Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ BÀI THƠ PHỔ NHẠC TRƯỚC NGÀY BỊ BẮT

Nguyễn Việt Chiến
Thứ năm ngày 23 tháng 4 năm 2009 6:03 AM
 
   Vài tháng trước ngày bị bắt giữ về những bài báo chống tham nhũng trong vụ án PMU18, tôi nhận được một lá thư từ TPHCM gửi về toà soạn Báo Thanh Niên ở 218 Tây Sơn, Hà Nội. Thật cảm động, khi mở lá thư ra, tôi nhận được bản nhạc phổ bài thơ “Tiếng lục lạc” của tôi do nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, công tác ở Hội nhạc sĩ TPHCM vừa mới phổ xong. Bài thơ này của tôi được Tạp chí Văn nghệ Quân đội in trong số Xuân 2008. Kèm theo bản nhạc là mấy lời tâm sự của nhạc sĩ nói rằng, vợ ông là một nhà thơ nữ ở Sài Gòn, khi đọc bài thơ này trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, bà liền giục giã chồng phổ bài thơ trên.  
    Tôi không biết gì về nhạc lý, không đọc được bản nhạc, nên lúc đó đã mạo muội gọi điện thoại vào TPHCM để quấy phiền Lư Nhất Vũ, trước tiên là cảm ơn tấm thịnh tình của vợ chồng nhạc sĩ đối với bài thơ của tôi, thứ hai là xin đề nghị được nhạc sĩ Lư Nhất Vũ chơi đàn và hát cho tôi nghe (qua điện thoại) bản nhạc phổ thơ này. Nhạc sĩ đã chiều tôi, tiếng đàn piano thánh thót vang lên trong một buổi sáng thanh bình khiến tôi xúc động, ông hát khá say mê mặc dù tuổi tác đã già. Lời bài thơ hầu như được ông giữ nguyên vẹn để phổ nhạc. Thơ của tôi cũng đã được một số nhạc sĩ phổ nhạc như các bài “ Nhớ Tây Bắc”, “Lời cho tôi”, “Mưa tháng giêng”…và các nhạc sĩ đều cố gắng giữ nguyên lời thơ khi phổ nhạc. Nhưng có lẽ chưa bao giờ tôi cảm thấy hạnh phúc như lần này, khi được một nhạc sĩ lão thành ở tận đầu kia của đất nước hát và đàn cho tôi nghe bài thơ mới phổ nhạc của mình. Vài tháng sau, 12-5-2008, tôi bị bắt. Và trong những đêm cô đơn thăm thẳm ở chốn lao tù khắc nghiệt ấy, có những thời khắc, tôi cảm thấy tiếng đàn piano dạo bản nhạc phổ bài thơ của tôi đang ngân nga bay về trên đá lạnh như muốn an ủi, như muốn vỗ về tôi rằng: Dẫu “mở đàn ra là gặp trầm luân kiếp người” nhưng rồi đêm tối sẽ qua nhanh và một ban mai trong lành sẽ tới…
 
Nguyễn Việt Chiến
 
   
Tiếng lục lạc
 
Tiếng lục lạc vó ngựa                   
Đi quanh câu hát này                   
Người không làm vua nữa            
Về thôn trang đi cày                                                                            
 
Người từng mặc áo vải                  
Trước khi khoác chiến bào
Người từng ăn cơm độn                           
Và nếm mùi gian lao                    
                                                      
Những tráng đinh ngày ấy             
Vác cuốc, gươm theo người        
Từng đóng thuyền vượt phá          
Giờ ngủ yên
cuối trời                                                                          
 
Chỉ còn tiếng lục lạc                    
Theo mây trắng trở về                 
Không còn trên lưng ngựa           
Bao người trai ra đi                    
                                                    
Chỉ còn tiếng lục lạc                   
Heo hút ngày mưa về                  
Bao người vợ hoá đá
Bồng con vẫn đứng nghe
 
   Sau khi tôi bị bắt 2 tháng, tháng 7-2008, toà soạn Báo Thanh Niên ở Hà Nội nhận được bức thư của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ở TPHCM gửi ra, ông ngậm ngùi chia sẻ với mọi người về việc tôi gặp tai hoạ và tâm sự về chuyện ông đã phổ bài thơ “Tiếng lục lạc” của tôi như thế nào. Dưới đây là toàn văn bức thư của nhạc sĩ:
 
           Chuyện về “Tiếng lục lạc”
 
Mậu tý 2008- Năm tuổi của tôi.
Mùng một Tết, nằm nhà xem báo tết. Dù nhà ít người nhưng bà xã cứ nhắc đi nhắc lại mấy đứa nhỏ, có ngụ ý nhắc cả tôi và nàng. Nhà có người trong năm tuổi, phải tránh cãi cọ, nóng nảy.chén bát ly tách nằm trong chạn không được va chạm rổn rảng. Nói chung là, theo ý nàng, trong 365 ngày năm Mậu Tý này phải biết nâng niu, khe khẽ, ý tứ, đừng bức xúc quá đà, đừng chọc giận, khích bác nhau. Bài học thuộc lòng tuy hơi khó thuộc, nhưng nhờ bà xã- người ra đề bài luôn làm mẫu nên Tết nhứt im lìm, vắng hoe. Con cháu lặn đi mất. Dòm lại, chèo queo hai vợ chồng già.
  Mùng 2 Tết, nàng đưa Tạp chí Văn nghệ Quân đội Xuân 2008 cho tôi, nàng cẩn thận làm dấu trang 88 có bài thơ “Tiếng lục lạc” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nàng sôi nổi: Anh phổ nhạc bài hơ này đi, bài thơ rất hạp với “gu” tụi mình.Thường ngày nàng hay giới thiệu những bài thơ nàng thích khi phát hiện đây đó cho tôi và thằng con trai, xúi hai cha con phổ thơ. Tôi bèn làm mấy ngón dương cầm, nàng than tiếng dương cầm không lột tả nổi 4 câu:
                             Chỉ còn tiếng lục lạc
                           Theo mây trắng trở về
                            Không còn trên lưng ngựa
                            Bao người trai ra đi
   Tiếng lục lạc theo mây trắng trở về? Mây trắng thì trời phải trong xanh leo lẻo, mây phải cuồn cuộn nhởn nhơ trên bầu trời vừa cao vừa xa, lục lạc văng vẳng theo mây bay…Và rồi, khi nghe tiếng lục lạc theo vó ngựa đến gần thì những chàng trai không còn trên lưng ngựa!?…
   Tiếng dương cầm không kham nổi tiếng lục lạc, không có tiếng ngựa hý của kèn trompet…
    Nàng xăng xái để em ra chợ cái đã! Có lẽ nàng đi chợ đã về? Tại vì, bỗng dưng từ tầng 3, tầng 4 tiếng lục lạc xa xa gần gần, nhỏ nhỏ to to mỗi lúc, mỗi lúc, của những đường gươm, nhát cuốc, của:
                                 Những tráng đinh ngày ấy
                                 Vác cuốc, gươm theo người
                                Từng đóng thuyền, vượt phá
                       Giờ ngủ yên cuối trời
   Và, tiếng lục lạc hiện tại đã vang lên theo bước chân của nàng-con ngựa chiến đã già (nàng tuổi Ngọ). Nàng lần từng nấc thang. Tôi đón nàng và rước tiếng lục lạc luýnh qua luýnh quýnh:
                                Chỉ còn tiếng lục lạc
                                Heo hút ngày mưa về
                               Bao người vợ hoá đá   
                              Bồng con vẫn đứng nghe
   Người vợ đã không hoá đá. Người vợ nói em mới mua có hai vòng lục lạc to và vừa thì ông già bán lục lạc bị tiếng tu huýt đuổi chạy, tiếc quá!
  -A lô, cho cháu gặp bác Vũ
-Vâng, tôi, Vũ đây!
-Cháu là Nguyễn Việt Chiến, cảm ơn bác đã phổ bài thơ của cháu! Có dịp bác ra Hà Nội hoặc cháu vào Sài Gòn sẽ làm quen với bác.
-Ừ, làm quen cho vui, chớ thời buổi này chẳng ai hát bài hát của bác cháu mình đâu!
 
   Ngày 13-5-2008, các báo đưa tin nhà thơ Nguyễn Việt Chiếnbị tạm giam vì nghề làm báo! Bà xã tôi buồn xo, bức xúc, chén bát ly tách trong chạn không chịu nổi, bắt đầu va chạm rổn rảng, đêm nằm còn nghe mối khua cái muỗng nhôm, thằn lằn sột soạt cái nắp xong…
   Chiến bị bắt đã hơn hai tháng.
  Bà xã tôi than, mấy tháng nay, em chẳng viết được gì. Đầu óc trống rỗng, nghe lục cục lòn hòn trong tâm tư. Giờ chỉ mong Chiến phải thắng bệnh tật. Đời còn dài, còn rộng mở, chớ không đến nỗi cứ “Mở đàn ra là gặp trầm luân kiếp người”, Chiến mới trên năm mươi tuổi thôi mà!
  Hình như bà xã tôi hơi nhớ nhớ cái sự viết lách. Nàng tự trấn an với mặt bàn “như chiếc gương soi mỗi ngày”, đã háo hức và hoạt bát hơn. Nàng tuy lo cho sức khoẻ của Việt Chiến, những vẫn viết 4 trang A4 chuyện thằng bạn vong niên ở tận Rạch Giá được danh hiệu anh hùng thời đổi mới, làm một cái vè “ma nhát”, trò chuyện  với chiếc răng khôn; chuyện về anh chàng chém chặt không khí thật tài tình…
  Cầu phước đức ông bà phù hộ cho bà xã tôi được mạnh khoẻ, soi mặt bàn ngắm vuốt dung nhan mỗi ngày để luôn có được những “phát minh sáng kiến” thình lình, như sáng kiến đi mua lục lạc về cho tôi mãi nghe tiếng vó ngựa phong ba, như “Tiếng lục lạc” của Nguyễn Việt Chiến:   
                                       Người từng mặc áo vải
                                       Trước khi khoác chiến bào
                                      Người từng ăn cơm độn
                                     Và nếm mùi gian lao
 
                                                    Tháng 7-2008
                                       Lư Nhất Vũ (tức Vũ Kim Sa)
 
*
    Ngày tôi trở về đoàn tụ với gia đình và bạn bè. Vợ tôi đưa lá thư của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho tôi đọc. Tôi thấy bàng hoàng, cay sè nơi mắt vì tình cảm mộc mạc, phúc hậu của vợ chồng ông đã dành cho tôi trong những tháng ngày khó khăn nhất của cuộc đời viết báo, làm thơ của tôi. Cầu mong trời phật phù hộ cho hai bác tôi luôn mạnh khoẻ và viết được nhiều. Bác Lư Nhất Vũ ơi! tiếng lục lạc trong thơ vẫn như xưa, vẫn hồn nhiên, ngân nga cao vút qua bao thăng trầm và mỏi mòn tháng năm, bác ạ!

Nguồn: http://vn.myblog.yahoo.com/nguyen.vietchien