Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

AI CHỮA BỆNH CỨU BÁC HỒ ? BẰNG LOẠI BIỆT DƯỢC GÌ ?

Đắc Trung
Thứ năm ngày 23 tháng 4 năm 2009 6:15 PM
  Từ tháng 5 đến cuối tháng 8 năm 1945,sau khi từ căn cứ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) Bác Hồ sống và làm việc tại lán Nà Lừa,trên sườn núi,giữa khu rừng nứa,thuộc xã Kim Long,huyện Sơn Dương. Lán chỉ cao chừng hơn 2 mét,làm theo kiểu nhà sàn của người Tầy, cột là mấy cây gỗ thô,mái lợp lá gồi,sàn và vách bằng nứa. Lán có hai ngăn. Ngăn ngoài Bác dùng làm việc và tiếp khách,gian trong để nghỉ. Nhân dân trong vùng không ai biết đó là Bác Hồ. Họ gọi Bác là ông Ké cách mạng. Bác luôn bình dị trong bộ đồ chàm của người Nùng, đầu đội mũ nồi đen vai vắt khăn mặt nâu,chân đi đôi giầy vải cũng màu chàm. Nếu coi Tân Trào là “Thủ đô xanh” của Cách mạng,thì lán Nà Lừa là Phủ Chủ tịch bằng tranh nứa. Bởi mọi chủ trương,đường lối,chỉ thị,phương châm chiến lược,sách lược ... đều được khởi thảo và phát ra từ gian lán lịch sử này.
      Cũng tại đây Bác Hồ đã phải trải qua những năm tháng vô cùng thiếu thốn,gian khổ.  Bữa ăn của Bác chỉ có vài lưng cơm với măng chua chấm muối vừng,chan nước chè rừng. Do ăn uống kham khổ lại phải làm việc nhiều cộng với thời tiết khắc nghiệt của rừng già nhiệt đới và hậu quả những năm tháng tù đầy trong lao ngục của đế quốc khiến Bác nhiễm phải căn bệnh sốt rét có lúc tưởng chừng không thể qua khỏi. Trừ những lúc quá mệt nhọc và nguy kịch nhất,tỉnh dậy Bác vẫn sáng suốt và minh mẫn. Bác ân cần dặn dò từ việc nhỏ tới việc lớn. Lúc nào Người cũng lo lắng việc nước. Lần ấy Bác sốt ly bì mấy ngày liền. Thuốc hết chỉ còn mấy viên ký-ninh.  Bác uống nhưng không đỡ. Bấy giờ các đồng chí Trung ương đã toả đi khắp mọi miền đất nước để chỉ đạo phong trào cách mạng,chỉ còn đồng chí Võ Nguyên Giáp ở lại Tân Trào. Một hôm đồng chí Võ Nguyên Giáp từ dưới làng lên lán thăm Bác và báo cáo công việc với Bác. Thấy Bác đang lên cơn sốt,miệng nói mê sảng,đồng chí Võ Nguyên Giáp thương Bác quá,nói:” Thưa Bác đêm nay Bác cho tôi được ở lại đây với Bác”. Bác chỉ mở mắt khẽ gật đầu. Và,đêm đó đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nghỉ lại với Bác. Bác mệt lắm,lúc tỉnh,lúc mê. Khi tỉnh Bác lại nói về công việc và chỉ nói về công việc thôi. Những cơn sốt cứ liên miên như vậy. Hình như Bác cảm thấy không thể qua khỏi và có lúc tưởng chừng lời dặn dò của bác với đồng chí Võ Nguyên Giáp là những lời trăng trối.  Bác vẫy đồng chí Võ Nguyên  Giáp lại gần nói: “ Thời cơ thuận lợi đã tới,cho dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập”. Rồi Bác thiếp đi.
      Nghe tin Bác ốm bà con địa phương rất lo lắng và tìm tới một ông lang giỏi. Ông thày đã được đón về xem mạch  cho Bác và ông nói rằng: “ Bệnh của cụ chín phần xấu chỉ có một phần tốt thôi. Tôi biết tận đỉnh Núi Hồng phía xa kia có một thứ củ chữa được bệnh này. Nhưng e rằng lấy được củ đó về thì đã quá muộn”. Rồi ông đã trèo lên tận đỉnh Núi Hồng tìm được củ thuốc quý đem về đốt cháy hoà vào cháo loãng đưa lên Bác uống.
      Nhờ thứ biệt dược ấy mà Bác cắt cơn sốt và ăn được cháo. Bác gượng dậy tiếp tục làm việc. Sức khoẻ của Bác hồi phục dần và con thuyền Cách mạng Việt Nam trước bão táp dữ dội vẫn băng băng lướt tới nhờ ở sự  chỉ đạo thiên tài của Bác.
      Những sự kiện trên đã được ghi vào sử sách mọi người đều biết. Nhưng ông lang giỏi đã chữa bệnh cứu Bác là ai ? Và lọai biệt dược lấy được từ đỉnh Núi Hồng đó là gì ? Cho đến nay vẫn còn là những dấu hỏi (?) . Phải chăng những câu hỏi đó đang chờ các nhà sử học,các nhà y học,các nhà dược học trả lời.  Bởi lẽ nào tên tuổi của nhà đại danh y đã có công cứu sống Bác giữa lúc Cách mạng đang đứng trước những thử thách khắc nghiệt như thế lại không được lịch sử Cách mạng,lịch sử y học ghi nhận ? Và thứ biệt dược kia lẽ nào không được nghiên cứu,không được đứng trong “Từ điển dược học”  ?