. Ông lại kể với tôi câu chuyện ông từng viết thành sách, nhiều người đã biết. Đó là một lần đơn vị ông sau khi trạm trán với một đơn vị quân giải phóng, “bắt được ba tù binh Việt Cộng, trong đó có một người bị thương gãy cả hai chân”. Fred đang cùng một người bạn định đưa người lính Việt Cộng bị thương và hai người tù binh lên một chiếc máy bay lên thẳng đi cấp cứu, thì viên đại uý chỉ huy ngăn lại. Y nói với Fred rằng, Việt Cộng là những người không có trái tim, “dù có đưa những người này lên máy bay đi cấp cứu thì đồng đội của họ cũng bắn vào máy bay, tốt nhất là các anh hãy kết liễu họ!”. Fred không nghe, thuyết phục viên đại uý chỉ huy và tiếp tục cùng đồng đội đưa người thương binh Việt Cộng cùng hai tù binh lên máy bay. Và, thật lạ lùng, chiếc máy bay này không bị quân giải phóng nhằm bắn, còn những chiếc còn lại liên tục bị quân giải phóng nã đạn!
Sau lần đó, và nhất là sau khi được đọc những dòng nhật ký của chị Đặng Thuỳ Trâm do viên thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu dịch, Fred hiểu rằng Việt Cộng không phải là những người không có trái tim, trái lại những điều viên đại uý chỉ huy nói với ông là những điều dối trá. Và từ đó, Fred luôn luôn chống lại những điều dối trá mà ông gặp. Fred lên tiếng tố cáo những vụ tham nhũng ở chính Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mà khi từ Việt Nam về ông là một thành viên, bất chấp hậu hoạ có thể xảy ra đối với ông và gia đình. Ông công khai chống lại sự dối trá trong các lập luận của chính phủ Mỹ, lấy cớ Iraq có vũ khí huỷ diệt để mở cuộc chiến tranh mà Fred cũng  như  nhiều  người  Mỹ  tin  rằng “lý do chính là vì dầu lửa và để làm cho bạn bè của ông Bush giầu thêm, quyền lực thêm”. Fred bảo, những việc ông làm, trực tiếp và công khai đối đầu với những kẻ dối trá trong chính quyền Mỹ là nhờ ông tin vào lòng yêu thương của con người, tin vào những điều thánh thiện mà chị Trâm đã viết trong nhật ký của mình!
3. Nói là sang Việt Nam lần này dành thời gian “để sống trong không khí gia đình”, nhưng thật ra, Fred vẫn làm mọi việc “vì chị Trâm, vì anh Giá”.  Ở đâu trong chuyến đi này, hễ có dịp là ông lại nói về câu chuyện và cuộc đời của hai người liệt sĩ Việt Cộng đã góp phần làm thay đổi cả cuộc đời ông. Hôm cùng hai người em gái của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, là Đặng Phương Trâm và Đặng Kim Trâm lên thăm Sa-Pa, Lào Cai, tình cờ gặp một số cán bộ đoàn của hai tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang trên đường đi dự cuộc giao lưu của Đoàn thanh niên 9 tỉnh mền núi phía Bắc với Quân Đoàn II ở Lai Châu, ông hào hứng kể lại câu chuyện về nhật ký của chị Trâm và những tấm ảnh của anh Giá, chụp ảnh chung và cùng trao đổi, cùng chia sẻ với các bạn trẻ suy nghĩ của mình về nhật ký Đặng Thuỳ Trâm. Trở về Hà Nội, vợ chồng ông dành thời gian trả lời phỏng vấn của Truyền hình VTV4, đến dự cuộc gặp mặt tại Quán Bookworm (Mọt sách) tại số 4 Yên Thế với bạn đọc người nước ngoài ở Hà Nội, những người đã đọc nhật ký Đặng Thuỳ Trâm qua bản dịch sang tiếng Anh. Ông kể lại với mọi người, hôm đến thăm chị Bùi Ngọc Hiên, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Giá, ông đã nói điều ông còn băn khoăn hiện nay là vẫn chưa có ai dịch cuốn sách “Những tấm ảnh trở về”, viết về anh Nguyễn Văn Giá, sang tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ, như đã làm đối với nhật ký Đặng Thuỳ Trâm. Ông nảy ra ý định, qua chị Đặng Kim Trâm, em gái liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm tìm hiểu về khả năng phối hợp giữa nhà xuất bản với các em học sinh chuyên Anh của trường Chu Văn An, ngôi trường mà chị Đặng Thuỳ Trâm đã học, để dịch cuốn sách nói trên sang tiếng Anh. Sở dĩ Fred có ý định như thế vì, theo ông, cuốn sách “Những tấm ảnh trở về” chủ yếu là ảnh, phần chữ không nhiều nên các em chuyên học tiếng Anh có thể dịch được và dịch tốt . Đó cũng là một dịp tốt để các em hiểu về chiến tranh, hiểu về chị Trâm, anh Giá và thế hệ cha ông mình .
Trong chuyến trở lại Việt Nam lần này, vợ chồng Fred được đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh mời xem bộ phim truyện “Đừng đốt” về chị Đặng Thuỳ Trâm do ông viết kịch bản và đạo diễn, tuy bộ phim đang còn trong giai đoạn hậu kỳ, chưa hoàn chỉnh. Fred nói ông thật sự xúc động khi gặp lại trên màn bạc những hình ảnh xác thực về chiến tranh mà ông đã trải qua ở Việt Nam, “những hình ảnh xác thực về tôi và về chị Đặng Thuỳ Trâm như những gì tôi biết và nghĩ”. Ông nói: Đặng Nhật Minh hoặc ai đó làm cố vấn cho Minh về chiên sự biết rõ trận mạc và chiến tranh!.  Còn vợ ông, bà Cheryl cũng xúc động không kém. Bà nói vui: “Chỉ có điều diễn viên đóng vai chồng tôi khi còn trẻ thì khá giống, còn lúc về già thì xấu hơn ông ấy bây giờ!”
4. Sau chuyến trở lại Việt Nam năm 2006, về Mỹ, Fred cùng anh trai là Robert bắt tay vào một “dự án lương tâm”, tìm kiếm tin tức và tài liệu chiến tranh Việt Nam mà quân đội Mỹ thu được, mong giúp cho các gia đình liệt sĩ ở Việt Nam, biết được tin tức người thân hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh lâu nay không tìm được. Công việc đang tiến hành thì bất ngờ Fred bị bệnh, nhiều việc đang làm bị bỏ dở. Gần đây, Fred tiếp tục phối hợp với Trung tâm Việt Nam của trường Đại học Texas, nơi đang bảo quản nguyên bản nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, tiếp tục đưa những thông tin về chiến tranh Việt Nam mới tìm được, kể cả các thông tin về người chết, người mất tích của cả hai phía, lên mạng Internet toàn cầu để mọi người ở Việt Nam có thể vào đó tìm được tin tức người thân của mình lâu nay không tìm kiếm được. Trường hợp gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Bối, ở Phú Yên, Phú Xuyên, Hà Tây (cũ), tìm được tin tức và hài cốt của anh từ Quảng Ngãi đưa về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà cũng là nhờ tin tức mà Rob, anh trai của Fred, tìm được sau chuyến sang Việt Nam lần thứ hai trở về Mỹ, nằm trong “dự án lương tâm” mà hai anh em Fred cùng thực hiện.
Fred kể rằng, sang Việt Nam lần này ông mang theo hai món quà đặc biệt để tặng mẹ của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Đó là một chiếc chăn khổ rộng trên 2 mét mà mẹ ông đã tự tay mua len rồi móc thành chăn để tặng mẹ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Còn ông, ông đã dùng kỹ thuật photoshop ghép ảnh chụp mẹ ông với ảnh mẹ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm đang ngồi đan len, giữa hai bà mẹ có sợi len nối liền. Fred nói, đó là mối liên kết giữa hai người mẹ của Fred bây giờ và cũng là điều ông mong muốn về mối quan hệ giữa hai nước Mỹ - Việt.
Fred mở máy vi tính cho tôi xem những bức ảnh ông mới chụp trong chuyến trở lại Việt Nam lần này. Lần trước, sang Việt Nam ông đã chụp hàng ngàn bức ảnh suốt chặng đường từ Hà Nội vào Quảng Ngãi rồi trở ra Huế, Hạ Long, trong đó có nhiều bức ảnh nghệ thuật khá đẹp. Lần này, số lượng ảnh ông chụp không nhiều, nhưng có những bức ảnh chụp Sa-pa khá đẹp. Ông nói bằng tiếng Việt “Bác Hồ” rồi chỉ cho tôi xem một tấm ảnh ông chụp có hình Bác Hồ in trong một tấm áp-phích treo trên một bức tường ở Hà Nội mà ông rất thích. Ông bảo với tôi, Việt Nam giờ đây không chỉ là một cuộc chiến tranh như khi ông mới đặt chân đến, không chỉ là một đất nước mà ở đó ông đã được thức tỉnh, mà nay “đã có gia đình mẹ Trâm, gia đình anh Giá, có những người Việt Nam thân yêu của tôi”.
Chia tay tôi sau chuyến trở lại Việt Nam lần thứ ba này, Fred nói:
- Bác sĩ nói với tôi rằng bệnh ung thư tuyến tiền liệt của tôi nhờ phát hiện và điều trị sớm nên kết quả khá tốt. Tôi còn có thể sống thêm vài năm nữa và, nếu bệnh ung thư không sớm cướp tôi đi, thế nào tôi cũng còn trở lại Việt Nam nhiều lần nữa. Lần sau thế nào tôi cũng đưa con gái của chúng tôi, năm nay 16 tuổi, cùng sang Việt Nam, vì lần này cháu đang bận học nên không thể sang được!

Theo ANTG
Anhr: Từ trái sang Bà cheryl, bà Doãn Ngọc Trâm(mẹ liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm) Fred, nhà báo Dương Đức Quảng