Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỖ PHỦ VÀ NGUYỄN DU NHÌN TỪ NHỮNG NÉT TƯƠNG ĐỒNG

Nguyễn Thị Lan
Thứ ba ngày 21 tháng 4 năm 2009 6:30 AM
 
Đời Đường Trung Quốc có một vị “thánh thơ” là Đỗ Phủ (712-770). Nguyễn Du (1766-1820) đã xem Đỗ Phủ là “bậc thầy nghìn đời của văn chương” và nói mình “Đêm đêm hồn mộng đi vào thơ Đỗ Phủ”
“Thiên cổ văn chương thiên cổ sư
Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi”
Nguyễn Du cũng xác nhận sự ảnh hưởng của Đỗ Phủ với ông “Bình sinh bội phục vị thường li” (Tôi bình sinh khâm phục ông không lúc nào xa rời)
Hai thi hào của hai dân tộc ấy cách nhau rất xa về không gian và thời gian nhưng lại có nhiều điểm tương đồng.
Tầm quan trọng
Sự tương đồng ấy trước hết nằm trong vai trò, vị trí của mỗi người đối với lịch sử văn học. Cả Đỗ Phủ và Nguyễn Du đều là những đại thi hào, là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất trong lịch sử văn học dân tộc Trung Hoa và Việt Nam, những danh nhân văn hoá thế giới đóng góp tiếng nói lớn cho văn học dân tộc và cho nhân loại.
Thời đại
Là con đẻ của thời đại cả Đỗ Phủ và Nguyễn Du đều sống trong một thời đại bão táp đầy biến động dữ dội với những đau đớn tận cùng của kiếp người. Điều đó lý giải tại sao tác phẩm của các ông lại nóng hổi hơi thở của thời đại.
Đỗ Phủ sống mấy chục năm trong thời Thịnh Đường song nửa cuối cuộc đời ông phải sống triền miên trong loạn lạc. Loạn An Sử (755-763) đã đem lại tai họa cho dân chúng. Theo thống kê của triều đình trong 8 năm ấy Trung Quốc đã chết hai phần ba dân số. Năm 763 Loạn An Sử hoàn toàn bị tiêu diệt song những mâu thuẫn trong xã hội vẫn còn tồn tại âm ỉ, xã hội rất không ổn định. Mãi đến năm 770, năm Đỗ Phủ mất loạn vẫn còn ở Tang Giới, Đàm Châu. Loạn lạc đã làm cho Đỗ Phủ mãi mãi không được trở về quê hương, ông đành gửi nắm xương nơi đất khách quê người.
Thuở nhỏ Nguyễn Du sống trong nhung lụa của sự giàu sang nhưng cuộc sống này kéo dài không quá mười năm. Những biến cố dữ dội của thời đại và  gia đình đã nhanh chóng đẩy ông ra giữa bão táp của cuộc đời. Nguyễn Du đã chứng kiến cảnh “một phen thay đổi sơn hà”. Năm 1789 Tây Sơn kéo quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh sang xâm chiếm nước ta. Lê Chiêu Thống theo tàn quân xâm lược sang Trung Quốc. ở Gia Định Nguyễn ánh hoạt động mạnh. Mùa thu năm 1802, Nguyễn ánh giành được ngai vàng, bắt đầu một triều đại mới ở Việt Nam
Gia thế
Cả Đỗ Phủ và Nguyễn Du đều xuất thân trong những gia đình quan lại phong kiến và có truyền thống văn học. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng và con đường sáng tác của các ông sau này.
Đỗ Phủ là cháu ba đời của Đỗ Dự - một danh tướng nhà Tấn. Ông nội là Đỗ Thẩm Ngôn nhà thơ nổi tiếng thời Sơ Đường. Cha là Đỗ Nhân có làm quan, bản thân Đỗ Phủ cũng từng làm quan. Như vậy ông xuất thân trong một gia đình quan liêu phong kiến “Thờ đạo Nho và ra làm quan” dù chỉ là quan lớp dưới. Truyền thống gia đình đã ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng của ông.
Nguyễn Du thuộc gia đình đại quý tộc có thế lực vào bậc nhất lúc bấy giờ. ông thân sinh là Nguyễn Nghiễm, một quan văn, một nhà nghiên cứu sử học đồng thời là một nhà thơ từng làm tể tướng ở triều đình. Người anh cả cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Khản làm Tả thị lang bộ Hình kiêm hiệp trấn xứ Sơn Tây. Sau này khi Trịnh Tông lên ngôi chúa, Nguyễn Khản được cử làm thượng thư bộ Lại rồi thăng Tham Tụng. Bản thân Nguyễn Du cũng từng bị gọi ra làm quan cho triều Nguyễn
Bức chân dung tự họa
Tuy xuất thân từ tầng lớp quý tộc nhưng những biến động dữ dội của lịch sử đã nhanh chóng đẩy Đỗ Phủ và Nguyễn Du ra giữa vòng xoáy của cuộc đời, cùng bị đói rét, trầm luân khổ ải như “thập loạn chúng sinh”. Cả hai người đều tài hoa mà bạc mệnh.
Trừ những năm thời tuổi trẻ và ba năm làm quan, Đỗ Phủ sống triền miên trong đói khổ. Đây là bức chân dung tự họa của chính nhà thơ:
Đỗ Phủ từng than
“Rượu thừa, miếng chả nguội
Nuốt tủi đã bao lần?”
   (kính tặng quan Tả thừa họ Vi hai mươi hai vần)
ông cũng bị đói rách  như những người dân cùng khổ:
“Nằm đói cứ thế mười ngày rồi
Mặc tồi mà vẫn trăm mảnh chịt”
(Gửi đến các ngài ở hai huyện Hàm Dương và Hoa Nguyên)
Cũng bị cái rét hành hạ:
“áo ngắn kéo hoài không kín cẳng
Ngày chiều trời lạnh giữa hang sâu
Theo lũ bú dù tìm hạt dẻ”
(Bảy bài ca ở huyện Đông Cốc)
Rồi tuổi già, bệnh tật:
“Bách niên đa bệnh độc đăng đài”
(Suốt đời quặt quẹo, một mình lên ngắm trên đài)
(Đăng cao)
Trong thơ mình Đỗ Phủ hay nói đến tóc bạc như dấu vết của bao khổ ải, gian truân:
“Gian nan khổ hận đầu thêm bạc”
(Đăng cao)
“Đầu đã bạc phơ dưới ánh đèn sáng”
(Chiều hôm)
Cuộc đời Đỗ Phủ là một tấm thảm kịch, ông bị trôi dạt, trầm luân cho đến lúc chết. Trong số mấy nghìn nhà thơ đời Đường ít ai nghèo khổ, long đong và chịu ảnh hưởng nhiều của chiến tranh loạn lạc như Đỗ Phủ. Nhưng chính số phận bi đát ấy đã đẩy Đỗ Phủ hoà nhập vào cuộc sống đau khổ của người dân, xoá đi trong ông những định kiến giai cấp cố hữu, hình thành ở ông mối đồng cảm thống thiết với con người.
Nguyễn Du cũng trải qua một thời loạn ly chịu nhiều thiếu thốn cơ cực. Những năm tháng sống long đong vất vả ở Thái Bình và Tiên Điền, hết ở nhờ nhà người này lại ở nhờ nhà người khác, cũng như Đỗ Phủ ông cũng chịu cảnh đói, rét:
        “Bất giác đói rét khiến cho người thương”
(Khất thực)
“Bếp núc suốt ngày không có lửa”
(Tạp ngâm)
“Tóc bạc còn loay hoay chỉ vì cơm áo”
(Ngồi đêm)
“Mới chớm rét đã cảm thấy nỗi khổ không áo”
(Đêm thu)
Rồi bệnh tật liên miên:
“Hết ăn nhờ ở miền sông lại ở miền bể
Ba tháng xuân, bệnh liên miên, nghèo không thuốc”
(Khởi hứng lan man 1)
Cũng như Đỗ Phủ, Nguyễn Du bạc đầu rất sớm. Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du rất hay nói đến tóc bạc:
“Đầu bạc đáng buồn vì không cách giấu mình”
“Bạc đầu buồn chẳng trở về quê”
“Mấy sợi tóc bạc lòng thòng xuống vạt áo”
“Bạc đầu còn được thấy Thăng Long”
“Tóc bạc phơ trước gió chiều”
Những cực khổ thiếu thốn ấy, những phiêu bạt nổi chìm ấy tất có liên quan đến niềm thông cảm của Nguyễn Du đối với những người đói nghèo, lao khổ, những người “đòn gánh tre chín rạn đôi vai” (Văn chiêu hồn)
Gia đình
Những bài thơ viết về gia đình cũng cho ta cái nhìn sâu hơn về đời sống tình cảm của hai nhà thơ. Không phải ngẫu nhiên viết về gia đình cả hai ông đều có giọng thơ buồn thảm, xót xa.
Không xót xa sao được khi đúng năm Đỗ Phủ ra làm quan thì thằng con trai chết đói (Tự kinh phó Phụng Tiên....) Trong bài Bắc chinh, ông kể về tình cảnh gia đình: đứa con trai vì thiếu ăn “nước da trắng như tuyết”, đứa con gái “manh áo đụp chỉ quá đầu gối”. Có những câu thơ đầy nước mắt:
“Nhà tranh vắng đã cách năm,
Vợ, con về thấy áo trăm mụn chằng
Nào than, nào khóc vang lừng,
Suối khe nghẹn giọng, thông rừng thua hơi”
(Bắc chinh)
Nguyễn Du ra làm quan nhưng chẳng giàu có gì nên luôn chạnh lòng thương nhớ những đứa con chịu cảnh đói nghèo nơi quê xa:

“Nơi quê hương nắng hạn lâu ngày làm hại việc nông
Nhà mười miệng trẻ đói xanh như rau”
(Ngẫu hứng-Bài IV)
Cố hương
Thường trực trong thơ Đỗ Phủ và Nguyễn Du là nỗi niềm da diết thương nhớ cố hương của kẻ tha hương.
âm hưởng chủ đạo trong thơ Đỗ Phủ giai đoạn cuối đời vẫn là đau đớn xót xa. Lưu lạc ở đất Thục, có khi ông gửi lòng nhớ quê vào một cánh chim, vào một lá buồm, vào một con thuyền, vào một áng mây, vào chùm sao Bắc Đẩu...Có khi hình ảnh quê hương hiện ra trong giấc mơ. Có lúc ông gửi hồn mình:
“Hồn về cố hương gọi cũng chẳng lại”
(Bảy bài ca ở huyện Đồng Cốc)
Và cho đến bài “Chạy loạn” làm năm nhà thơ qua đời, nỗi lòng ấy vẫn day dứt khôn nguôi
“Quê cũ rợp đống gò
Làng xóm đều tan tác
Từ đây lú đường về
Bờ Tương ngập nước mắt”
Còn Nguyễn Du ra làm quan nhưng “thân” gửi quê người mà “hồn” bay về quê cũ. Đây là nỗi lòng của ông khi xa quê:
“Ta cũng muốn từ đây treo mũ từ quan mà ra đi”
“Rất thẹn cùng trúc đá vì lỗi phụ lời thề”
“Trăng núi gió sông dường như có ý đợi chờ”
“Hồn ơi về đi thương cố hương”
“Trong giấc mộng tàn canh vẫn mơ về quê hương”
“Cúc vàng năm ngoái năm nay lại nở
Vì ta hãy tạ từ với cây tùng tảng đá ở Hồng Sơn”
Một “con mắt sáu cõi”
Nếu chủ nghĩa hiện thực là con đường lớn của văn học thì cả Đỗ Phủ và Nguyễn Du đã đặt những bước đi vững chắc trên con đường lớn ấy.
Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Thơ ông phản ánh đầy đủ sâu sắc những vấn đề trọng đại nhất của xã hội đời Đường trong giai đoạn từ cực thịnh đến suy vong (giai đoạn trước trong và sau loạn An Sử). Đó là những vấn đề: chiến tranh xâm lược, cuộc sống xa hoa của bọn quý tốc, sự bóc lột nặng nề của giai cấp thống trị, nỗi đau khổ của người dân... Thơ ông đầy máu và nước mắt của thời đại. Có những câu thơ của Đỗ Phủ đã khái quát được cái mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội thời đó và trở thành những danh ngôn thiên cổ:
“Chu môn tửu nhục xú
Lộ hữu đống tử cốt
Vinh khô chỉ xích dị,
Trù trướng nan tán thuật”
(Nơi cửa son rượu thịt sặc mùi,
Ngoài đường trơ nắm xương người chết rét.
Sướng khổ chỉ cách nhau trong tấc gang,
Bùi ngùi kể lại khôn xiết)
Chính vì vậy người đời đã tặng thơ Đỗ Phủ cái danh hiệu cao quý “thi sử” và thơ ông là “tập đại thành của thơ ca hiện thực”
Thơ Nguyễn Du cũng đề cập đến những vấn đề trọng đại của xã hội. Toàn bộ tác phẩm của ông đã mô tả một cách sâu sắc xã hội phong kiến thối nát của thời đại ông, đã tố cáo, phản kháng và phê phán những thủ đoạn tàn nhẫn, bất công chà đạp lên vận mệnh con người. ở truyện Kiều ông nêu lên vấn đề mâu thuẫn giữa quyền sống của con người, chủ yếu là người phụ nữ với sự áp bức của xã hội phong kiến trong lúc suy tàn. “Văn chiêu hồn” cho thấy những hiểu biết bậc thầy của Nguyễn Du về nỗi khổ, niềm vui của cả một thế giới “thập loại chúng sinh” diễn ra quanh mình. “Bắc hành tạp lục”- tập thơ làm trên đường đi sứ,  Nguyễn Du đã phản ánh đời sống hiện tại của xã hội phong kiến Trung Quốc qua những điều tai nghe, mắt thấy trên đường đi. Đó là cuộc sống của những người lao động bình thường: ông cháu người hát rong ở Thái Bình, người kéo xe ở Hồ Nam, thôn xóm bên trạm Tây Hà, thảm trạng những người đói rét và nạn binh đao làm nghẽn đường, hình ảnh người mẹ với ba đứa con đói khổ, đối lập với bữa tiệc phung phí của đám quan lại và một ý nghĩ bất chợt nảy sinh trong nhà thơ:
“Ai vẽ bức tranh này
Dâng lên nhà vua rõ”
(Sở kiến hành)
“Bức tranh” đó là bộ mặt thực của xã hội phong kiến Trung Hoa và Việt Nam trên con đường suy tàn, tan rã.
Một “tấm lòng nghìn đời”
Chủ nghĩa nhân đạo, lòng nhân ái, nỗi đau lo nghìn đời... chính là bản chất của văn học. Trong lĩnh vực thi ca, cả Đỗ Phủ và Nguyễn Du đều là những nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại.
Đỗ Phủ có một lòng nhân đạo rộng rãi ít người có. Ông đau đớn khi nhân dân đói khổ, lo lắng khi mất mùa đói kém, mừng rỡ khi trời hạn được mưa. Nói về người lao động tình cảm của ông thiết tha nồng cháy, thái độ của ông trân trọng kính yêu. Lòng nhân đạo của ông là lòng nhân đạo quên mình. Cực khổ, long đong nhưng nhà thơ vẫn không quên người khác. Ngôi nhà của ông ở Thành Đô gió thổi lật mái, nhà dột không còn chỗ nào khô ráo. Trời về thu gió lạnh cha con ông chỉ đắp một mảnh chăn rách. Tuy nhiên ông không chỉ nghĩ đến mình mà còn liên tưởng tới bao người đang chịu cảnh đói khổ như ông. Ông ao ước có một ngôi nhà hàng vạn gian che chở cho họ. Và lúc đó:
“Trời ơi! bao giờ trước mắt ta ngất nghểu toà nhà đó
Riêng lều ta đổ, chịu chết cóng cũng bõ”
Đó là tấm lòng của một người “Thương người hơn thể thương thân”
Thơ Nguyễn Du cũng là một niềm cảm thông tha thiết với con người. Truyện Kiều là một “đoạn trường tân thanh” của một tấm lòng nhân ái. ở đây Nguyễn Du đã khóc thương cho một nàng Kiều tài, sắc, đa tình mà “hồng nhan bạc mệnh”. Trong “Độc Tiểu Thanh ký” ông khóc cho một nàng Tiểu Thanh tài tử yểu mệnh. Trong “Văn chiêu hồn” ông khóc cho “Thập loại chúng sinh” đau khổ. Chính cái tình thương mênh mông ấy đã đưa Nguyễn Du lên đến địa vị nhà thơ của “nghìn năm” (ý thơ Tố Hữu)
Không chỉ thương mà còn lo. Đỗ Phủ lo cho dân vô hạn:
“Cùng niên ưu lê nguyên
Thán tức trường nội nhiệt”
(Suốt năm lo cho dân nghèo
Thở than nóng cháy cả gan ruột)
Nguyễn Du trước cái ngổn ngang dâu bể của cuộc đời và cái trầm luân khổ ải của những kiếp người đã bất chợt một ngày nhận ra mình là kẻ:
“Thiên tuế trường ưu tử vi tiền”
(Trước khi chết còn lo mãi chuyện ngàn năm)
Thơ Đỗ Phủ và Nguyễn Du mang những vấn đề lớn của nghìn năm, của triệu người nên cái đau khổ của các ông là một đau khổ lớn, có tính cách đại diện cho nhân loại.
Lòng yêu dân của Đỗ Phủ và Nguyễn Du đã kết tinh thành những ước mơ đẹp đẽ kỳ diệu: ước mơ không có chiến tranh, ước mơ về một cuộc sống hoà bình, hạnh phúc. Ta gặp trong thơ các ông tâm thức vô cùng siêu việt, hiện đại, đạt đến tầm cao của giá trị nhân văn, tinh thần yêu chuộng hoà bình của các bậc hiền triết, minh triết. Đây là ước mơ “giải trừ quân bị” của Đỗ Phủ hơn một nghìn năm trước:
“Sao được phá khí giới để đúc nông cụ”
(Bài ca “tằm lúa”)
Còn đây là nỗi mừng vui của Nguyễn Du khi đất nước thu về một mối. Ông đề cao đức hiếu sinh, vẻ đẹp hồn hoàn của tạo hoá và cuộc sống thanh bình.
“Trước kia cái đức hiếu sinh của tạo hoá đã bị tổn thương rất nhiều
Giờ đây không quý cái công giết người
Trong buổi thanh bình không có chiến tranh
Trâu bò cày bừa, chính là lúc coi trọng nhà nông”
(Pháo đài)
Phong cách sáng tác
Nguyễn Du mang “món nợ tâm hồn” sâu sắc với thơ Đỗ Phủ. Không phải ngẫu nhiên mà ông nói mình: “đêm đêm hồn mộng đi vào thơ Đỗ Phủ”. Cái “giọng thơ”, “hồn thơ”, “âm vang thơ” của bậc đại thi hào Trung Hoa hơn một ngàn năm trước thường trở đi, trở lại nhiều lần trong thơ Nguyễn Du.
Người ta thường nói đến sự giống nhau kỳ lạ ở “phong cách trầm uất” hay nói cách khác là “giọng điệu bi thương” của thơ Đỗ Phủ và Nguyễn Du. Nếu ở Đỗ Phủ: “Văn thơ ông đượm một vẻ buồn, không có lấy một nụ cười tươi tắn” (Hoài Thanh) thì ở Nguyễn Du “Thơ chữ Hán (tấm gương đa diện của cái “tôi” trữ tình giàu bản sắc của chính Nguyễn Du, chân dung sống thực của Nguyễn Du) cho ta cảm giác triền miên một buổi chiều thu, một buổi chiều rất dài và tê tái” (Xuân Diệu)
Sự đồng điệu trong tâm hồn dần đến sự tương đồng trong phong cách sáng tác. Đặt hai bài thơ “Đăng cao” của Đỗ Phủ và “Tạp thi” của Nguyễn Du bên cạnh nhau ta mới thấy cả hai bài tình thơ, ý thơ, giọng điệu thơ có nét giống nhau. Cả hai bài đều biểu hiện tâm trạng bi thương của một người trải qua bao thăng trầm của cuộc đời giờ đây đầu đã bạc, bệnh tật, ốm o, chán ngán sự đời, lấy chén rượu giải buồn.

Đăng cao
Đỗ Phủ
Phong cấp, thiên cao, viên khiếu ai,
Chử thanh, sa bạch, điểu phi hồi.
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ,
Bất tận trường giang cổn cổn lai.
Vạn lý bi thu thường tác khách,
Bách niên đa bệnh độc đăng đài.
Gian nan khổ hận phồn sương mấn,
Lảo đảo tân đình trọc tửu bôi.
Dịch thơ
Gió gấp trời cao vượn nỉ non,
Bến trong cát trắng, lượn chim cồn.
Rào rào lá trút rừng cây thẳm,
Cuồn cuộn sông về sóng nước tuôn.
Thu quạnh nghìn khơi lòng khách não,
Đài cao trăm bệnh chiếc thân mòn.
Gian nan khổ hận đầu thêm bạc,
Quặt quẹo đành kiêng chén giải buồn
Nam Trân dịch
Tạp thi
Nguyễn Du
Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên,
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên.
Xuân lan thu cúc thành hư sự,
Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên.
Hoàng khuyển truy hoan Hồng Lĩnh hạ,
Bạch vân ngọa bệnh Quế Giang biên.
Thôn cư bất yếm tần cô tửu,
Thượng hữu nam trung tam thập tiền.
Dịch nghĩa
Người tráng sĩ bạc đầu bi ai nhìn trời,
Hùng tâm và sinh kế cả hai đều mờ mịt.
Lan mùa xuân, cúc mùa thu việc ấy đã trở thành chuyện hão,
Nắng mùa hạ, rét mùa đông đã cướp đi tuổi trẻ.
Dắt chó vàng mải vui ở dưới non Hồng,
Nằm bệnh trong mây trắng bên bờ sông Quế.
Nơi thôn quê mua rượu mãi không chán,
Còn có trong túi ba mươi đồng tiền.
Cái âm hưởng “bi thiết” ấy đã làm nên một nét tương đồng nữa trong thơ của hai bậc vĩ nhân ở hai thời đại.
 
Hải Dương 2008