Trang chủ » Tin văn và...

CÁI GIÁ CỦA MINH BẠCH THÔNG TIN VÀ ĐỐI THOẠI

TS. Phạm Gia Minh
Thứ bẩy ngày 11 tháng 4 năm 2009 9:18 AM

(TuanVietNam) - Những lãng phí về tiền bạc đã được thấy rõ khi phải đình hoãn, di chuyển địa điểm thực hiện dự án do tiến hành mà thiếu công khai và trao đổi thông tin. Nhưng nguy cơ về cái mất lớn hơn, khó định lượng là lòng tin với chính quyền. Bài học về minh bạch thông tin và đối thoại nóng hổi với bô-xít Tây Nguyên, chợ 19-12 và khách sạn Novotel on the park. 

Lãng phí tiền của - lòng tin bị tổn thương
 
Hà Nội đang xem xét khả năng bố trí một khu đất khác cho dự án khách sạn Novotel on the park “lỡ” khởi công trong khuôn viên công viên Thống Nhất, trên cơ sở phải rà soát lại khoản tiền đã bỏ ra làm móng và tầng hầm mà chủ đầu tư công bố là hơn 14 triệu USD!
Trước đó, thành phố cũng đã phải bố trí diện tích gần 1000 m2 ở 41 Hai Bà Trưng để “đền bù” cho chủ đầu tư của dự án Trung tâm thương mại 19/12 vốn gây nhiều bất bình trong dư luận.
 
Dự án Khách sạn Novotel on the park đã được tạm dừng và nghiên cứu tìm địa điểm khác sau khi dư luận lên tiếng. Ảnh: Phạm Hải.
 
Tiền đền bù chắc sẽ phải lấy từ ngân sách thành phố, mà cuối cùng đó cũng chính là tiền thuế của dân đóng góp.
Nếu không phải chi vào những vụ đền bù tốn kém đó thì sẽ có bao nhiêu công trình công cộng như bệnh viện và trường học là những thứ mà Thủ đô gần 1000 năm tuổi đang rất thiếu sẽ được xây dựng trong nay mai?

Kinh nghiệm từ sau câu chuyện khách sạn Novotel on the park, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, là với những dự án có tính chất phức tạp, kéo dài, nhạy cảm, "phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đưa ra để có sự đồng thuận trong dư luận xã hội".
 
Mới nhìn lướt qua 2 vụ việc còn nóng hổi đó (thực tế là có nhiều dự án tai tiếng tương tự, xin không nêu tên hết ở đây) đã thấy những khoản chi phí bằng tiền mà xã hội phải bỏ ra quả là không nhỏ, nhất là trong lúc chúng ta còn nghèo cần thực hiện tiết kiệm và thắt lưng, buộc bụng để tiến hành công nghiệp hóa.
Còn một loại chi phí xã hội nữa tuy nó vô hình nhưng lại là một yếu tố rất quan trọng không thể không tính đến đó là sự xói mòn lòng tin của quần chúng vào năng lực điều hành và sự công tâm của những người có trách nhiệm trong bộ máy công quyền.
Quy chế dân chủ ở cơ sở đòi hỏi phải công khai thông tin về những dự án xây dựng trên địa bàn dân cư đã không được tôn trọng.
Thậm chí một số cán bộ chức năng còn đưa ra những thông tin sai lệch (hay đã lạc hậu “quá đát” chẳng hạn như vẫn xác định chủ đầu tư KS Novotel là Thụy Điển, đất nước có nhiều ân tình với Việt Nam để sau đó Đại sứ nước bạn phải công khai cải chính!).
  
Tiếp thu ý kiến xây dựng của các nhà khoa học, Chính phủ đã quyết định tạm dừng dự án bô-xít Nhân Cơ chờ báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời xem lại Quy hoạch bô-xít, xem lại hiệu quả kinh tế của các dự án, song song với việc tiếp tục triển khai dự án bô-xít ở Tân Rai trên cơ sở tăng cường giám sát.
Ảnh: SGTT.
 
 
Cộng hưởng sức mạnh
 
Trong xã hội thông tin nhanh nhạy và nhiều chiều như ngày nay thiết nghĩ đây không phải là cách hành xử có lý trí và trách nhiệm trước nhân dân.
Khoa học quản lý luôn nhìn nhận xã hội là một hệ thống phức tạp vào loại bậc nhất với những mối quan hệ phi tuyến tính và đa vòng (yếu tố nhân - quả thay đổi vai trò lẫn nhau theo thời gian) khiến cho những phương pháp tiếp cận phân tích truyền thống trở nên bất lực.
Trong điều kiện đó, để tạo ra sự phát triển của hệ thống, hay một chuyển biến cao hơn về chất đòi hỏi phải có sự cộng hưởng của các phần tử, các bộ phận khác nhau trong hệ thống. Mà sự cộng hưởng chỉ đạt được khi giữa các bộ phận cấu thành hệ thống đó có trao đổi thông tin thông thoáng và sự liên thông trong quá trình ra quyết định.
Nói một cách hình tượng thì các véctơ lực có cùng chiều nên tạo ra một hợp lực lớn hơn giống như bộ đội ta kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên vẻ vang năm xưa vậy.
Ngược lại, khi thiếu trao đổi thông tin sẽ không thể có được sự hợp lực, thậm chí có thể xảy ra quá trình ngược lại, khiến các bộ phận gây nhiễu loạn và cản phá lẫn nhau. Kết cục là hệ thống xã hội bị hao tổn năng lượng để khắc phục những lực cản phát sinh từ bên trong, mà đáng lẽ ra có thể tránh được.
Muốn đồng thuận phải minh bạch
Từ lâu các nhà khoa học tự nhiên đã thực hiện các phép thử trong phòng thí nghiệm để kiểm định những kết luận hoặc đưa ra những lý thuyết mới. Rõ ràng làm như vậy sẽ giúp tiết kiệm chi phí rất nhiều mà vẫn đạt kết quả nghiên cứu như mong đợi.
Trong lĩnh vực xã hội không dễ tiến hành những thử nghiệm theo cách đó vì hậu quả sẽ liên quan tới con người với những mối quan hệ vốn rất phức tạp như đã nêu trên.
Do đó hợp lý nhất là tạo ra những định chế xã hội cho phép thông tin có liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ của các nhóm dân cư và quan trọng hơn là ý kiến phản hồi của họ (có thể là tán thành hoặc phản bác) luôn được trình bày công khai với đầy đủ tính minh bạch trên nhiều kênh và phương tiện chuyển tải. Nhờ đó mà ngăn chặn được hoặc giảm thiểu những xung đột xã hội và cũng nhờ đó mà huy động được sự đồng thuận, ủng hộ quý báu và vô tư của quần chúng theo cái cách “khó ngàn lần dân liệu cũng xong” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Trong thời đại của toàn cầu hóa và hội nhập, ngày nay, xã hội Việt Nam đang phải thích nghi giữa một bên là những yêu cầu nghiêm ngặt của quá trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền, người dân phải tuân thủ pháp luật và bên kia là những tác động quyết liệt của cơ chế thị trường (quốc tế và nội địa) buộc mọi người phải đối mặt cả với những mặt trái tiêu cực của nó.
Cách thức hữu hiệu nhất để giữ được ổn định xã hội chính là xây dựng những định chế cho phép người dân được chia sẻ nhiều thông tin hơn, có tiếng nói đóng góp hơn đối với những vần đề chung (ví dụ như các dự án đầu tư trên địa bàn, vấn đề giám sát ô nhiễm môi trường.v.v…)
Không phải ngẫu nhiên mà tại các nước văn minh, tiên tiến đều có Luật trưng cầu dân ý để phát huy trí tuệ tập thể và hạn chế những hình thức biểu thị sự bất bình bằng bạo lực đường phố hoặc sự bất hợp tác ngấm ngầm trong xã hội.
Việc Chính phủ vừa tổ chức hội thảo về khai thác bô-xít ở Tây Nguyên vừa qua là một minh chứng cho thấy lợi ích của việc thu thập và xử lý thông tin đa chiều trước một quyết định đầu tư mà lúc đầu có vẻ như chỉ đơn thuần mang tính thị trường.
Có thể nói, công khai và minh bạch chính là những công cụ có thể góp phần tiết kiệm chi phí xã hội và hơn thế nữa nó sẽ tạo ra sự cộng hưởng, đưa xã hội nâng tầm cao hơn về chất trên con đường phát triển.

(Thăng Long – Hà Nội ngày 10/4/2009)