Trang chủ » Tin văn và...

KHÔNG PHẢI CỨ HỌC VIẾT VĂN LÀ SÁNG TÁC ĐƯỢC

Nguyễn Văn Học thực hiện
Thứ ba ngày 7 tháng 4 năm 2009 5:11 PM
 
“… Không phải lúc nào cứ học viết văn là sáng tác được. Học mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Nghề gì khác có thể học mãi thành tài nhưng nghề văn không như thế, phải có tài mới viết được văn.” - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Trưởng ban Thơ, tạp chí Văn nghệ quân đội, nói. 

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - người có nhiều năm được mời giảng dạy những chuyên đề về thơ ở Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học - Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, sau đó là Khoa Sáng tác văn học của Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông về việc đào tạo, bồi dưỡng kinh nghiệm sáng tác cho người viết trẻ, đặc biệt là người làm thơ.
 
PV: Nhiều người nói không thể dạy viết văn, làm thơ. Việc mở ra các lớp viết văn chỉ là bồi dưỡng, định hướng cho người viết. Ông nghĩ sao về việc này?
 
Nguyễn Hữu Quý (NHQ): Theo tôi, viết văn, làm thơ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thiên bẩm của họ. Có người học ở trường lớp không được mấy nhưng vẫn viết văn, làm thơ hay. Ngược lại, có người học rất nhiều, có bằng cấp này nọ nhưng vẫn không viết nổi một câu thơ, đoạn văn đúng nghĩa của nó. Mỗi tác giả có một tạng viết riêng, cách thể hiện không giống ai của mình và đó chính là dấu ấn cá nhân trong tác phẩm của họ. Cái để phân biệt tác giả này với tác giả khác, theo tôi, cũng ở đó.
 
Tuy nhiên, người viết không thể cứ viết bằng bản năng của mình mãi mà cần phải được bồi đắp, trang bị những kiến thức nền (cơ bản) một cách hệ thống, ví dụ như triết học, lịch sử văn học, thi pháp, tâm lý học… Người viết văn tiếp nhận những kiến thức này ở nhà trường hoặc tự học.
Nói tóm lại việc học để trang bị và nâng cao kiến thức toàn diện rất quan trọng và cần thiết với mỗi nhà văn. Nó chắp cánh cho khả năng viết văn, làm thơ của anh bay cao, bay xa. Những nhà văn, nhà thơ lớn là những nhà văn hoá.
 
PV: Vậy, rất nhiều bạn trẻ là những người học ở trung học phổ thông lên. Nói thực, đã có kiến thức, với thực tế sáng tác đâu ngoài mấy bài thơ, truyện ngắn viết theo bản năng, thì đã có "cái gì" đâu để mà bồi dưỡng. Vì bồi dưỡng là người ta phải "đã có cái gì đó"?
 
NHQ: Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân, Khánh Chi, Phan Thị Vàng Anh… nổi tiếng ở tuổi thiếu niên khi họ học hành chưa được mấy và sự từng trải vô cùng bé nhỏ mỏng manh. Đặc biệt là Trần Đăng Khoa ngay từ thời cấp 1 đã có những bài thơ, câu thơ làm người lớn giật mình bởi sự hay của nó.
 
Năng khiếu viết văn ở tuổi trung học phổ thông cũng không phải là quá sớm. Không nên coi thường bản năng. Đôi khi những tác phẩm hay lại có được từ cái gọi là bản năng đó. Ca dao, dân ca đầy bản năng nhưng cũng rất tinh hoa và trí tuệ. Các nhà văn, nhà thơ hay nói đến sự loé sáng trời cho. Quá trình sáng tạo văn chương đầy bí ẩn, huyền diệu. Phải biết phát hiện và nâng niu những cây bút trẻ.
 
Văn chương không cần lắm ở số lượng; chất lượng tác phẩm mới là số một. Không thể bồi dưỡng được cho người không có năng khiếu viết văn, bạn hiểu ý tôi chứ? Tôi không bi quan và đánh giá thấp những người viết trẻ, ngược lại tôi hy vọng họ sẽ làm mới diện mạo văn chương nước nhà.
 
PV: Việc Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học - Trường Đại học Văn hóa tuyển mỗi năm 1 lớp, chừng 30 người có thực sự cần thiết?
 
NHQ: Đại học Văn hoá Hà Nội tuyển mỗi năm 1 lớp chừng 30 sinh viên theo ngành sáng tác, lý luận phê bình văn học cũng không có gì là quá đáng cả. Các em được vào học khoa này, ít nhiều đều có năng khiếu viết văn, làm thơ (qua thẩm định tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ uy tín). Còn trở thành nhà văn, nhà thơ hay không lại là chuyện khác. Mỗi khoá đào tạo ấy chỉ cần dăm ba sinh viên trở thành tác giả cũng mừng rồi, số còn lại trên kiến thức được trang bị từ nhà trường có thể lựa chọn cho mình con đường khác ngoài viết văn làm thơ. Chẳng sao cả.
 
PV: Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội cũng sinh ra lớp dạy viết văn. Đã thực sự hợp lý, khi người ta nói có cầu ắt có cung và như vậy có đảm bảo chất lượng? Nếu đất nước có nhiều người đam mê như thế, thì hẳn nền văn học phải lớn?
 
NHQ: Khoa dạy viết văn Trường Đại học Văn hoá - Nghệ thuật Quân đội ra đời đáp ứng nhiều nhu cầu của xã hội. Nếu không có nhu cầu thì nó sẽ không tồn tại được. Lý do rất đơn giản, không có sinh viên thì nhà trường dạy ai?
 
Chất lượng là vấn đề khác và muốn có chất lượng đào tạo cao thì không những nhà trường mà toàn xã hội có rất nhiều việc phải làm. Cả trước mắt và lâu dài. Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò mới có chất lượng cao được. Nếu chất lượng thấp đừng đổ tất cả nguyên nhân vào đầu sinh viên. Trách nhiệm người quản lý, đội ngũ giáo viên, cơ chế xã hội đều là những nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo cao hay thấp.
 
Nền văn học lớn trước hết được mặc định bởi những tác giả lớn và tác phẩm lớn với những ảnh hưởng sâu sắc của nó trong đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc và của nhân loại. Thế giới không nhiều lắm đâu những nền văn học lớn. Điều cần quan tâm hơn là nền văn học của dân tộc phải có những đặc sắc riêng và đủ tư cách đối thoại với các nền văn học bè bạn khác một cách tự tin và bình đẳng.
 
PV: Xin hỏi nhà thơ, người muốn học viết văn nên có những tố chất gì? Và có phải cứ học là sáng tác được?
 
NHQ: Muốn học viết văn, trước hết phải có năng khiếu. Năng khiếu, cao hơn nữa là tài năng (tuy nhiên rất hiếm) là điều kiện đầu tiên để bạn lựa chọn con đường cầm bút. Thứ nữa, phải đam mê và sẵn sàng dấn thân vì nghiệp viết. Phải có tâm hồn nhạy cảm trước cuộc sống, mỗi dòng văn, câu thơ được làm nên bởi sự rung động của trái tim và thăng hoa toả sáng của trí tuệ.
Không phải lúc nào cứ học viết văn là sáng tác được. Học mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Nghề gì khác có thể học mãi thành tài nhưng nghề văn không như thế, phải có tài mới viết được văn.
 
PV: Vâng, xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Hữu Quý!
 
Nguồn: CAND