Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÔNG VẪN MỈM CƯỜI...

Bùi Thị Thanh Hoa
Thứ tư ngày 29 tháng 4 năm 2009 9:23 PM

TPO - Cháu vẫn ngỡ như hôm qua, ông còn nằm đọc sách ngoài sân, dưới bóng ổi sum suê. Nhớ dáng ông chống gậy tập đi. Nhớ những lúc ông gọi cháu ra xem bầy chim ríu rít.

Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Ảnh : Tư liệu gia đình
Trường em mái ngói đỏ hồng/ Mọc lên tươi thắm giữa đồng lúa xanh/ Gió về vờn lúa reo quanh/ Đón chào những bước chân nhanh tới trường...

Bài học từ lớp một nhưng cháu mãi không quên, bởi rất yêu ngôi trường như trong bài thơ ấy của ông. Lên lớp bốn, đọc bài thơ Qua Thậm Thình của ông, cháu được về với xa xưa:

Đi qua xóm núi Thậm Thình/ Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm/ Vua Hùng một sáng đi săn/ Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này/ Dân dâng một quả xôi đầy/ Bánh chưng mấy cặp, bánh dầy mấy đôi…

Nhưng những gì cháu biết về ông chỉ là qua sách, ảnh và lời bố kể. Từ nhỏ đã học xa quê, rồi làm việc ngoài Bắc, nhưng trong ông vẫn đậm chất Nghệ:

Đã thẳng thẳng như ruột ngựa/ Đã nói là nói oang oang/ Ông trời nói sai cũng cãi/ Như rứa là dân Nghệ An 

Với quê hương:

Gió Lào thổi rạc bờ tre/ Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn/ Chắt từ sỏi đá đất cằn/ Nên yêu thương mới sâu đằm đó em

Và:   

Vẫn tím trong tôi đồi sim cằn rú Mít/ Nhớ cái chuôm sâu ở đồng Hói, đồng Chùa/ Nay quê mình đã xanh trùm bóng mát/ Bao ân tình mình xin gửi  vào thơ...

Những ngày đầu xa bố mẹ, con bé sinh viên năm thứ nhất đã luôn có ông bà ở bên. Cháu ngưỡng mộ tình yêu của ông bà, qua hơn nửa thế kỷ vẫn còn như ngày ấy -  Cô nữ sinh trường Trưng Vương cũ rất mê những giờ giảng văn bốc lửa và dậy sóng; cô gái xinh, hiền và giỏi văn này sớm lọt mắt xanh thầy giáo trẻ.

Ông và bà đều may mắn có người kia là nửa của mình, nhưng hình như ông may mắn hơn. Thơ ông viết về bà - nhà giáo Đỗ Thị Từ :

Em hoá thân vào anh/ Hoá thân vào con/ Mười ngón tay thôi không búp măng/ Không ai nhận từ em, cô nữ sinh Trưng Vương cũ/ Quanh tháng, quanh ngày em vất vả/ Vì cái áo của chồng, cơn sốt của con/ Vì bài văn học trò lắm lỗi/ Em còn gì cho em…

Cháu thấy mình lớn thêm, nhờ những vần thơ như thế.

Bốn năm trước... Ông còn khoẻ nhưng căn bệnh ung thư bất ngờ ập đến. Ông hôn mê khi nhập viện. Nhưng rồi, như có phép màu, ông dần khoẻ lại, nhờ sự chăm sóc của thầy thuốc, người thân, và đặc biệt nhờ bà luôn bên ông.

Ngày cháu ra Hà Nội học thì ông đã được về nhà (Đường Tô Ngọc Vân, Quận Tây Hồ). Nhưng ông chưa thể đi lại, thậm chí còn bị liệt hai chân. Mỗi hôm học về hay có thời gian rỗi, cháu lại ngồi bóp chân cho ông...

Ông thường kể cháu nghe về các nhà thơ, nhà văn cùng thời. Ông làm Tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ XX  thật công phu. Riêng việc đưa tác giả nào vào, ai không, ai mấy bài …, ông đã nhiều đêm mất ngủ. Ông bảo, khi đó ông đứng giữa hai làn đạn. Thơ người ta hay, không tuyển ăn đạn đã đành. Thơ không đáng tuyển, hoặc đáng ít tuyển nhiều, ăn đạn là chắc - Đạn từ phía làng văn, đạn từ công chúng yêu văn học.

Ban tuyển gồm ba người; nhà thơ Vũ Quần Phương “quản” phần Trước Cách mạng, xong đi Mỹ thăm con; nhà thơ Quang Huy chưa xong nửa phần được giao đã bị tai biến...; còn mình ông loay hoay. Mấy tháng bày ngổn ngang khắp nhà, chọn chọn, bỏ bỏ, phô tô hàng gánh, bỏ đi hàng xe giấy lộn.

Bà cũng kể: Đã thấy ông buộc chặt tập bản thảo, tuyên bố khoá sổ; thế mà 2 giờ sáng thức dậy lại thấy ông bày la liệt ra mặt bàn rộng bằng cả gian nhà, nhăn trán nhấc lên đặt xuống.

Ông kể về những buổi bình thơ, nhiều khi say sưa quên cả tiếng ì ầm xa xa của tàu bay Mỹ. Ông chọn tác phẩm chứ không như nhiều người chỉ chăm chăm tìm tác giả để bình. Hay - ông khen, dở - ông chê, bất kể tác giả là ai.

Hàng trăm buổi, nhiều buổi hàng nghìn người nghe; đông đảo vỗ tay tán đồng; nhưng ông thì thường bị nhắc nhở “lập trường bấp bênh”...

Ông bà dạt lên Vĩnh Phúc dạy học, ở cùng những người dân quanh năm chỉ có dưa rau làm thức ăn. Thấy ao nhà chủ  không nuôi gì, ông kiếm mấy đôi rô phi thả xuống. Bẵng đi lâu lâu, một hôm ra ao thấy nhiều tăm sủi, mới biết cá đã đông mấy đàn. Thầy cô cùng gia chủ từ đó thi thoảng có bữa ăn tươi... Và ông vẫn viết văn, làm thơ; lại được giao thường trực lập Hội văn học Vĩnh Phú (khi đó tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ nhập một).

Mấy chục năm sau khi ông chuyển về Hà Nội (làm biên tập viên Đài Tiếng nói VN đến ngày nghỉ hưu), cháu còn nghe nhiều nhà giáo lão thành khen ông chỉ mấy năm dạy trường làng mà luyện được mấy chục học sinh thi Tỉnh và Quốc gia đoạt giải cao.

Cháu đọc hoài không hết “thư viện văn học” nơi phòng ông. Trong số hàng trăm cuốn sách tác giả ký tặng ông, có sách của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh..., cháu đọc đi đọc lại vẫn thấy hay và mới; nghe ông bình càng thấy mới và hay.                     

Nằm bệnh nhưng ông vẫn thường lo cho cháu, hỏi cháu học có mệt không, ăn uống có đảm bảo sức khoẻ không, nhắc cháu học và nghỉ ngơi hợp lý. Có những lúc, ngồi bên ông, thấy ông đăm đắm nhìn tán khế rung rinh có bầy chim lích rích, cháu càng thương ông.

Bảy mấy năm xông pha, bây giờ ông lại phải  lần giường tập đi. Không thể tự đi lại, ông càng đọc sách nhiều và không thôi làm thơ. Thơ viết trên giường bệnh vẫn lạc quan, yêu đời, không chút gì bi luỵ. Và ông rất mê bóng đá, gần như không trận nào có đội tuyển Việt Nam mà ông bỏ sót; lại hay gọi mọi người cùng xem, và nhiều khi vừa xem tivi vừa điện cho ông bạn nào đó, cùng bình luận sôi nổi.            

Nỗ lực ngày tiếp ngày, ông dần chống gậy đi trong nhà được. Thi thoảng, bữa trưa, nghe ông khen những món tép dầu kho, canh rau dền cơm, cua đồng rang muối..., cháu muốn đi kiếm về mời ông, nhưng quanh đây đã hết rồi bờ xôi ruộng mật. 

Những hôm nắng đẹp, hai bà cháu lại đỡ ông ra sân. Ông nằm ghế mây đọc sách cho bà cháu nghe, rồi ngắm hoa, nghe chim hót. 

Mỗi khi trở trời, những cơn đau lại trỗi lên, hành ông. Mỗi sáng cháu qua phòng ông, hỏi đêm qua có ngủ được không ạ, lại thấy mắt ông sâu hơn. Bà cũng thức trắng đêm. Những đợt ông đau quá, lại phải vào bệnh viện, bà vẫn luôn bên ông.

Sau một thời gian kiên trì, ông lại tự đi được. Bạo bệnh tạm chùn bước, nhưng ai cũng thầm hiểu, một ngày không xa…

Ít hôm sau đó, lại thấy ông ngoài sân nắng gió, bên những trang sách. Ông bà tươi cười bên con cháu, ngày kỷ niệm đám cưới bạch kim và ngày sinh thứ 74 của ông. Sau đó ông kiệt sức rất nhanh. Đau nhức tận xương tuỷ, khi nhập viện tiếp, ông không tự đứng được và không còn minh mẫn như hôm nào...

Lần cuối, ông nhập viện khi bất tỉnh. Phòng cấp cứu đầy dây rợ, ống thở; tiếp nước, đạm, giữa tiếng chạy đều đều khô khan của thiết bị y tế. Ông không nói, không nghe được nữa. Đôi lúc cháu thấy nước mắt ông lăn dài...

Những con đường cháu đi, qua các bệnh viện Xanh Pôn, Việt Xô, Thanh Nhàn, rồi Việt Xô lần cuối, có nỗi buồn níu lại. Vẫn thấy ông trên giường bệnh; hết cơn đau ông lại mỉm cười và viết thơ, bình thơ...     

Bùi Thị Thanh Hoa