Trang chủ » Văn học nước ngoài

PHIẾM ĐÀM CỦA CÁC NHÀ VĂN TRUNG QUỐC

Vũ Công Hoan dịch
Thứ ba ngày 21 tháng 4 năm 2009 9:08 PM
Nhà Văn và Chính trị
Vương Mông
      ( Nhà văn chuyên nghiệp, nguyên Bộ trưởng Bộ văn hóa Trung Quốc )
        Chính trị ở đây có hai loại, nghĩa rộng và nghĩa hẹp: Chính trị nghĩa rộng là chỉ sự hưng vong của quốc gia, vận mệnh của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, tiến bộ của xã hôi, tiền đồ của thế giới... Chính trị nghĩa hẹp là chỉ “ làm chính trị “, là “quan trường ” trên ý nghĩ thông thường, chỉ việc chúng ta tham gia lãnh đạo, tham gia cầm quyền trong Nhà Trung Hoa, là đi con đường làm quan. Còn một loại chính trị nghĩa hẹp khác, là chỉ những hoạt động của phái đối lập, không bàn đến ở đây.
 
Nhà văn Trung Quốc ở vào những giờ phút sinh tử tồn vong của quốc gia, của dân tộc; ở vào tình hình biến động lớn của xã hội, đã kế thừa truyền thống của nhân sĩ Trung Quốc, “ lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ ”, làm việc thiện cho đời, đã tham gia rộng rãi và rất tích cực đối với nền chính trị nghĩa rộng. Mức độ tích cực và cống hiến, hy sinh của các nhà văn Trung Quốc trong Cách mạng dân tộc - dân chủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo đều là chưa từng có trong lịch sử. Chúng ta phải kính trọng tinh thần yêu nước và tinh thần cách mạng của họ.
 
Cũng có một số ít nhà văn luôn luôn giữ khoảng cách với nền chính trị cả theo nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp. Họ đã chịu đựng cảnh hiu quạnh và sự hiểu lầm, nhưng cuối cùng họ đã bảo toàn được bình an vô sự tương đối của bản thân. Chúng ta cũng không thể không bái phục sự thông minh của họ.
 
Lúc nóng, lúc lạnh, mỗi người đều có cái được và cái mất: vì người vì văn, mỗi người có sự lựa chọn riêng. Cuối cùng dòng sông dài lịch sử sẽ có đánh giá công bằng với mọi việc, mọi người. Ngược lại, sau khi đi vào lịch sử, không được đánh giá, hoặc bị đánh giá không công bằng, cũng không ngại. Mỗi người cũng không nên vì sự lựa chọn của mình mà hậm hực bất bình, oán trời hận người. Người có sự lựa chọn vĩ đại, không nên từ chối trả giá cho sự vĩ đại của mình. Người có sự lựa chọn sáng suốt, cũng không nên từ chối trả giá cho sự lựa chọn sáng suốt của mình.
 
Vấn đề ở đây, chúng ta cũng tham dự khá nhiều vào lĩnh vực chính trị nghĩa hẹp. Khả năng truyền bá, năng lực vận động lôi kéo và năng lực viết lách của nhà văn không phải là không có ý nghĩa đối với nhà chính trị. Nào là lý luận về cây bút, lý luận về tạo dư luận, đều đã phản ánh những chỉ lệnh rõ ràng và khí phách hào hùng, mà nhà chính trị hy vọng nhà văn phục vụ cho mình.
 
Nhà văn nhậy cảm, nhiệt tình, tư duy phát triển, biết nói biết kể, khi tham gia vào công việc, sẽ rất tinh tế, hiệu quả. Ví dụ, trong các cuộc phê bình đấu tố, có nhà văn tham dự phát biểu, rõ ràng sẽ sinh động hẳn lên, văn chương kết hợp với lý lẽ, âm điệu hòa quyện với tình cảm, có khi còn tới mức nước mắt trộn nước mũi, tiếng nức nở xen với tiếng xụt xịt làm cho bầu không khí càng thêm phần cao cả, bi tráng; làm cho bạn cảm thấy dưới gầm trời không có ai cách mạng chân thành hơn nhà văn. Tôi đã may mắn một vài lần được nghe tận tai, được nhìn tận mắt cảnh tình lai láng này.
 
Mặt khác, bản thân nhà văn cũng luôn tỏ ra tích cực đối với chính trị nghĩa hẹp. Thứ nhất, bản thân làm quan, tiếng nói có trọng lượng, chẳng thế mà có câu “ tham mưu mà không giữ cấp trưởng, thì đánh rắm cũng không vang ”. Thứ hai, làm chính trị hiệu quả nhanh, viết một cuốn sách hiệu quả kém xa một lần phát biểu hay. Đặc biệt, khi nhà chính trị yêu cầu phê đấu ai, nếu bạn bắn một quả đạn đầu tiên trúng đích, nói một lời đầu tiên trúng ý, thì thật là một vốn vạn lời, một đêm thành rồng. Thứ ba, cạnh tranh và đào thải  trong giới văn học quả thật quá ư lạnh lùng. Một ngàn người gửi bản thảo, nhất định có bản thảo của một người được sử dụng không? Một ngàn bài văn, nhất định có một bài được thành công to lớn không? Một ngàn bài văn thành công, nhất định có một bài được lưu truyền mãi mãi không? Trong một trăm nhà văn có tới chín mươi chín phẩy chín người tỏ ra buồn bực vì chưa gặp được “ con ngựa ngàn dặm của bậc thầy Bá Lạc ”.Người thì vừa khâm phục vừa ghen ghét đối với người thành công; kẻ thì không cam chịu đắng cay, quạnh vắng; người thì tỏ ra oán hận văn đàn – khu vực luôn luôn chịu tai họa nặng nề xưa nay.Khí bất bình này tích tụ lại ngày một nhiều, một khi có cuộc vận động chính trị, một khi có thời cơ phân phối lại danh dự, quyền lực, đãi ngộ, là đã có thể làm rối bung cơ may. Một anh chàng uy danh nổi lên như cồn, được cả danh lẫn lợi, vì dũng cảm đứng đầu ngọn gió chính trị mà trở thành nhà văn có tiếng tăm, ngay đến bản thảo ngày xưa bị xếp xó cũng có cơ may được thưởng, thì làm sao mà không vui vẻ làm?
 
Một nhà thơ lão thành, đạo đức cao, danh vọng lớn đã nhận xét về một nhà văn giỏi phát ngôn bi tráng rằng: “ Ông ấy là nhà văn nổi tiếng, chỉ có điều không có tác phẩm nổi tiếng ”. Danh tiếng của ông ấy đắc lực cho chính trị nghĩa hẹp.
 Nhưng nhà văn lại hay nói quá thực tế, bảo gió là mưa, hay thành kiến,xử sự theo kiểu lấy tình cảm thay lý trí. Trong “ Tam quốc diễn nghĩa ”đã nói, Mã Tốc “ nói quá thực tế, cuối cùng chẳng thành việc lớn ”. Dùng câu này để nhận xét nhà văn làm chính trị ( kể cả kẻ hèn mọn Vương Mông này ), phần lớn là không oan uổng. Nhà văn lại nhấn mạnh cá tính, thường đặt tâm tư tình cảm của mình lên trên lợi ích của tập thể, của giai cấp, của chính đảng. Đặc biệt, khi một nhà văn lầm tưởng mình là nhà chính trị, là đồng chí lão thành, là người chia sẻ quyền lực mà từ bỏ nghề sáng tác, sau khi không còn đường rút lui, thì chính trị mà anh ta say sưa hứng thú chỉ là thứ chính trị kiểu ngâm thơ, chính trị kiểu diễn kịch nói, chính trị kiểu lầm bà lẩm bẩm, chính trị kiểu mắc bệnh tâm thần, cho đến thứ chính trị kiểu trà thù cá nhân, trường hợp tốt nhất cũng chỉ là chính trị kiểu mọt sách.
 
Cho nên, nhà văn thường chán ghét làm chính trị. Các nhà văn đấu đá nhau dường như còn thâm thù, cay đắng hơn so với đấu tranh thật sự của các nhà chính trị, khó mà buông tay. Có khi các nhà chính trị mâu thuẫn nhau đều đã hòa giải, mà các nhà văn thì cứ bám mãi không chịu buông tha. Thứ chính trị hai con dao mà các nhà văn tiến hành, so với làm chính trị thật sự, còn thiên kiến hơn, siêu hình hơn, bế tắc không có đường ra hơn: học không hiểu phép biện chứng, học không hiểu lý luận đấu tranh và thống nhất của các mặt đối lập, không biết nhìn vấn đề một cách phát triển và toàn diện; không biết thực sự cầu thị; không biết có tấm lòng rộng mở, đoàn kết số đông; không biết bình tĩnh, sáng suốt, quan tâm cục diện lớn. Đặc biệt là khi tình thế trong và ngoài nước tương đối bình thường, đảng cầm quyền kiên quyết lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, kiên quyết giữ vững đoàn kết ổn định, thì chính trị lại thao thao bất tuyệt, chính trị linh cảm, chính trị tâm tư tình cảm kiểu nhà văn, quả thật là tai nạn chính trị, tai nạn quốc gia, càng là tai nạn lớn của đa số các nhà văn và nghệ sĩ chân chính.
 
Cho nên lựa chọn tốt nhất của các nhà văn làm chính trị là dũng cảm rút lui giữa dòng nước xiết: Thấy tốt thì lui. Thấy không tốt thì sao? Càng phait lui.
                                                       Vũ Công Hoan dịch
                        (Theo “ Đại gia tùy bút ”, nhà xuất bản Thành Đô năm 1995

Nhàn Đàm  về tư tưởng
 
                                        Ngụy Kiếm Mỹ (TQ)
Tư tưởng là một thứ cỏ dại thấp hèn, chỉ thích ứng mọc và bò ở những chỗ trũng thấp, còn huyênh hoang khoác lác ở những nơi cao, thông thường không là song là mây sẽ là những bông hoa.
Người mất sức suy nghĩ là kẻ “hạnh phúc”. Bời vì anh ta có thể ở vào nơi tối tăm, mà vẫn tin đấy là  ánh sáng, đấy mới là ánh sáng.
Trước kẻ cướp đang đuổi đến, chủ nhân lúng túng thúc lừa chạy nhanh theo mình. Lừa hỏi:
- Lẽ nào chúng bắt tôi chở thêm nhiều thứ nữa?
Chủ nhân trả lời cũng chưa hẳn. Thế là lừa ta cứ  thong thả hỏi lại:
- Vậy thì việc gì tôi phải chạy?
Aesôps ( Nhà ngụ ngôn Hy Lạp cổ khoảng thế kỷ 6 trước công nguyên – ND) viết chuyện ngụ ngôn này đã quên một tiền đề cơ bản:Làm con lừa, một khi có tư tưởng, nó không thể có cơ hội đi trên đường, mà chỉ có thể ở trong lò mổ.
Bây giờ,  ngày càng “hậu hiện đại”, tôi vẫn có thể nghe rõ mồn một tiếng xích sắt kêu loảng xoảng  trong tư tưởng của  những con người, cho dù nó có thể dùng tiết tấu của nhạc điệu Đitscô.
Loài người là động vật duy nhất không cần đến dây thừng vẫn có thể bị dắt đi.
Chưa nghe thấy ai nói, một người nhờ buôn da hổ có thể trở thành hổ. Nhưng nhờ buôn bán tư tưởng lại có thể trở thành nhà tư tưởng.
ý nghĩa công bằng là ở chỗ: Giấc mộng trên lông cừu và da hổ không hề ngọt ngào bằng giấc mơ trên bãi cỏ. Cũng như thế, không gian tư tưởng của kẻ ở nhà cao cửa rộng cũng vị tất thoáng đãng  hơn người sống trong lều tranh lụp xụp.
Tự do tư tưởng là thứ tự do hạnh phúc nhất trong mọi tự do. Nó không thể có được vì tiền và quyền thế, nhưng thường hay vì tiền và quyền thế mà mất đi. Lẽ công bằng duy nhất là, khi có kẻ muốn bóp chết tự do tư tưởng của người khác, thì tâm linh của chính kẻ đó cũng đã bị giết chết. Mỗi tên độc tài trong lịch sử không có đứa nào là không nội tâm yếu hèn và bệnh hoạn dưới cái vẻ bề ngoài dữ tợn. Hắn vĩnh viễn không hiểu nổi niềm vui sướng và hạnh phúc của linh hồn được hít thở tự do.
Giữa sa mạc hiếm nước, cây xương rồng đã trở thành rường cột . Thằng lùn trở thành người khổng lồ cũng xuất phát từ đạo lý như thế.
Đã từng đọc một số kiệt tác thoả chí vừa lòng của những vị gọi là “đại sư”, “văn hào”. Từ đáy lòng, chỉ muốn nói với họ một câu: Tư thế quỳ dù có đẹp đến mấy, xét đến cùng nó vẫn là quỳ.
Tư tưởng chân chính xưa nay không ra đời trong tiếng vỗ tay, mà thoi thóp dưới những lời  mắng nhiếc.
Trong thửa ruộng của rất đông học giả, chuyên gia và nhà lý luận đều mọc những cây có tính chất mùa vụ, thường được bày bán ngoài chợ với giá không tồi.
                                                                            Vũ Công Hoan dịch
                                       ( Theo “ Tạp văn nguyệt san ” số đầu tháng 2 năm 2005)

Nhà Văn đã “chết”
 
                                                                       Bao Lệ Mẫn (Trung Quốc)
            Trong lịch sử tâm linh cá nhân của nhà văn Thẩm Tòng Văn, năm 1949 là một chương  rất đau khổ. Tháng 3 năm ấy, ông đã từng hai lần tự sát.
            Đầu tiên là người con cả Thẩm Long Chu trông thấy bố thò tay vào phích cắm điện. Trong hoảng loạn, anh rút nguồn điện, dẩy bố ra. Lần thứ hai, ông Thẩm Tòng Văn khoá trái cửa buồng mình, lấy lưỡi dao bào cắt động mạch cổ tay và huyết quản trên cổ, đồng thời uống một ít dầu tây. Đến nỗi, khi có người phá cửa sổ nhấy vào, máu tươi đã bắn tung tóe. Sau khi được cứu, ông Thẩm Tòng Văn từng có một dạo “ điều dưỡng ở một bệnh viện thần kinh”.
          “ Bắc Bình giải phóng...nhưng tôi lại đổ bệnh trong chiến tranh tư tưởng  do chính mình gây ra”. Hai năm sau, ông Thẩm Tòng Văn đã công khai kiểm thảo như thế.
             Học trò của ông Thẩm Tòng Văn, nhà văn Uông Tăng Kỳ đến thăm, khiến ông  bị “ đánh một đòn chí mạng”. Bài “Lên án văn nghệ phản động”của ông  Quách Mạt Nhược đăng tháng 3 năm 1948, đã quy ông Thẩm Tòng Văn là nhà văn “phản động” “màu đỏ hoa đào”. Trong bài văn ấy,  ông Quách tố cáo:” Đặc biệt là Thẩm Tòng Văn, hắn luôn luôn hoạt động cho bọn phản động một cách có ý thức”.
             Thời đại đột biến, “toàn bộ xã hội và lý tưởng cá nhân, hầu như đều phảỉ sắp  xếp lại trong sự biến động”, ông Thẩm Tòng Văn phát hiện mình “ đã sai hoàn toàn, mọi niềm tin công việc sụp đổ hết”.
             Cho đến tháng giêng năm 1949, trái tim ông đã rên khóc: “ Tôi phải “nghỉ” thôi, thần kinh đã phát triển đến điểm cao nhất mà tôi có thể thích ứng. Tôi không chết thì cũng điên”,“ hãy cho tôi nghỉ không đau khổ lắm, không  cần tỉnh là được. Tôi nói  hoàn toàn không ai hiểu, không một người bạn nào chịu hiểu, dám hiểu tôi không điên”.
             Cho dù sống giữa người nhà và bạn bè, ông cũng lâm vào cô độc. “ Lúc đó chúng tôi cảm thấy ông ấy lạc hậu, bám gót chân, cả gia đình rôí be rối bét”. Hơn bốn mươi năm sau, bà Trương Triệu Hoà, vợ ông Thẩm nhớ lại viết như thế. Còn người con trai thứ Thẩm Hổ Sồ, đã kể lại:“ ( Ngày ấy) chúng tôi cảm thấy nỗi buồn khổ của bố mình không có lý, toàn bộ xã hội đều đang tưng bừng chào đón cuộc thay đổi long trời lở đất, hơn nữa bố mắc bệnh gì chả mắc, lại mắc bệnh thần kinh, bệnh thần kinh là vấn đề tư tưởng”.
          “ Bên ngoài quẫn bách, bên trong nhiều mâu thuẫn”, cuối cùng ông Thẩm Tòng Văn đã mất dần độ bình thường “trong tình trạng thần kinh quá ư  mệt mỏi”.
             Năm 1949 hai lần tự sát, tuy đều được cứu, nhưng khi từ “điên” trở lại “bình thường”, làm một nhà văn, ông đã “chết”.
            Đến năm 1948, trong thời gian hơn hai mươi năm trước đó, ông Thẩm Tòng Văn đã viết tiểu thuyết gần ba triệu chữ. Từ đó về sau, ông không bao giờ còn viết tiểu thuyết. Nhà văn thế hệ học sinh Lâm Cân Lan  thấy ông quá buồn tẻ, kéo ông đi dự một cuộc họp. Cuối cùng, tỏ ra có tính chất lễ tiết, người chủ trì  đã mời ông phát biểu. Ông chỉ nói: “Tôi không biết viết tiểu thuyết. Tôi không hiểu tiểu thuyết lắm”.
             Hình như nhà văn Thẩm Tòng Văn đã dự liệu từ sớm sự trớ trêu đối với vận mệnh như vậy. Trước tết nguyên đán năm 1949, ông đã ý thức được phương thức cầm bút hai ba mươi năm trước của mình, “ tất cả xuất phát từ chữ “tư”, bây giờ lại phải đi bước đầu tiên bằng chữ “tín”, chắc là không dễ xoay chuyển, không bao lâu, dù chưa bị buộc gác bút, thì cuối cùng cũng phải gác bút. Đây là kết quả tất nhiên của một số người thuộc thế hệ chúng ta”.
              Năm 1961, ông Thẩm Tòng Văn cũng  đã từng có dịp cầm bút  tiếp tục sáng tác. Theo lời kể của Thẩm Long Sồ: “ Sau khi bố tôi gác bút, tầng lớp cán bộ cao cấp của Đảng , kể cả Thủ tướng, chủ tịch đều nói trước mặt ông, luôn luôn hy vọng ông lại sáng tác văn học. Ngài Hồ Kiều Mộc đã viết thư cho bố tôi, muốn sắp xếp cho bố tôi trở lại văn đàn”. Ông Thẩm vốn định  lấy sự tích đấu tranh suốt đời của Trương Đỉnh Hoà -- anh họ Trương Triệu  Hoà, đảng viên cộng sản, hy sinh năm 1936,  làm đề tài để viết một truyện dài, nhưng rút cuộc đã huỷ bỏ. Bà Trương Triệu Hoà đã kể lại:“Năm 1961 sôi nổi, ông nhà tôi định viết, nhưng nhiều khung nhiều khuôn quá, động  chạm đến cụ thể sẽ viết như thế nào, ông ấy viết không nổi. Đã không chắc ăn lắm, có viết cũng không hay”.
           Chính nhà văn Thẩm Tòng Văn năm 1969 đã viết:“ Cho tôi cơ hội lại đến dạy ở Trường đại học Nhân Dân,  tôi e phạm sai lầm, không dám đi. Miễn cưỡng viết tiểu thuyết, tôi thiếu vốn cuộc sống mới,  cũng không dám viết .... Đảng đem lại mạng sống cho tôi,  tôi ít  làm sai thì hơn.”
            Nhà văn Thẩm Tòng Văn cả đời “không hiểu chính trị”. Trước năm 1949, ông kiên trì quan điểm “ nhà văn  không tham gia vào chính trị hợp phân bất định”, không gia nhập “ tập đoàn văn học “ phản động”, hoặc “tiến bộ”. “Sau khi thành lập nước Trung Quốc mới, nhà văn Thẩm Tòng Văn chỉ một lòng một dạ muốn làm  một con cá nhỏ bé có mùi vị, không để người ta đảo lên lật xuống quá nhiều, được ngọn lửa lom rom, om rán từ từ,  để một ngày nào đó  có “ cống hiến cho nhân loại”.
            Nhưng thật oái oăm, năm 1953, Nhà sách Khai Minh thông báo với ông, do “nội dung lỗi thời”, sách của ông đã bị thiêu huỷ hết. Còn năm 1954 , tin tức từ Hồng Kông truyền đến, “ tất cả tác phẩm  của ông đều cấm tiêu thụ ở Đài Loan”. Nhà văn Thẩm Tòng Văn  đã “ trốn” vào Viện bảo tàng lịch sử  giám định và thu giữ văn vật. Ông còn thường hay đến Hội chợ triển lãm trên Lầu Ngọ Môn tự nguyện làm người thuyết minh.
             Cuối năm 1949, cuộc khủng hoảng tinh thần của ông Thẩm Tòng văn đã thư dãn hơn, còn giữ lại một đoạn đối thoại giữa hai bố con thời kỳ đó:
- .......bố vừa làm việc, vừa học tập thế này, chính là vì nhân dân phục vụ!
- Đã vì nhân dân phục vụ, thì  bố nên vui vẻ mà làm!
- Theo ý kiến bố, vui vẻ cũng phải học tập mới có. Bố đang nỗ lực  học tập để vui vẻ....
           Không biết trong những năm tháng sau đó, ông Thẩm  có học được vui vẻ hay không? Chỉ biết năm 1985, có một số ngừơi cùng đến phỏng vân ông, nhắc đến chuyện ông quét dọn Nhà vệ sinh nữ trong “ cách mạng văn hoá”, một  cô nhà báo có mặt tại chỗ xúc động ôm vai ông nói:
- Thưa ông Thẩm, ông đúng là bị khổ bị oan!
           Ngờ đâu, ông già tám mươi ba tuổi, ôm luôn cánh tay cô nhà báo gào khóc, “khóc đến nỗi như một đứa trẻ bị oan. Không hề nói một câu,  ông chỉ khóc nức nở, nước mắt nước mũi ướt sũng mặt.”
            Những người đến phỏng vấn,  người nào người nấy đều sững sờ.
                                                                      Vũ Công Hoan dịch
                                                        ( Theo “ Tạp văn tuyển san” số 4 năm 2006 )