Trang chủ » Tin văn và...

DỰ ÁN BAUXITE TÂY NGUYÊN DƯỚI GÓC NHÌN NGHIÊN CỨU XUNG ĐỘT

Lê Hồng Hiệp
Thứ hai ngày 27 tháng 4 năm 2009 5:35 PM

 
(TuanVietNam) - Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá. Đây có thể coi là một quyết định đúng đắn, kịp thời và hợp lòng dân của các nhà lãnh đạo đất nước. 
Tây Nguyên: địa bàn trọng yếu về an ninh quốc gia
Thời gian qua Đại dự án bô-xít Tây Nguyên đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, với sự đóng góp ý kiến nhiều chiều của các chuyên gia kỹ thuật, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, cũng như đông đảo người dân quan tâm tới dự án này và các tác động của nó.

 
Liên quan đến dự án, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận nêu rõ phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, chế biến alumin, nhôm là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta nhưng cần có bước đi thích hợp, từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhằm bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước.
Kết luận cũng nhấn mạnh Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá. Đây có thể coi là một quyết định đúng đắn, kịp thời và hợp lòng dân của các nhà lãnh đạo đất nước, đặc biệt khi nhấn mạnh các tác động của việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên đối với môi trường của khu vực, và nhất là an ninh, quốc phòng của đất nước.
Tây Nguyên là khu vực xương sống, có vai trò trọng yếu đối với an ninh, quốc phòng của nước ta. Chính vì vậy, các lực lượng phản động thù địch đã nhiều lần tìm cách kích động các phong trào chống đối Đảng và Nhà nước ta ở Tây Nguyên, điển hình như các hoạt động của Quỹ người Thượng do Ksor Kơk cầm đầu, hòng gây nên tình trạng bất ổn chính trị - xã hội ở đây, phá hoại đại đoàn kết dân tộc và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Ngọn lửa bất ổn nguy hiểm này đã được Nhà nước ta kịp thời khống chế và dập tắt, trong đó một phần quan trọng là nhờ những chính sách hợp lòng người dân địa phương nhằm phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn môi trường, bảo vệ bản sắc của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Dự án bô-xít cũng là một trong các dự án được chủ đầu tư và các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, qua đó góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng ở khu vực Tây Nguyên.
Thế nhưng, nếu không có những tính toán kỹ lưỡng và cân nhắc toàn diện thì dự án này có thể mang lại những tác động hoàn toàn trái ngược, đặc biệt là trên khía cạnh an ninh - quốc phòng.
Mối liên hệ giữa khai thác tài nguyên và xung đột
BÀI LIÊN QUAN:
 
 Dự án bô-xít Tây Nguyên dưới góc nhìn nghiên cứu xung đột
 
 TKV: Làm bô-xít hiệu quả hay không, chờ thực tế mới biết
 
 Hiệu ứng của phản biện về bô-xít Tây Nguyên
 
 Logic đằng sau việc nhập khẩu bô-xít ồ ạt của Trung Quốc
 
Đã có rất nhiều nghiên cứu về các cuộc xung đột sắc tộc và ly khai ở các quốc gia và các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có một mối liên hệ nhất định giữa việc khai thác tài nguyên thiên nhiên với nguồn gốc của các cuộc xung đột này.
Có hai hiện tượng chủ yếu được sử dụng để lý giải cho mối liên hệ này, đó là lòng tham (greed - hay việc theo đuổi lợi ích vật chất) và các mối bất bình (grievances - hay sự bất bình của người dân bản địa đối với các hậu quả của việc khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc khu vực họ sinh sống).
Thuyết lòng tham do hai nhà nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới là Paul Collier và Anke Hoeffler khởi xướng, trong đó hai nhà nghiên cứu này cho rằng việc theo đuổi các lợi ích kinh tế là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các cuộc xung đột bên trong các quốc gia.
Ban đầu, Collier và Hoeffler cho rằng các nhóm phiến loạn muốn khuấy động các cuộc xung đột vũ trang nhằm tư lợi, bằng cách lợi dụng tình trạng hỗn loạn để cướp bóc tài nguyên, làm giàu cho bản thân.[1] Sau đó, Collier và Hoeffler bổ sung thuyết lòng tham của mình theo hướng các nguồn tài nguyên thiên nhiên góp phần mang lại tính khả thi cao hơn cho các cuộc xung đột và phong trào ly khai, vì việc cướp bóc tài nguyên mang lại nguồn thu tài chính cho các nhóm phiến loạn, giúp họ duy trì cuộc xung đột.[2]
Thuyết lòng tham đặc biệt phù hợp với các cuộc xung đột vũ trang ở Châu Phi, như ở Côngô, Liberia, Sierra Leon…, nơi các nhóm phiến loạn có thể dùng vũ lực để khống chế các mỏ kim cương và vàng nhằm duy trì nguồn thu phục vụ việc theo đuổi các cuộc xung đột của mình.

 
Thuyết nỗi bất bình trong khi đó tập trung vào sự bất bình và thất vọng của người dân nơi có tài nguyên được khai thác như là một nguyên nhân làm cho các cuộc xung đột bùng phát và kéo dài.
Ví dụ như Ted Gurr cho rằng sự khác biệt giữa mong muốn được thừa hưởng những thành quả của việc khai thác tài nguyên và những gì đạt được trên thực tế là nguyên nhân dẫn tới sự thất vọng của người dân bản địa, khiến họ có cảm giác như bị cướp bóc, từ đó dẫn tới nỗi bất bình của người dân và cuối cùng họ có thể chọn con đường bạo lực chính trị nhằm giải tỏa nỗi bất bình của mình.[3]
Đặc biệt, sự bất bình của người dân bản địa đối với việc khai thác tài nguyên sẽ càng nguy hiểm nếu kết hợp với các mối bất bình khác liên quan đến sắc tộc, tôn giáo hay bất bình đẳng.
Hai ví dụ điển hình mà trong đó các mối bất bình có vai trò quan trọng đối với việc bùng phát xung đột là việc khai thác dầu khí ở Aceh (Indonesia) và khai thác đồng ở Bougainville (Papua New Guinea). Ở cả hai trường hợp này, một phần mối bất bình của người dân Aceh và Bougainville xuất phát từ việc họ không được thừa hưởng xứng đáng nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác ngay trên quê hương mình do Chính phủ trung ương Indonesia và Papua New Guinea giữ phần lớn doanh thu từ việc khai thác tài nguyên và chỉ trao lại cho địa phương một phần nhỏ trong nguồn doanh thu khổng lồ đó.
Ngoài ra, mối bất bình của người dân Aceh và Bougainville còn xuất phát từ các vấn đề khác liên quan đến khai thác tài nguyên.
Ở Bougainville, người dân bản địa bức xúc trước việc chính quyền tịch thu đất phục vụ khai thác mỏ đồng Panguna và sự ô nhiễm môi trường trầm trọng do khai thác đồng gây nên. Ngoài ra, họ cũng bất bình trước việc làn sóng người dân nhập cư đổ vào Bougainville phục vụ khai thác đồng làm phá vỡ lối sống truyền thống của người dân bản địa.[4]
Trong khi đó, ở Aceh, người dân cũng hết sức bất bình trước làn sóng hơn 50.000 dân nhập cư đổ vào tỉnh này phục vụ khai thác dầu khí làm người dân bản địa mất công ăn việc làm, đồng thời làm xáo trộn cuộc sống của họ, nhất là khi những người nhập cư mang theo lối sống không phù hợp với truyền thống đạo Hồi thuần khiết của người dân Aceh.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy những nỗi bất bình của người dân Aceh đối với việc tịch thu đất đai và ô nhiễm môi trường do khai thác dầu khí cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự trỗi dậy của Phong trào tự do đòi độc lập cho Aceh.[5]
Tài nguyên, xung đột, và trường hợp của Tây Nguyên
Qua những ví dụ trên chúng ta có thể thấy các lý thuyết lý giải nguồn gốc xung đột trên thế giới có một vài điểm phù hợp nhất định đối với cuộc tranh luận xung quanh dự án bô-xít Tây Nguyên, đặc biệt là về tác động của dự án này đối với vấn đề an ninh - quốc phòng.
Chúng ta có thể thấy rằng trong khi thuyết lòng tham không mấy phù hợp đối với trường hợp dự án bô-xít Tây Nguyên thì thuyết nỗi bất bình hoàn toàn có thể được coi là một cảnh báo xác đáng đối với các nhà hoạch định chính sách khi xem xét triển khai dự án này.
Như trường hợp các cuộc xung đột ở Aceh và Bougainville cho thấy việc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở các địa phương đặc biệt nhạy cảm như Tây Nguyên cần phải được xem xét một cách cẩn thận và toàn diện nếu không muốn gây nên những tác động tiêu cực đối với tình hình chính trị - xã hội, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng làm phương hại an ninh - quốc phòng của đất nước.
Theo đó, dự án bô - xít Tây Nguyên, nếu được triển khai trên thực tế, thì ngoài vấn đề hiệu quả đầu tư, các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm đầy đủ tới ít nhất các vấn đề sau:
Thứ nhất, các tác động đối với môi trường của dự án cần được nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm tránh những hậu quả tiêu cực đối với môi trường và cuộc sống người dân bản địa cũng như các vùng lân cận.
Thứ hai, cần có biện pháp đền bù đất đai, tái định cư, ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc bị di dời nhường đất phục vụ triển khai các dự án.

 
Công nhân Trung Quốc trên công trường bô-xít Tân Rai.
 
Thứ ba, việc phân phối nguồn lợi thu được từ việc khai thác tài nguyên giữa nhà nước và địa phương cần có sự hợp lý, đảm bảo người dân Tây Nguyên được thụ hưởng thỏa đáng một phần lợi ích từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trên chính quê hương mình.
Thứ tư, cần kiểm soát chặt chẽ luồng lao động nhập cư vào Tây Nguyên phục vụ phát triển các dự án, hạn chế các tác động tiêu cực của làn sóng lao động nhập cư đối với lối sống, bản sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Theo đó, nếu có thể thì phương án tối ưu là đào tạo, sử dụng người dân bản địa phục vụ cho dự án, vừa hạn chế làn sóng nhập cư, vừa làm giảm những tác động tiêu cực không đáng có của dự án đối với bản sắc, lối sống truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Tây Nguyên, như đã phân tích ở trên, có vai trò trọng yếu đối với an ninh quốc gia nước ta, nhưng đồng thời là một địa bàn đặc biệt nhạy cảm, nơi các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo và nhân quyền nhằm kích động các phong trào chống đối Đảng và Nhà nước, phá hoại an ninh quốc phòng, đại đoàn kết dân tộc và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chính vì thế, việc đảm bảo triển khai dự án khai thác bô-xít không tạo ra các mối bất bình cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và mang lại cho các thế lực thù địch thêm một lý do để lợi dụng nhằm tiếp tục gây nên tình trạng bất ổn ở đây là một vấn đề vô cùng quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách cần đặc biệt lưu tâm.
 
Lê Hồng Hiệp
Thạc sỹ Quan hệ quốc tế và Ngoại giao - Đại học Quốc gia TP.HCM

--------------------------------------------------------------------------------
[1] Collier, Paul. (2000). Doing Well out of 

Nguồn: tuanvietnam VNN