Trang chủ » Tin văn và...

LÀN SÓNG MỚI - DI CƯ VÀ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CỦA TRUNG QUỐC

Hoàng Miên
Thứ ba ngày 28 tháng 4 năm 2009 3:01 PM
 
TTCT - Đầu những năm 1990, một số nông dân làng Bảo Định (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) sau khi hoàn thành xây dựng công trình thủy lợi do Trung Quốc viện trợ tại Zambia đã ở lại lập nghiệp, lập nên “làng Bảo Định”. Dọc sông Mekong trên biên giới Lào - Thái Lan đang hình thành một số khu định cư của người Trung Quốc... Đó là những hiện tượng của một làn sóng mới - cuộc di cư và xuất khẩu lao động của Trung Quốc ra thế giới.
 
Di cư và xuất khẩu lao động của Trung Quốc trước hết nhằm vào các khu vực biên duyên, mà Đông Nam Á lục địa là một trọng tâm.
Myanmar và các nước Đông Nam Á lục địa
Liên bang Myanmar là láng giềng phía tây nam của Trung Quốc, có chung 2.000km biên giới. Myanmar có nhiều tài nguyên khoáng sản quý hiếm, trữ lượng khí đốt tự nhiên có thể đứng thứ 10 thế giới. Myanmar có hơn 52% diện tích rừng, với nhiều loại gỗ quý và nổi tiếng về các loại đá quý, ngọc trai tự nhiên... Nhưng điều quý hiếm hơn nữa đó là vị trí địa - chiến lược của Myanmar tiếp giáp Nam Á và Ấn Độ Dương. Các học giả Trung Quốc gần đây phàn nàn Trung Quốc có biển nhưng không có đại dương. Myanmar chính là con đường lý tưởng để Trung Quốc tiến ra Ấn Độ Dương. Từ khi Mỹ và phương Tây áp đặt, bao vây cấm vận Myanmar năm 1992, quan hệ giữa Myanmar với Trung Quốc phát triển trên mọi phương diện.
Mới đây Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thông báo kế hoạch chi 10 tỉ USD cho quỹ đầu tư vào hạ tầng cơ sở tại các nước ASEAN, cùng 15 tỉ USD cho vay tín dụng, một phần dành cho các dự án hợp tác. Có nhà phân tích khu vực cho rằng Trung Quốc muốn thành lập một cơ cấu khác với một số quỹ của Ngân hàng Phát triển châu Á do Nhật Bản tài trợ, nhằm thiết lập ảnh hưởng lớn hơn tại Đông Nam Á. Và hàng chục vạn công nhân Trung Quốc sẽ sang các nước để thực hiện các dự án do Trung Quốc bỏ vốn đầu tư, một phần không nhỏ trong số họ sẽ định cư tại các vùng đất mà họ có cơ hội đặt chân đến.
 
Nhằm phục vụ đại chiến lược phát triển kinh tế khu vực tây nam, Trung Quốc đầu tư xây dựng nhiều ngành kinh tế mũi nhọn hoặc hạ tầng cơ sở của Myanmar, như đường ống dẫn khí đốt từ cảng biển Sittway đến Nam Ninh dài gần 1.800km trị giá hàng tỉ USD; một số đường bộ và đường sắt từ các tỉnh phía nam Trung Quốc nối với một số bang miền trung Myanmar; một số dự án khai thác mỏ, quặng của Myanmar...
Trung Quốc đưa hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư, công nhân xây dựng sang thực hiện các dự án. Nếu ai có dịp đến thủ đô mới Nay Pyi Taw có thể thấy quang cảnh nhộn nhịp với hàng trăm kỹ sư, công nhân Trung Quốc đang xây dựng trung tâm hội nghị quốc tế lớn nhất ở thủ đô do Trung Quốc viện trợ không hoàn lại. Ở một số vùng biên giới của Myanmar, dân Trung Quốc sang định cư. Tại đây nói tiếng Trung, tiêu tiền nhân dân tệ và mua bán hàng hóa Trung Quốc.
Ở Yangon, trong 10 năm qua số người Trung Quốc sang Myanmar làm ăn, sinh sống dưới nhiều hình thức hơn 1 triệu người, nâng tổng số người Hoa ở nước này lên xấp xỉ 3 triệu, trong đó ở hai thành phố lớn nhất, Yangon và Mandalay, mỗi nơi khoảng 800.000 người. Dạo qua các phố phường ở Yangon, Mandalay hay bất cứ thành phố nào của xứ sở Phật giáo này, ta thấy ngay hàng hóa rẻ tiền của Trung Quốc tràn ngập các siêu thị, cửa hàng, hè phố, cùng các quán ăn người Hoa từ bình dân đến đặc sản. Các doanh nhân gốc Hoa ở Myanmar tập hợp theo hiệp hội, không giấu giếm niềm kiêu hãnh khi nói về sự giàu có và thế lực của họ.
Qua hai thập kỷ phát triển của Thái Lan, người Hoa phất lên, trở thành tầng lớp thượng lưu giàu có, thế lực của xã hội Thái Lan. Còn ở một số tỉnh đông bắc Thái Lan, những năm gần đây có khoảng 2 triệu người Trung Quốc sang định cư.
Tại Lào, Trung Quốc viện trợ xây dựng Trung tâm thương mại Đầm Thạt Luổng, đưa kỹ sư và công nhân Trung Quốc sang thi công. Đến năm 2010, số người Trung Quốc có mặt tại Vientiane sẽ lên tới 500.000 và đến 2015 có thể lên tới 1,5 triệu người. Một số khu dân cư của người Trung Quốc xuất hiện dọc sông Mekong thuộc biên giới Lào - Thái.
Với đất nước Chùa Tháp, theo báo Brunei Times, ngày 18-4-2009, sau một thời gian dài kìm nén, Trung Quốc đang thâm nhập Campuchia, là nhà đầu tư lớn nhất, nước tài trợ nhiều nhất (5,7 tỉ USD) và cũng là một bên được nhượng nhiều đất nhất ở Campuchia.
Cũng như tại lục địa Đông Nam Á, miền Viễn Đông Nga là nơi lý tưởng cho những người Trung Quốc tìm nơi sinh cơ lập nghiệp mới. Chính phủ Nga đã ban hành nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát và hạn chế người nhập cư, nhưng tại Viễn Đông đến nay có khoảng 3-5 triệu người Trung Quốc sang định cư.
Điều này từng diễn ra tại “lục địa đen” từ gần hai thập kỷ qua, nhưng đang được đẩy mạnh như một quốc sách.
Mô hình “làng Bảo Định” châu Phi
Hơn một thập kỷ qua, các công trình do Trung Quốc viện trợ cho châu Phi xây dựng đập nước thủy lợi, cầu cống đều do công nhân trong nước sang trực tiếp thi công. Báo Thanh Niên Tham Khảo (TQ) mới đây cho hay sau khi xây dựng xong, một số người ở lại lập nghiệp. 100 nông dân “làng Bảo Định” sang Zambia xây đập nước, sau hơn hai năm kết thúc công việc đã ở lại trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, mặc dù hộ chiếu của họ đã hết hạn.
Khi cuộc sống ổn định, họ đưa người thân sang. Người phụ trách Cục Ngoại thương Hà Bắc, sau cuộc khảo sát năm 1998, đã giúp họ làm hộ chiếu, hợp pháp hóa việc định cư và giúp đưa người nhà của họ đến châu Phi. Và một làng Trung Quốc được thành lập mang tên “làng Bảo Định”.
Một dự án đưa nông dân Trung Quốc sang trồng lúa từng được đàm phán với Philippines. Phía Trung Quốc đã thỏa thuận thuê 1 triệu ha đất canh tác của nước này để trồng lúa. Nhưng năm ngoái dự án này đã phải đình hoãn do gặp phản đối của quốc hội và nhà thờ nước này.
 
Sau này, khi xây dựng các công trình viện trợ cho châu Phi, Chính phủ Trung Quốc đã làm theo mô hình “làng Bảo Định”, đặt vấn đề cho phép công nhân Trung Quốc có thể ở lại định cư. Do đó, nông dân Trung Quốc không ngừng đến châu Phi sinh sống và hình thành nhiều làng Trung Quốc.
Đến năm 2006, có hơn 70.000 nông dân đến châu Phi làm nghề trồng trọt, thành lập 28 “làng Bảo Định”, mỗi làng có 400-2.000 người. Ở 17 nước châu Phi, từ Sudan đến Zambia, từ Nigeria đến Kenya đều có các “làng Bảo Định” với quy mô khác nhau. Số lượng dự tính sẽ tăng lên hàng triệu người.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, nước này đã đầu tư 800 dự án viện trợ cho châu Phi, trong đó có 137 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 133 dự án cơ sở hạ tầng. Bù lại, chính quyền trung ương những nước châu Phi nhận viện trợ Trung Quốc tạo thuận lợi cho người Trung Quốc sang làm việc, đầu tư và ở lại định cư.
Một hướng mới là đưa nông dân sang châu Phi trồng lúa. Ông Triệu Chí Mẫn, đại biểu quốc hội tỉnh Hà Bắc, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc đầu tháng 3 năm nay cho biết theo khảo sát của ông, Ethiopia có 78 triệu dân, khoảng 10 triệu ha đất canh tác, trong đó khoảng 2,6 triệu ha đất có thể trồng lúa, nhưng hiện thiếu lương thực khoảng 3 triệu tấn/năm.
Ông Triệu đề xuất Chính phủ Trung Quốc đưa 1 triệu nông dân Trung Quốc tới đó làm ruộng, nếu mỗi người Trung Quốc làm được khoảng 1,2ha đất thì có thể canh tác khoảng 1,3 triệu ha trồng lúa nước ở đó, vừa tạo việc làm vừa giảm 1 triệu nhân khẩu tiêu thụ lương thực trong nước. Ông Triệu kiến nghị chính phủ gấp rút đàm phán với Ethiopia, đồng thời tiến hành ngay việc bồi dưỡng, huấn luyện kỹ thuật và giáo dục phong tục, tập quán, ngôn ngữ bản địa cho những nông dân muốn tới đó làm ăn.
Mạng tin Asia Times ngày 16-4 nhận xét Bắc Kinh có mặt tại châu Phi nhằm phát huy quyền lực mềm và vì một thị trường mới. Mặt khác còn nhằm nuôi dưỡng một cộng đồng mới tại “lục địa đen” - miền đất hứa đối với những nông dân Trung Quốc, nơi đất đai ở quê hương họ không sinh ra mà dân số ngày một đông đúc.
 
HOÀNG MIÊN (Yangon - Hà Nội)
Nguồn: tuỏite online