Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẤY KỈ NIỆM VỀ PHẠM TIẾN DUẬT - THI SĨ TRƯỜNG SƠN

Ngô Vĩnh Bình
Chủ nhật ngày 3 tháng 5 năm 2009 5:26 AM

TNc: Sáng ngày 5-5-2009 này  tại hội trường Hội Nhà văn VN sẽ tổ chức lễ ra mắt Tuyển tập Phạn Tiến Duật . Đây là bộ sách gồm toàn bộ sáng tác của Phạm Tiến Duật do nhà thơ Đỗ Trung Lai và gia đình nhà thơ Phạm Tiến Duật thực hiện. Nhân dịp này và nhân kỉ niệm 50 năm Đường Trường Sơn chúng ta cùng ôn lại những kỉ niệm với Phạm Tiến Duật qua bài viết của nhà văn Ngô Vĩnh Bình. 


Nói đến văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, nói về đội ngũ các nhà thơ thời kỳ chống Mỹ cứu nước không thể không nhắc tới ông. Và, nói tới con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - đường 559 huyền thoại trong những năm chiến tranh chưa xa hay nói về bộ đội Trường Sơn anh hùng hôm nay cũng không thể quên nhắc tới tên tuổi ông.
 
 
Ông là Phạm Tiến Duật - một “danh nhân Trường Sơn”, một “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, một nhà thơ của bộ đội Trường Sơn mà ai cũng biết. Ông không phải là người được biên chế ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội chỗ tôi làm việc, nhưng các nhà văn nhà thơ, kể cả bác bảo vệ, anh chiến sĩ công vụ, chị văn thư… ở đây luôn coi ông như người nhà giống y như nhà văn Đỗ Chu vậy. Hai ông – ông Pautôpki Bắc Ninh và ông Thi sĩ của Trường Sơn này có thể đến “nhà số 4” bất kể lúc nào; thậm chí nếu đến mà cổng khoá thì réo toáng tên những Lê Lựu, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa… lên. Nhớ nhau thì đến thôi, nhiều khi chẳng bài vở thơ phú gì, đến uống với nhau chén trà, bắn điếu thuốc lào kể dăm ba câu chuyện chiến trường hôm xưa, viết lách hôm nay rồi đi; cũng có thể nằm lại nếu muốn.
Phạm Tiến Duật được bạn đọc biết tới sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức năm 1969 với chùm thơ viết về Trường Sơn: Lửa đèn, Nhớ, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong, sau đó là các tập thơ Vầng trăng cuồng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971), Ở hai đầu núi (thơ 1981), Vầng trăng và những quầng lửa (thơ 1983), Thơ một chặng đường (thơ tuyển 1994), Nhóm lửa (thơ 1996), Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca 2000), Vừa làm vừa nghĩ (tiểu luận 2003)…
Thơ ông là cả một Trường Sơn thu nhỏ với những anh bộ đội lái xe quả cảm và vui tính: nhìn nhau mặt lấm cười ha ha (Bài thơ về tiểu đội xe không kính ); những chiến sĩ công binh mở đường quả cảm: Những đồng chí công binh lầm lì / Mùi bộc phá trộn vào trong tếng hát /Trên áo giáp lấm đầy đất cát / Lộp độp cơn mưa bi sắt đuối tầm (Vầng trăng và những cuồng lửa); những cô gái thanh niên xung phong: “ngày em phá nhiều bom nổ chậm / đêm nằm mơ nói mớ vang nhà ”, nhưng vô cùng tinh nghịch, vô cùng lãng mạn và giàu tính nữ Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy nắng sớm / Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều (Gửi em cô thanh niên xung phong), những chiến sĩ cao xạ pháo luôn “nhằm thẳng quân thù mà bắn” cùng những người lính coi kho: Mười năm sống xa phố, xa làng / Tám năm ở trong núi trong hang / Tất cả riêng chung…/ Dành cho miền Nam tất cả (Tiếng cười của đồng chí coi kho) … Thơ ông là cả một Trường Sơn với đầy những lửa khói , chỗ nào cũng lửa, ở đâu cũng khói, bụi và bom (Vầng trăng và những cuồng lửa, Lửa đèn, Tiếng bom ở Seng Phan, Nhóm lửa, Tắt lửa…), nhưng đó là lửa đi cùng với trăng sao, bom đạn đi cùng tiếng hát, tiếng cười. Thơ ông đưa chúng ta tới những “vùng rừng không dân” với rất nhiều hoa thơm cỏ lạ, rất nhiều chim thú quý: Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng, Cây bồng bênh cười vui suốt ngày, Cây nứa mọc đứng cây giang mọc bò, Dạ hương của đêm mắc cỡ của ngày, Nhựa vàng cây dọc nhựa đỏ cây nò …và cho ta biết: Đếm tiếng tắc kè / Biết mưa biết nắng / Biết ngọt rau sắng / Biết chát củ nâu / Biết thơm cỏ mật / Biết ngái rau bầu…Thơ ông cũng dẫn chúng ta về những làng Tường Sơn, làng bộ đội: Cũng vương tóc rối chân gà / Cũng tiếng chó sủa chiều tà sau cây / Cũng quần áo ướt phơi dây / Cũng gầu múc nước ô hay cũng làng. Đó là làng quân y “lắm bồn hoa”, làng thông tin nhiều “bậc thềm nguy nga”, làng lái xe “sạp ngủ buông màn giữa trưa”, làng công binh “dựng trên nền sắt thép” và: Quanh năm như thể ngày mùa / Là làng của lính coi kho bốn bề / Suốt ngày vắng vẻ người đi /Mênh mang làng pháo bốn bề gió reo /Nhà chưa dựng võng đã treo / Bộ binh ở biêt bao nhiêu vùng làng.
Với những bài thơ về Trường Sơn những năm chiến tranh vừa hiện thực sinh động vừa lãng mạn, có cả “quầng lửa” có cả “vầng trăng”, có bom rơi, có máu đổ nhưng cũng có tiếng hát tiếng cười của con trai con gái; có những người lính “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”, có những làng nữ Thanh niên xung phong “khăn xanh khăn xanh phơi đầy nắng sớm”, có “những đoàn xe đi như không bao giờ hết ”…và có cả những “tiếng điếu cày rít lên thong thả” Phạm Tiến Duật đã trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất trong thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ, và như thế đương nhiên ông là nhà thơ tiêu biểu nhất của bộ đội Trường Sơn, bộ đội đường dây 559. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, người cũng có nhiều bài thơ hay viết về Trường Sơn bảo chính anh Duật là người đầu tiên đã đưa được cả Trường Sơn vào thơ, đưa được cả Trường Sơn đầy lửa khói bom đạn về thành phố, về Hà Nội, về Thủ đô. Nhà thơ Đỗ Trung Lai – một nhà thơ quân đội, bạn vong niên của nhà thơ Phạm Tiến Duật thì viết đại ý, thơ ông là cả một bảo tàng Trường Sơn thu nhỏ “di động ” và “sinh động”, lại ao ước mai này trên con đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa sẽ có những phố, những làng mang tên những danh nhân Trường Sơn như Võ Bẩm, Đồng Sỹ Nguyên, Phạm Tiến Duật…
Phạm Tiến Duật có 14 năm tại ngũ, trong đó có 8 năm gắn bó với Trường Sơn, với Đoàn 559. Đoạn thơ dưới đây của ông trích trong trường ca Những vùng rừng không dân nói ông và thế hệ ông đã để lại nơi này - rừng Trường Sơn “hầu hết tuổi thanh xuân”, đúng cả trăm phần, thế mà khi mới in ra tác giả của nó đã phải chịu lắm phiền hà; thậm chí còn đứng trước búa rìu của báo chí:
Đi trong rừng anh nói với em
Nói với những ai mai sau sẽ hỏi
Về những vùng rừng không dân
Nơi bao người đi qua hầu hết tuổi thanh xuân
Để lại trong rừng những gì quý nhất
Mất mọi thứ để Nhân Dân không mất
Gắn bó cả tuổi xuân với Trường Sơn, với những người lính là thế trước sau ông vẫn là nhà thơ áo lính. Ông hay ghé “phố nhà binh” cũng là bởi ở đó ông có những người bạn thơ, những đồng đội thời Trường Sơn; ở đó có những tờ báo, tờ tạp chí, nhà xuất bản mà ông đã in những bài báo bài thơ, cuốn sách đầu tiên. Ông vui cái vui của những người anh, người bạn còn đang khoác áo quân nhân, những nhà văn – chiến sĩ. Còn nhớ, năm 1987- năm Văn nghệ Quân đội kỷ niệm 40 năm ra số đầu tiên và được thưởng Huân chương Quân công, các nhà văn Dũng Hà (Phạm Điệng - Tổng Biên tập), Hồ Phương, Xuân Thiều (Phó Tổng Biên tập) từ Thượng tá vinh thăng “một lèo” lên Đại tá, nhà thơ của Trường Sơn đã mang hoa đến chúc mừng đồng thời kèm theo mấy câu thơ: Nay mừng tạp chí được huân chương / Anh Thiều, anh Điệng với anh Phương / Thượng tá bỗng dưng thành Đại tá /… Cũng như khu phố đổi ra phường.
Phải là gần gũi, phải là thân thiết lăm mới “dám” mừng nhau kiểu ấy! Phạm Tiến Duật chơi với nhiều nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng thân hơn cả là Duy Khán, Lê Lựu và Nguyễn Đức Mậu…Năm ấy, Duy Khán ra Trường Sa biền biệt mấy tháng không về, nhớ bạn lắm nên tối hôm trước Duy Khán từ đảo về, sáng hôm sau Phạm Tiến Duật đã gõ của buồng. Hai ông chén tạc, chén thù đến khi say khướt, Duật mới lia bút làm mấy vần thơ tặng Khán như sau: Một nhà thơ đi bốn ngàn cây số biển / Về ở căn buồng sáu mét vuông / Ngày ngày đôi chén rượu suông / Văn chương đầy áp căn bồng con con. Câu thơ ấy được viết hẳn lên bức tường căn buồng xép trên lầu 2 “nhà số 4”. Tiếc thay căn buồng Duy Khán ở ấy nay chẳng còn, nó và mấy vần thơ vui kia cũng giống như bản thảo tập bút ký viết về Trường Sa mang tên Biển thức chỉ còn trong kỷ niệm của bè bạn một thời! Hơn một năm sau ngày Duy Khán mất (1994), Phạm Tiến Duật có lần đến thăm Nguyễn Đức Mậu. Ông đứng ngẩn ngơ bên gốc hai cây đại già mắt đỏ hoe bảo bạn: “Hay hôm nay chúng mình làm giỗ cho Khán! ”, nói rồi lại nức nở… Phạm Tiến Duật là vậy! Đa tài: làm thơ (là nhà thơ hàng đầu của thơ chống Mỹ), viết lý luận - phê bình (tác giả tập Vừa làm vừa nghĩ – Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam), làm báo (Tổng Biên tập Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam ), làm đối ngoại ( Phó Trưởng ban đối ngoại Hội Nhà Văn Việt Nam), làm MC (dẫn chương trình Người cao tuổi của VTV cùng MC Ngọc Bích), nói chuyện Thơ…, nhưng rất dễ gần và hay mủi lòng như vậy.
Có những khi vui chuyện, ông nói, không có những năm ở Trường Sơn, không có Duật. Lại có nhà phê bình văn học khen thơ ông, cám ơn ông; nói chính ông và các nhà thơ thế hệ các ông đã làm nên một thời đại trong thơ ca Việt Nam. Nghe vậy Phạm Tiến Duật cười kể lại một câu chuyện vui. Ông bảo, khi nghe bài thơ Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây (được Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên nổi tiếng) với những câu:
Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không?
có người bảo cám ơn mình vì câu thơ “muỗi bay rừng già cho dài tay áo”, mình cười “Ô hay, sao lại cám ơn Duật? phải cám ơn muỗi chứ!”.
Cho đến hôm nay bài hát Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây cùng với các bài hát Lá đỏ (Hoàng Hiệp phổ thơ Nguyễn Đình Thi), Đêm Trường Sơn nhớ Bác (Trần Chung phổ thơ Nguyễn Trung Thu), Bài ca Trường Sơn (Trần Chung phổ thơ Gia Dũng)… vẫn là những bài ca về Trường Sơn hay nhất, sống mãi với thời gian.
Phạm Tiến Duật còn có những câu thơ “xuất thần” khác giả như Không có kính không phải vì xe không có kính; Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến; Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang / Mà không biết con đường chạy dọc / Thế đấy, giữa chiến trường / Nghe tiếng bom rất nhỏ; lại có những câu ngay từ khi mới viết ra đã bị phê phán (như câu Nơi bao người đi qua hầu hết tuổi thanh xuân / Để lại trong rừng những gì quý nhất / Mất mọi thứ để Nhân Dân không mất trong bài Những vùng rừng không dân, hay câu Có mất mát nào hơn cái chết / Vòng trắng trên đầu thành một số không trong bài Vòng trắng…); và có những câu đến tận bây giờ đọc lại có người còn tỏ ra nghi ngờ, sao lại “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” giữa cả trời bom đạn được?, đi chiến đấu chứ đi trẩy hội đâu mà “đường ra trận mùa này đẹp lắm”? nhưng ở vào thời điểm cả dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu), hoặc như “có những ngày vui sao / cả nước lên đường” với những “tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” (Chính Hữu) là một sự thật - Phạm Tiến Duật bảo vậy. Và điều đó giải thích vì sao những bài thơ, những ca khúc này nhanh chóng trở thành một thứ “vũ khí” có sức lay động, cổ vũ hàng triệu con tim tuổi trẻ nâng bước họ lên đường chiến đấu. Với thanh niên Việt Nam những năm tháng ấy, câu thơ của Tố Hữu: Trường Sơn đông nắng tây mưa / Ai chưa đến đó như chưa rõ mình là thơ mà cũng là lời hiệu triệu, là thơ nhưng cũng là lời của nước non kêu gọi người ngời lên đường đuổi giặc.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý hiện là Đại tá –Trưởng ban Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội vốn sinh ra ở vùng gió Lào cát trắng dưới chân dãy Trường Sơn, vốn là lính của binh đoàn 12 - bộ đội Trường Sơn – tác giả của những bài thơ viết về Trương Sơn đầy ấn tượng, trong đó nổi nhất là bài Khát vọng Trường Sơn viết dâng hương hồn 10.000 liệt sĩ đang nằm lại Nghĩa trang Trương Sơn được trao giải cao nhất trong một cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức (1996) và được tới 3 nhạc sĩ (Phạm Tuyên, Võ Thế Hùng, Văn Chừng) phổ nhạc thành ba bài hát cùng tên và tập trường ca Vạn lý Trường Sơn gồm cả ngàn câu sắp xuất bản nhân kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Mình – con đường huyền thoại, người được bạn đọc xem như là một “nhà thơ của Trường Sơn hôm nay” nói với tôi: “Nếu chọn 10 nhà thơ tiêu biểu thời chống Mỹ, phải có Phạm Tiến Duật”. Tôi bảo nếu chỉ chọn 5 nhà thơ?, anh nói “cũng phải có anh Duật!”. Tôi hỏi thêm nếu một?, anh quả quyết: “cũng vẫn là Phạm Tiến Duật!”. Hôm chị Vân, vợ nhà thơ Phạm Tiến Duật đến Văn nghệ Quân đội tặng một số nhà văn ở tạp chí Tuyển tập Thơ và Trường ca Phạm Tiến Duật do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản trước khi anh Duật mất ít hôm, Nguyễn Hữu Quý vô cùng xúc động. Anh bảo, giá như đúc cho anh ấy một pho tượng đồng lớn đặt ở một nơi nào đó trên dãy Trường Sơn!
1959 – 2009, năm mươi năm Trường Sơn cũng là chẵn 50 năm có một đề tài Trường Sơn hiện hữu sáng ngời trong văn học, có một đội ngũ các nhà văn áo lính thế hệ sau nối thế hệ trước tâm huyết với đất và người Trường Sơn, gắn bó máu thịt với những trang viết về chiến tranh cách mạng và người lính. Đội ngũ nhà văn ấy, những trang viết ấy không chỉ góp phần làm phong phú thêm mà còn tạo nên nét độc đáo của văn học Việt Nam hiện đại. Phạm Tiến Duật là một gương mặt sáng trong đội ngũ ấy, và những trang thơ của ông đã góp phần không nhỏ làm nên diện mạo của văn chương nửa sau thế kỷ XX.

Thập Tam Trại, tháng 4 năm 2009 
Chân dung Phạm Tiến Duật, tranh Trần Nhương