Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỢ TÔI ĐỐI THOẠI VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG

Hai Xe Ôm
Thứ năm ngày 30 tháng 4 năm 2009 2:31 PM
Mụ vợ tôi bảo: Ông Thứ trưởng Lê Dương Quang bịt mắt mọi người nhưng lại bảo họ đuổi bắt con dê bauxite..
.
Chuyện quốc gia đại sự là điều mà chẳng bao giờ mụ vợ tôi quan tâm, nhưng mấy tuần nay gia đình tôi cứ chộn rộn lên về chuyện bauxite Số là, mụ vợ tôi đang là Giám đốc một Trung tâm chè chén cỡ quốc gia có thương hiệu của cả vùng nên mụ khá tinh nhạy thông tin vỉa hè. Theo kinh nghiệm kinh doanh chè chén của mụ thì cái gì mà dân chúng đang bàn tán nhiều, tức là đang có thương hiệu ắt là đang có cơ làm ăn nhớn. Do vậy nên ngày nào mụ cũng bắt tôi một anh chuyên chạy xe ôm phải đi thu thập thông tin về chuyện bauxite để về báo cáo cho mụ ấy. Đây là điều cực chẳng đã đối với tôi bởi tôi không là nhà báo lại không là dân làm bauxite nên việc đi thu thập thông tin, xử lý thông tin để hàng ngày báo cáo mụ là việc làm cực bở hơi tai. Nhưng nếu không nghe mụ mụ sẽ cấm vận nhiều thứ thì gay go.Tôi biết mụ đang có âm mưu: nghe ngóng, thu thập thông tin thấy nếu dự án này làm ăn được sẽ đầu tư, hoặc chuyển quyền sở hữu Trung tâm chè chén đang ăn nên làm ra nuôi sống cả nhà tôi vào Tây Nguyên làm một chân bauxit để đổi đời. Thời buổi bây giờ muốn ăn nên làm ra thì phải biết đi tắt, đón đầu. Mụ vừa đi xem bói về thấy thầy bảo số mụ đang vào cầu...
Công việc quá cực và quá sức tôi, một anh xe ôm nhưng vào việc thì mình cũng có cái thú, nghiễm nhiên mình trở thành một Chủ  Dự án mà mụ vợ là Chủ đầu tư, hàng ngày mụ dúi tiền cho tôi để đến chỗ này nói là để gặp nhà báo A. đến chỗ kia gặp ông B. đến gặp Tiến sĩ nọ nhờ dịch tài liệu, mà phần lớn tôi đều tự bịa ra để quyết toán khống cái khoản tiền hàng ngày mụ dúi cho...Càng vào việc cái đầu ngu tối của tôi cũng dần vỡ ra nhiều thứ. Sung sướng nhất là vụ tôi lấy được cái đơn kiến nghị của mấy trăm vị gửi các ông lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ về khoe với vợ tôi một tài liệu quan trọng và tuyệt mật phải mất nhiều công sức, nhiều tiền đầu tư người ta mới sao in cho một bản. Tuyệt mật đấy! Vụ này mụ vợ trọng thưởng cho tôi kha khá. Và rồi thông tin về phiên họp báo của Bộ Công thương ( BCT) chứng minh cái sự cần thiết và lợi ích của dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên cũng đến tai mụ, thế là mụ bắt tôi phải đi kiếm cho mụ bằng được văn bản để mụ quyết cái chủ trương có ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu Trung tâm chè chén cỡ quốc gia này hay không? Sau khi khó khăn lắm cộng với một chầu bia hậu hĩnh, tôi mới được một ông nhà báo in cho một bản. Tất nhiên theo trình tự tôi phải báo cáo đầy đủ với mụ vợ về những điều mà ông Thứ trưởng Lê  Dương Quang đã viết và giải thích với các nhà báo. Sau đây là báo cáo vắn tắt bằng văn bản do tôi chấp bút báo cáo Giám đốc Trung tâm chè chén quốc gia...
Theo thông tin mà tôi thu thập được, tại cuộc họp giao báo ngày 28/4/ tại Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công thương đã cử ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng chuyên trách lĩnh vực khai khoáng của Bộ này đến gặp gỡ báo chí để qua báo chí thuyết phục dư luận rộng rãi hiểu và đồng thuận với dự án khai thác bauxite Tây Nguyên đang thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ này. Tại cuộc họp giao ban này, Bộ Công thương đã phát tận tay lãnh đạo các cơ quan báo chí một văn bản giải trình dày 16 trang để đáp ứng những nhu cầu mà độc giả đang quan tâm. Kết thúc văn bản báo cáo của Bộ Công thương ngày 27/4/2009 có đóng dấu treo xác nhận đây là văn bản chính thức về một số ý kiến xung quanh việc triển khai thực hiện Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007-2025; kết thúc văn bản có dòng sau đây:
Rất mong các đồng chí lãnh đạo các cơ quan thông tin báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo rộng rãi đến công chúng văn bản trên.
Nghe báo cáo đền đoạn này, mụ vợ tôi ngắt lời hỏi: Thế tại sao không thấy báo nào đăng vụ này nhỉ? Mấy ngày rồi còn gì?
Vừa qua tôi đã sao chụp và cung cấp cho mụ vợ tôi hàng chục bài báo đã viết về dự án này, chủ yếu là những ý kiến phản đối mà tác giả của những ý kiến có uy tín, có trọng trách, có trách nhiệm cả về uy tín xã hội lẫn danh hiệu khoa học về dự án này trong đó. Câu hỏi của mụ làm cho một thằng lái xe ôm tài giỏi lạng lách trên đường cũng trở nên ngọng, chưa biết giải thích với mụ ra làm sao. Không cẩn thận mụ lại bảo tôi cung cấp hồ sơ rởm thì gay go. Tôi liền chống chế:
- Có thể đây là tài liệu Bộ Thông tin và Truyền thông xếp vào diện mật, nên chỉ cho phép thông tin trong diện hẹp, chỉ tới tay lãnh đạo các báo thôi nên báo chí người ta không đăng; cũng có thể những lập luận trong báo cáo chưa ổn nên là cơ quan quản lý báo chí người ta thấy chưa đồng thuận cho các báo đưa tin rộng rãi; hoặc do các ông nhà báo quan liêu không hiểu được những độc giả như mụ vợ tôi đang cần gì...
 Mụ vợ tôi vặn lại: ông Quang kia đòi công bố rộng rãi đến công chúng kia mà. Thế hoá ra  ông chẳng bà chuộc à! Thật chẳng biết đường nào mà lần.Thôi được, kiểm chứng sau chuyện này ? Tôi thở phào và báo cáo cáo tiếp.
 Tôi báo cáo Mục 1 nhớn; Tóm tắt các ý kiến xung quanh việc thực hiện quy hoạch; mụ phẩy tay: Cho qua. Tôi lật sang trang 2 của báo cáo ghi đầu số trang là số 2 mà chẳng thấy mục 2 nhớn đâu mà chỉ thấy muc 3 nhớn. Tôi hoang mang. Hay là mình copy sót, không văn bản trình bày liền mạch. Đúng rồi. Ông Bộ Công thương đánh nhầm số, đáng lý sau 1 nhớn là 2 nhớn nhưng ông phang luôn 3 nhớn và bỏ qua 2 nhớn. Tôi chìa văn bản để mụ vợ kiểm chứng rằng tôi không báo cáo mụ sai văn bản đóng dấu treo của Bộ. Mụ vợ liếc nhanh phán luôn: Các lão lẩm cẩm rồi, đến số thứ tự còn đánh sai thì khoa học cái... gì...? Mụ văng tục nhưng tôi không tiện ghi ra đây. Mục 3 nhớn là Giải trình có 10 mục giải trình con, trong 10 cái giải trình con lại có thêm 6 cái giải trình cỏn con tổng cộng vị chi là 11 trang. Mụ vợ tôi phẩy tay tiếp: Rắc rối quá, thôi cho qua. Mục thứ 4 nhớn theo văn bản và thứ 3 nhớn  theo thứ tự là gì?
 Thưa Quyền Giám đốc, tôi đã bắt đầu lấy lại tự tin: Mục nhớn theo văn bản thì đó là 3:  Giải trình nội dung bản kiến nghị của 150 nhà khoa học, hoạt động văn hoá-xã hội; Mụ vợ tôi tỏ ra sốt sắng quan tâm tới mục này: Trình bày rành mạch xem nào kẻo không bà tốc váy lên bây  giờ. Tôi biết tính con mụ vợ tôi; mụ nói là làm, không đùa với mụ được. Tôi đành đem hết cái thông tuệ của một thằng xe ôm để trình bày rành rọt từng mục cho mụ hiểu.
 Ý kiến 1 nhỏ của mục 4 nhớn đó là giải trình của Bộ về ý kiến của các nhà khoa học cho rằng: Dự án đã ký trước với người nước ngoài chưa thông qua Quốc hội mà đã cho triển khai, lại cho cả người nước ngoài vào làm ồ ạt là sai luật. BCT cho rằng: Nội dung này hoàn toàn sai trái; Cách đưa thông tin trong Bản kiến nghị chính là nhằm dụng ý xấu nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc cũng như phá hoại tình đoàn kết hữu nghị anh em... Lý do sai trái được nêu ra: Theo quy định tại tại Nghị quyết số 66/QH11 thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu . Quy định trên áp dụng đối với chủ dự án đầu tư công trình cụ thể; Quy hoạch ngành không phải là dự án đầu tư cụ thể mà chủ yếu mang tính định hướng, vì vậy không chịu sự điều chỉnh của Nghị quyết 66/QH của Quốc hội. Theo quy định hiện hành, thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Quy hoạch ngành là Thủ tướng Chính phủ.
 Mụ vợ tôi chau mày: cái gì Thủ tướng, cái gì Quốc hội? Tôi liền lấy cái kiến thức xe ôm của mình diễn giải để mụ hiểu: Các ông gửi đơn nói: Việc ký hợp đồng, triển khai thác bauxite Tây Nguyên với nước ngoài mà chưa thông qua Quốc hội là sai luật; BCT nói: Họ mới làm quy hoạch ngành bauxite thôi, họ chưa triển khai dự án, việc này thuộc quyền Thủ tướng, không phải thông qua Quốc hội. Mụ vợ tôi nhăn trán: Thế hàng trăm công nhân Trung Quốc đã vào Lâm Đồng đào bới lung tung ở trong ấy, vậy thì quy hoạch kiểu gì? Quy hoạch tưởng chỉ ngồi với nhau trong phòng tính toán với nhau trên giấy, rồi ký tá, rồi treo đấy, rồi nhận phong bì...Mấy ông Trung Quốc vào hàng ngày ngày đào đào bới bới những cái giếng hàng chục mét đấy là công nhân quy hoạch à ?
 Tôi giở báo cáo chìa cho mụ vợ tôi xem, BCT viết đây này: Cái mà đồng chí thắc mắc là hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều là hai dự án tiền khả thi đã được Thủ tướng thông qua từ năm 2000. Có khi người ta nhầm tiền khả thi với hậu khả thi-Mụ vợ tôi cáu. Tiền khả thi gì mà hàng trăm người nước ngoài vào đào bới lung tung, sắp tới lại còn định đưa thêm 2000 người Trung Quốc sang nữa? À thì ra mụ vợ tôi cũng không phải tay vừa, nắm vững thông tin ra trò. Tôi vội lạng lách: Thôi để tìm hiểu thêm chuyện này xem nó là tiền hay hậu?
 Tôi nhanh chóng thoát ra khỏ cái mớ bùng nhùng của cái mục giải trình đầu tiên để tiếp theo.
 BCT nêu lý do chứng minh dự án không phải trình Quốc hội phê duyệt tôi đọc nguyên văn để mụ vợ nó không vặn vẹo: Đối chiếu với các tiêu chí nêu trên ( quy mô vốn đầu tư, ảnh hưởng môi trường, số người di dân, địa bàn đầu tư và cơ chế-chính sách áp dụng) thì dự án alumin Tân Rai và Nhân Cơ đều thuộc dự án quan trọng quốc gia và không phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Trong thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án quan trọng quốc gia là Nhà máy thuỷ điện Sơn La và Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
 Nghe xong mụ vợ tôi trừng mắt: Họ viết cái gì thế, trên họ bảo là họ chỉ mới làm quy hoạch và tiền khả thi tức làm thử nên không phải trình Quốc hội, dưới họ lại nói đây là dự án nhỏ, không quan trọng không phải thông qua Quốc hội là ý làm sao?
  Tôi vội chìa ra văn bản, đoạn trong Nghị Quyết 66/QH 11 mà người ta trích ra để làm căn cứ chứng minh rằng 2 cái dự án Tân Rai và Nhân Cơ là những dự án mà Quốc hội không cần phải xem xét, 5 tiêu chí đó là: 1. Quy mô đầu tư phải từ 20.000 tỷ đồng trở lên, có vốn nhà nước từ 30 %; 2. Dự án, công trình có ảnh hưởng tới môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng tới môi trường: Nhà máy điện hạt nhân, đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 200 ha...; 3.Phải di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi và 50.000 người ở vùng khác;4. Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về an ninh hoặc có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt về lịch sử-văn hoá; 5. Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt...
 Căn cứ vào 5 tiêu chí trên BCT kết luận:
Dự án alumina Tân Rai và Nhân Cơ do doanh nghiệp Việt Nam là tập đoàn Than và Khoáng sản VN ( TKV) là chủ đầu tư, không liên doanh với nước ngoài. Điều này càng cho thấy ý kiến trong bản kiến nghị là cố tình bóp méo sự thật...
 Mụ vợ tôi lần này thí nổi đoá lên thật sự: Cái nhà mấy ông này sao mà cứ loanh quanh loanh quanh thế nhỉ. Lần này thì đến lượt tôi nổi nóng:
- Có thết mà cũng không hiểu. Tôi đập bàn: Sao ngu thế ! BCT người ta bảo: người ta đang làm quy hoạch bằng tiền của người ta, quyền của người ta; dự án này chẳng ảnh hường gì  đến an ninh quốc phòng nào hết, chẳng ảnh hướng đến môi trường gì hết; người ta chẳng hợp tác với đối tác nước ngoài nào hết; những thông tin ngược lại là tin vịt, là bóp méo sự thật, hiểu chưa...
 Tôi đã có kinh nghiệm mình mà nhún lúc này là có khi hỏng chuyện, mụ không duyệt dự án mấy lâu nay mình chạy vạy thì rầy rà, tuy mụ không đòi lại được tiền đầu tư như suốt ngày mụ cứ cằn nhằn thì cũng khó mà ăn ngon ngủ yên với mụ. Thấy tôi nổi xung, mụ vợ tôi vội xuống thang và dịu giọng: Thôi trình bày nốt phần sau xem nào?
 Mục 2 nhỏ giải trình về sử dụng công nghệ Trung Quốc và người Trung Quốc, BCT cho biết: 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ do TKV làm chủ đầu tư, không liên doanh với nước ngoài. Công ty Chalieco Trung Quốc thực thi vai trò tổng thầu xây lắp, sau khi hoàn thành sẽ bàn giao lại cho Việt Nam tiếp nhận vận hành. Tập đoàn TKV dự kiến sẽ sử dụng 100 % nhân công khai thác là người Việt Nam, ưu tiên người dân tộc và người địa phương, vì vậy ý kiến cho rằng dự án dự kiến du nhập nhân công khai thác của Trung Quốc là hoàn toàn không có cơ sở. Như vậy cả 3 nội dung trong bản kiến nghị ngày 17/4/2009 của các nhà trí thức ( văn bản đánh nhầm là tri thức) gửi các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước là không có cơ sở và không đúng với tình hình thực tế. Hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động...Điều đáng buồn là các nhà khoa học, do thiếu thông tin lại ký vào một bản kiến nghị sai trái như vậy.
 Báo cáo hết, thưa Quyền Giám đốc Trung tâm chè chén quốc gia. Mụ vợ tôi thấy trầm hẳn xuống không nói gì, chốc sau bật lại: Thế thì hoá ra một số báo mấy lâu nay đưa tin về chuyện công nhân Trung Quốc vào đào bới gì đó ở Tây Nguyên là hiểu nhầm; người ta vào để đào giúp quy hoạch chứ không phải là loại lao động phổ thông vào đào bới nhặt quặng bauxit để mang đi bán à? Chuyện chỉ có thế mà có ông nhà thơ nào đó đã vội mắng ông Quang là lính lê dương; chưa chi đã lo mất an ninh quốc gia, rõ rách việc...
 - Chắc ông đó không biết tiếng Pháp mới viết thế. Lính lê dương ngày xưa ( legionnaire) là cái đám lính đánh thuê người châu Phi khi sang Việt Nam nổi tiếng hung dữ và hay hiếp chị em. Tôi giải thích. Thế bà đã quyết được việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyến sở hữu Trung tâm chè chén quốc gia được chưa?
 - Chưa còn tìm hiểu thêm cái đã, chưa quyết được.
 - Hay là bà cử tôi vào Tây Nguyên xem thực hư thế nào, thu thập thêm thông tin để bà quyết cho nó chắc ăn.
 - Thôi, đi kiếm khách đi. Ai mà tin được mấy ông, lúc thì nói thế này, lúc lại nói thế kia, chạy theo các ông có mà ăn cám...Giải thích như các ông khác gì bảo người ta đi bắt dê nhưng lại bịt mắt người ta lại...
 Tôi thở phào, dắt xe đi kiếm khách. Tôi biết sau cái câu mà mụ vợ tôi thở ra khá là chua chát kia là do bởi khoản tiền mụ đã bỏ ra đầu tư cho một dự án mà không mang lại tích sự gì. Mụ tham cho mụ chết!
 Chuyện tôi được ăn theo dự án bauxite Tây Nguyên là có thật. Thấy vui vui thì chép ra gửi Trannhuong.com khoe về cái dự án mà mình vừa hoàn thành và được nghiệm thu. Nói thật cũng kiếm được kha khá, đủ tiền ngoài bia bọt, em út còn để giành được một ít để hôm nào cùng ông chủ Trannhuong.com làm một bữa nhậu chơi...
H.X.Ô