Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI TA KHÔNG TIN MÀ VẪN CỨ LÀM THÌ VÔ DUYÊN QUÁ

Linh Thủy (Thực hiện)
Thứ ba ngày 14 tháng 4 năm 2009 1:24 PM
Người ta không tin mà vẫn cứ làm thì... vô duyên quá
14/04/2009 09:33 (GMT + 7)
(TuanVietNam)- Dựng nhân vật lịch sử mà nói câu gì cũng hay, hành vi gì cũng đẹp thì ai xem? Một nhân vật lịch sử nào xuất hiện cũng nói năng đi lại, yêu đương làm việc chuẩn mực, đàng hoàng, cái gì cũng đẹp thì ai tin? Người ta không tin mà vẫn cứ làm thì... vô duyên quá. - Nhà văn Nguyễn Quang Lập. 
Khoan hãy quy chụp người viết
- Nhiều trường hợp, công chúng có những phản ứng rất quyết liệt đối với việc tiết lộ các thông tin hậu trường về thần tượng. Ông có quan điểm thế nào về việc tiết lộ các thông tin này?
Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Lâu nay người ta quen thói tô hồng. Bản thân mỗi người đều muốn trưng ra trước đám đông những gì tốt đẹp của mình.

 
Sự phản ứng khi bị người nào đó nói về cố tật của thần tượng cũng là chuyện thường thấy.
Chính tôi cũng đã viết một vài chân dung và bị phản ứng rất mạnh.
Theo tôi, công chúng rất cần có thái độ tiếp nhận bình tĩnh, và phải coi rằng người ta đang vẽ chân dung đời sống thật.
Có những điều trái với điều mình thường nghĩ, không có nghĩa là đang bôi xấu.
Hãy bình tĩnh xem người đó có ý đồ bôi xấu hay là chỉ muốn vẽ một chân dung thật. Nếu họ có ý đồ bôi xấu thật, thì phản ứng là đương nhiên.
- Đối với nhiều tác phẩm sáng tác, cuộc tranh luận không phải là về chuyện tác phẩm hay hay không, mà hướng vào quan điểm của người viết...?
Làm chân dung là vẽ nên chân dung thật rất đời, vẻ đẹp của con người thật. Bỏ ra ngoài tất cả những cái xấu để tán tụng nhau cũng là vô lối.
Nhưng điều quan trọng là người đọc phải nhìn thấy anh đang vẽ chân dung thật, chứ không phải mượn việc vẽ lại chân dung nhân vật để vẽ lại chân dung chính mình, tự tôn chính mình.
Người đọc sẽ thấy ngay và rất khó chịu về điều đó.
Nhưng sự phản ứng đó nhiều khi quá đến mức, quy chụp nặng nề, thậm chí quy chụp chính trị  cho người viết. Như thế là sai lầm.
Người ta viết thật về thần tượng của anh, có thể với cái nhìn méo mó không thiện cảm, nhưng người ta  làm việc đó không để chống ai cả thì anh khoan hãy quy chụp người ta.
- Theo dõi các cuộc tranh luận về thần tượng, nhân vật lịch sử gần đây trên truyền thông, ông có suy nghĩ thế nào?
Truyền thông có quyền chứa đựng tất cả mọi khía cạnh, truyền thông không nên từ chối lời chê hoặc nâng đỡ ý kiến mà mình thích.
Nhưng bây giờ báo chí có một điểm hơi dở là nuông chiều ý của đại chúng, ngửi thấy đại chúng có ý nào thì nghiêng sang phía đó.
Muốn đến được với đám đông càng nhiều càng tốt thì đừng chiều lụy đám đông quá. Nếu anh công bằng, đến một ngày đẹp trời, người ta sẽ yêu anh.
Người ta không tin mà vẫn cứ làm thì... vô duyên quá

 
Sáng tạo tác phẩm về nhân vật là phải có cách nhìn khác, mới đáng để đưa ra công chúng. Công chúng cũng đừng coi việc nói lại là lật đổ thần tượng.

 
- Nhiều nhân vật vốn đã được ghi danh lịch sử như một tượng đài, việc sáng tạo nghệ thuật về họ rất dễ gây nên các phản ứng gay gắt. Vậy theo nhà văn, cả người viết và người đọc nên có cách ứng xử ra sao?
Viết chân dung về những nhân vật lịch sử đã đóng đinh vào kí ức của quần chúng, nhà văn bao giờ cũng phải chấp nhận sự kháng cự của cả 2 phía - những người thích và không thích nhân vật lịch sử đó. Đó là điều rất bình thường. Mình đừng nên khó chịu với việc tranh cãi.
Khi đó, người viết cần dựa trên quan điểm lịch sử và gu thẩm mĩ của riêng anh để phán quyết nhân vật đó.
Sáng tạo tác phẩm về nhân vật lịch sử là phải có cách nhìn khác mới đáng để đưa ra công chúng, nếu dựng nguyên xi như những gì công chúng đã hình dung thì sáng tạo đó phỏng có ích gì. Công chúng cũng đừng coi việc nói lại là lật đổ thần tượng.
Thích hay không thích tác phẩm là quyền của mỗi người, nhưng hãy chấp nhận việc vẽ lại chân dung nhân vật theo quan điểm của tác giả. Đừng xổ toẹt hoặc quy chụp nặng nề.
Tất nhiên là người viết phải lý giải về nhân vật một cách có lý trên nền tảng lịch sử và nhân văn, không nên bất chấp lịch sử bịa đặt trắng trợn.
- Tác phẩm về nhân vật Lý Thường Kiệt của ông sắp ra mắt tới đây cũng sẽ là một cách nhìn lại về nhân vật?
Về Lý Thường Kiệt, có một đặc điểm mà lâu nay người ta cố tránh đi: ông là một hoạn quan. Các thái giám vốn bị nhìn với con mắt khinh rẻ trong quan niệm truyền thống, còn Lý Thường Kiệt vốn lại thường được vẽ nên với chân dung oai hùng.
Mình không thể tránh được đặc điểm này, nhưng lý giải như thế nào cho hợp lý là chuyện không dễ. Có rất nhiều cách cắt nghĩa khác nhau: ông tự nguyện làm thái giám để vào cung giúp việc vua, có người nói ông xuất thân từ thái giám, phát lộ tài năng được vua nâng đỡ lên...
Tôi lý giải theo cách vì tình yêu mà ông phải chấp nhận trở thành hoạn quan. Người yêu ông là Thuận Khanh rất đẹp, 14 tuổi được vua lấy vào làm cung nữ. Vì quá yêu Thuận Khanh, Lý Thường Kiệt đã nhờ Lý Đạo Thành giúp cho làm thái giám. Mấy chục năm sau, ông gặp lại người yêu trong tình thế bi kịch - khi dưới một người, trên muôn vạn người thì hạnh phúc không vẹn toàn - một bi kịch rất con người.
Làm hoạn quan thì có tội tình gì, tại sao lại giấu đi?
Ví như dựng tể tướng lưng gù, làm sao mà giấu đi được cái lưng gù của ông ta? Cái lưng gù đó có tội tình gì nhỉ? Trời đày một người bị gù lưng, trời đày một người làm hoạn quan, điều đó có tội tình gì với dân tộc và với người khác? Sao lại phải giấu đi?
- Điều này liên quan đến tư duy về nhân vật lịch sử của chúng ta một thời...
Lâu nay, chúng ta quen viết về các nhân vật lịch sử như việc đúc tượng, điều đó không hay, đơn giản vì nó không thật. Nhân vật lịch sử cần được viết rất người, khi đó vẻ đẹp của họ mới thực sự được tỏa sáng. Tôi nghĩ vậy và tin vậy. 
Dựng nhân vật lịch sử mà nói câu gì cũng hay, hành vi gì cũng đẹp thì ai xem? Một nhân vật lịch sử nào xuất hiện cũng nói năng đi lại, yêu đương làm việc chuẩn mực, đàng hoàng, cái gì cũng đẹp thì ai tin? Người ta không tin mà vẫn cứ làm thì... vô duyên quá.
Ở bất kì đâu, khi động đến thần tượng, nhân vật lịch sử đã định vị, thường bị phản ứng. Nhưng ở nước ta thì điều đó quá nặng nề, vì ta quá quen với kiểu tô hồng. Viết sao cho công bằng đòi hỏi bản lĩnh của người viết. Khó lắm!
Xin cảm ơn nhà văn!