Trang chủ » Tin văn và...

SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC NGUY HIỂM HƠN KHỦNG HOẢNG KINH TẾ

Kaperkina T
Chủ nhật ngày 12 tháng 4 năm 2009 7:14 AM
Ngày 8.4, với hội thảo “Vai trò của văn học trong điều kiện khủng hoảng đạo đức và kinh tế”, đại hội lần thứ 13 của Hội nhà văn Nga đã khai mạc tại Matxcơva.
Hơn 200 đại biểu đại diện cho gần 7500 hội viên từ 90 chi hội nhà văn địa phương trên khắp nước Nga đã về thủ đô Matxcơva tham dự đại hội các “kĩ sư tâm hồn”. Xin nhắc lại, kể từ thập kỉ 90, sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga có hai tổ chức của các nhà văn. Hội thứ nhất tập hợp các nhà văn, nhà thơ, và dịch giả theo quan điểm truyền thống, có thể nói là có phần bảo thủ, gồm những người gần gũi với tinh thần Chính Thống giáo, tự mệnh danh là các nhà văn ái quốc. Hội thứ hai gồm các nhà văn theo xu hướng dân chủ cánh tả. Đại hội mà chúng ta đang đề cập đến là của Hội nhà văn truyền thống, do nhà văn kiêm sử gia Valeri Ganichev làm chủ tịch và có trụ sở trên đại lộ Komsomonski.
Các hội viên thuộc tổ chức sáng tác này chia sẻ với nhau những ý tưởng gì trong đại hội? Đối với họ, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế không hề đơn giản này, văn học có vai trò như thế nào? Khi được hỏi về những vấn đề đó, nhiều nhà văn khẳng định rằng điều họ băn khoăn hơn cả là sự khủng hoảng đạo đức trong xã hội và tâm hồn con người, chứ không phải là suy thoái kinh tế. Chỉ có văn học mới chống lại được xu hướng khủng hoảng đó, vì trong các tác phẩm của mình, nhà văn không thể hiện tình yêu đối với bản thân, mà thường dành tình yêu đó cho những người gần gũi nhất.
“Tôi cho rằng văn học không cần gay gắt như những năm 90 của thế kỉ trước, - nhà văn Viktor Likhonosov nói. – Có lẽ văn học cần trở nên sâu sắc hơn, thông cảm hơn đối với nhân dân. Và khi nhân dân đọc sách, họ cảm nhận thấy rằng có những người đang bảo vệ cuộc sống tinh thần của họ. Hiện nay, nhà văn chúng tôi phải thâm nhập được vào đời sống nhân dân bằng tình cảm sâu sắc của mình.”
Vậy xã hội hiện nay có còn giữ được nhu cầu đọc sách hay không? Liệu các vấn đề vật chất có gạt văn học ra ngoài cuộc sống hay không? Nhà văn nổi tiếng Vladimir Krupin cho rằng ông không cảm thấy xu thế nào như vậy. “Nước Nga chưa bao giờ tồn tại mà không có khủng hoảng, - ông nói. – Chúng ta không hề xa lạ với tình trạng stress, kể từ thời cổ đại, khi hằng hà sa số bọn xâm lăng tràn vào đánh chiếm đất nước. Vậy mà văn học vẫn tồn tại và phát triển”
“Văn học là bất tử, - nhà văn Vladimir Krupin khẳng định. – Khi điện ảnh ra đời, người ta từng nói: “Văn học sắp chết”, Khi xuất hiện truyền hình, người ta cũng dadx từng dự báo: “Văn học sắp suy vong”. Bây giờ có Internet, người ta lại gào thét: “Văn học đã hết thời”. Đó là điều nhảm nhí! Văn học hàm chứa trong lòng nó sự bí mật vĩ đại nhất của mối liên kết gắn kết giữa tâm hồn tác giả và độc giả, và không có gì phá vỡ được mối liên kết
“Nếu nhà văn có được mối liên hệ sâu sắc và gần gũi như vậy với độc giả thì quan điểm đạo đức của ông ta rất hoàn hảo và không có gì đáng chê trách.” – nhà văn Vladimir Lipuchin nói.
“Không bao giờ nhà văn được ngả sang phía chính quyền, mà cần phải đứng về phía quần chúng, phải thấu hiểu tâm tư, tình cảm, niềm vui và nỗi buồn của họ,” - nhà văn Vladimir Lipuchin khẳng định.
Chào đón đại hội lần thứ 13 của Hội nhà văn Nga, Vladimir Lipuchin đang hoàn thành tiểu thuyết “Dòng sông tình yêu” về một phụ nữ nông thôn – về nét đẹp tâm hồn, lòng vị tha, tính cứng rắn và lòng nhân hậu vô bờ bến của người phụ nữ làng quê Nga.
 
Nguồn: tạp chí Người Bạn Đường (nguoibanduong.net)
Ảnh: Nhà văn nổi tiếng Vladimir Krupin