Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BẠN VĂN 19

Nguyễn Quang Lập
Thứ hai ngày 13 tháng 4 năm 2009 9:57 PM

 Lần đầu gặp Nguyễn Thanh Sơn tại một quán thịt chó nhà sàn, gặp cái là thiện cảm ngay. Không kiểu cách, không vồ vập, cái bắt tay và ánh nhìn của nó như là bạn cũ lâu ngày gặp nhau, bỏ qua mọi giao đãi lịch sự tầm phào, nó vào chuyện nhẹ nhàng như không.
 Trước đó nghe thằng Nguyên ( Phạm Xuân Nguyên) giới thiệu, nói thằng này học báo ở Nga, học kinh tế ở Mỹ, khá lắm. Nghe thì biết thế chứ  không mấy tin nó là thằng chơi được.
Mấy ông trẻ Tây học, là nói học thật chứ không phải lấy tiền bố mẹ đi du lịch như ối cô cậu trẻ bây giờ, mười ông thì chín ông tự đắc về sở học. Ngồi với đám văn già, thái độ kính cẩn nhún nhường lắm, kì thực chỉ coi họ bằng nửa con mắt.
 Nói chuyện vẫn khôn ngoan không đả động đến văn Việt, chỉ nói văn Tây, ông này thế này ông kia thế kia, sách này mới ra sách kia nổi tiếng, thỉnh thoảng làm như tiếng Việt không tải nổi, đành thở ra mấy thuật ngữ Tây, hết surrealist đến symbolic nghe ù tai.
Mới gặp thì cũng thấy hay hay, được vài buổi thì ngả ngửa ra, tóm lại mấy ông trẻ cũng chỉ một mớ hỗ lốn tiếng Tây cùng với vài mươi nhận xét ngộ nghĩnh khéo sắp đặt, hoán đổi cho hợp ngữ cảnh mà thôi. Chán ốm.
Thằng Sơn cũng surrealist, symbolic nhưng nghe tự nhiên như không,  nó nói nói nghe nghe không làm ai khó chịu. Ngồi nhậu đâu nó cũng trả tiền, cái cách rút tiền trả làm cho người ta yên tâm mình không nợ nó một bữa nhậu, cũng không cho người ta cảm giác nó đang hầu hạ mình.
 Nó làm tất cả những điều đó tuồng như không cần một cố gắng nào, chỉ cần thế thôi biết ngay nó là thằng văn hóa chu toàn. Nhưng mình vẫn nghĩ chắc nó chẳng có tài cán gì đặc biệt, chẳng qua yêu văn, biết văn, thích đánh đu với mấy anh văn chơi bời cho vui thôi.
Đùng cái nó tặng cuốn phê bình văn học của tôi, đọc thấy shock, lần đầu thấy một cái nhìn khác, lịch lãm nhưng thẳng thắn, thậm chí trắng phớ, chỉ đối diện với văn bản, can đảm bước qua những hệ lụy ngoài đời để đi thẳng vào văn bản, mới nhận ra đây là nhà phê bình có cá tính hiếm hoi ở xứ mình.
Bất cứ bài viết nào của nó tung ra, người ngoài vỗ tay  khen giỏi giỏi, kẻ trong nghiến răng chửi tiên sư thằng khốn nạn. Chửi thì chửi nhưng cãi lại thì không, cãi lại nó cũng khó lắm, tơ lơ mơ lại mất mặt với nó một lần nữa, không phải chuyện đùa.
Nhiều người nói thằng Sơn ghét thằng nọ thằng kia hay sao mà đánh người ta dữ thế. Chẳng phải. Nếu phê gọi là đánh chắc chắn nó chẳng dám đánh ai, những tác giả bị nó phê người thì nó quí, kẻ thì nó thân chứ chẳng xa lạ, ghét bỏ gì.
Nó chơi thân với Đỗ Hoàng Diệu đến mức mấy ông bạn văn mê Diệu phải phát ghen, đùng cái, nó tằng một phát cái truyện Bóng đè khá nặng đô, Đỗ Hoàng Diệu cũng tằng một phát lại nó nặng đô không kém.
Cứ tưởng hai đứa trọn đời mãn kiếp không nhìn mặt nhau nữa. Chẳng dè ngồi nhậu nhà Lê Thiết Cương, chúng nó vẫn anh anh em em ngọt lịm, chia tay chia chân vẫn thân thiết như thường. Mới hay chúng nó phân biệt khá rạch ròi văn đàn và trường đời. Phục chúng nó quá, nước Nam mình ai cũng được như chúng nó thật hay biết bao nhiêu.
Nó phê phim Mê thảo thời vang bóng, thằng Vân ( Nguyễn Thanh Vân) ngồi nhậu với nó, nói làm phim vất vả cực khổ vô cùng, ông chê kiểu này còn ai dám làm phim nữa. Nó cười buồn, nói em biết chứ, em xem anh làm phim Người đàn bà mộng du vất vả đến phát sợ. Nhưng khi phê bình một tác phẩm, em phải bỏ hết mọi chuyện ra ngoài, chỉ biết có tác phẩm thôi, thế mới công bằng.
Hôm xem xong Áo lụa Hà Đông, nó gửi cho mình xem bài nó viết, mình đọc xong hơi hoảng, nói bài hay, đúng lắm nhưng mày coi chừng, hãng phim BHD của anh Ngô Thảo chung vốn với Phước Sang đấy. Nó cười, nói em biết rồi, kệ, việc đáng nói thì em nói.
Bài in ra, mình tưởng Ngô Thảo sẽ cầm dao phay đến nhà nó, chẳng dè mọi chuyện êm ro. Anh em vẫn ngồi với nhau, chỉ tránh nhắc đến Áo lụa Hà Đông thôi, còn thì vẫn anh anh em em, mặn lắm.
Có lẽ Ngô Thảo là nhà phê bình, anh thừa biết phê bình nước Nam sở dĩ mất tăm tích vì viết cái gì cũng ngó trước ngước sau, hết sợ ông nọ bà kia đến lo bạn bè cánh hẩu, tự mình tước hết chữ của mình, chỉ còn trơ khấc một đám văn nhàm, nhạt hoét. Vì vậy dù của đau con xót, anh đã không phản đối, nếu không muốn nói  đã lẳng lặng ủng hộ nó.
Đọc xong bài nó phê phim Huyền thoại bất tử, phê không trật một chút nào, mình gọi điện cho Hồng Ánh, nói thế nào, đã sắm áo giáp cho chồng chưa? Hồng Ánh cười hi hi, nói ui anh ơi, ông này trời sợ.
Đám cưới Sơn- Ánh vừa xong, tiếng cười Ánh trong vắt làm mình cũng vui lây. Cách đây sáu tháng chẳng ai dám chắc hai đứa cưới nhau, khi nào cũng trong tình trạng sắp cưới, nhưng lần nào thằng Sơn ra Hà Nội cũng chẳng thấy nó nói gì, không nói ra nhưng ai cũng thấy lo lo.
Xong đám cưới, thấy Huy Đức ngồi trầm ngâm một mình. Nó là ông mối vụ Thanh Sơn, Hồng Ánh, mọi người vẫn nói đùa đó là việc tốt duy nhất trong đời của Huy Đức. Mình đi tới vỗ vai Huy Đức, nói tâm trạng ông mối thế nào? Huy Đức cười, nói nhẹ cả người chứ còn thế nào nữa, hai năm qua tôi như trứng treo đầu đẳng..
Anh em thân thiết thì lo Sơn không cưới Ánh, người ngoài thì phản đối việc Ánh lấy Sơn, cả chục cô nhà báo gọi điện cho mình nheo nhéo, nói anh ơi anh ơi ông Sơn thế này, ông Sơn thế kia, nghe như tâm trạng khi yêu, hi hi.
Có cô độc mồm còn nói ông Sơn yêu không sót ngành nghề nào, có lẽ chỉ sót mỗi nữ bóng chuyền bóng rổ là ông ấy chưa mó tới. Nói vậy thôi, mình tin Sơn yêu Ánh còn hơn cả Ánh yêu Sơn.
 Chẳng phải riêng mình, mấy đứa ở công ty T&A nói từ ngày có chị Ánh, anh Sơn hiền lành hẳn đi, ít quát nạt anh em hơn. Mỗi lần nghe tin chị Ánh sắp ra, mặt anh ấy hân hoan như con nít sắp nhận phần thưởng.
Hôm Ánh đi Dubai dự liên hoan phim, Ánh bận suốt ngày không gọi điện về, Sơn ở nhà quay cuồng, đôi khi lồng lên như sói. Nó thức trắng đêm phục chờ tin tức công bố giải. Vừa 5 giờ sáng nó đã gọi điện cho mình, nói anh ơi Ánh trúng giải rồi, nghe cái giọng biết cu cậu sướng củ tỉ. Nếu không yêu Ánh thì làm gì có chuyện đó.
Buổi chiều ngày valentine ở Mũi Né vừa rồi, lần đầu tiên mình thấy Thanh Sơn đẹp trai lạ thường, nó đứng trước biển mặt rạng ngời ngây ngất như chàng trai trẻ lần đầu tiên cưới vợ.
 Có lẽ lần đầu tiên nó biết thế nào là hạnh phúc.