Trang chủ » Tin văn và...

HƯ THỰC - BƯỚC CHUYỂN MÌNH CỦA PHÙNG VĂN KHAI

Đoàn Minh Tâm
Chủ nhật ngày 5 tháng 4 năm 2009 5:15 PM
Đoàn Minh Tâm
 
Ảnh của baomoi.com
Bất ngờ! Ngạc nhiên! Đó là cảm giác của tôi khi đọc "Hư thực" của Phùng Văn Khai. Cảm giác đó đến trong tôi ngay khi mới đọc qua ba, bốn trang sách của cuốn tiểu thuyết dày hơn hai trăm trang. Và tôi tin rằng đó cũng là cảm giác chung của những bạn văn, những nhà phê bình hay độc giả đã từng đọc các tác phẩm của anh trước đó.

Quen biết từ lúc về công tác ở Nhà số 4 (tính đến nay tròn 3 năm 5 tháng), đã đọc một hai tập truyện ngắn (các tập "Đêm trăng thiêng", "Hương đất nung"), cứ nghĩ mình đã nắm được dù chỉ phần nào tạng văn của anh nhưng hóa ra là… nhầm. Các truyện ngắn trước đây Phùng Văn Khai thường viết… hơi dài với những tình tiết chưa được… “tinh” cho lắm cùng một cách bố cục chân phương, giản dị. Câu chuyện có mở đầu có kết thúc, có lớp lang, có tình tiết, có nhân vật, có mở nút, thắt nút… Tóm lại là những truyện ngắn… dễ đọc và cũng dễ nằm ngoài bộ nhớ vốn ngày ngày phải tiếp nhận không biết bao nhiêu thông tin trong xã hội hiện đại. Nhưng "Hư thực" lại khác hẳn. Dường như Phùng Văn Khai đã đoạn tuyệt hẳn với tạng văn trước đây để lột xác thành một nhà “tiểu thuyết đích thực”. Dấu vết duy nhất tôi còn nhận thấy hình bóng Phùng Văn Khai trong các truyện ngắn trước đây chỉ là ở đôi ba câu triết luận trong cái giọng bỗ bã quen thuộc được gắn ở miệng của nhân vật kiểu như: “đừng tưởng đầu đường xó chợ là không còn nhân cách. Chúng ta phải có những suy nghĩ khác, ông bạn ạ. Phải biết cúi mình xuống. Phải nằm sát đất nghe giun dế than thở...” hay cách xưng hô nhân xưng kiểu tôi, tao, ông quen thuộc. Tất nhiên đó chỉ là những chi tiết nhỏ.
Ở cuốn tiểu thuyết đầu tay này, Phùng Văn Khai đã mạnh dạn chuyển hẳn sang kiểu bút pháp ảo hóa. Lối viết này được manh nha từ một vài truyện ngắn như "Đêm trăng thiêng", "Hồn Quỳnh" nay được anh mạnh dạn theo đuổi đến tận cùng. Tất cả mọi thứ đều được ảo hóa triệt để. Trước nhất là hệ thống nhân vật. Nhân vật trong "Hư thực" đa phần đều xuất hiện trong tấm khoác của những đại từ nhân xưng phiếm chỉ như: y, hắn, gã, ông già, mụ… hay những danh từ chỉ chức danh kiểu công chúa, nô bộc, gã trưởng phòng, quân lính, cô gái điếm…  Ngay đến nhân vật quan trọng có nhiệm vụ dẫn dắt câu chuyện, khơi mở cho độc giả đi vào thế giới tư tưởng, nghệ thuật tác phẩm cũng chỉ tồn tại cái họ lẫn vào bao cái họ khác: Đó là họ Đào. Thứ hai là hệ thống không gian thời gian. Thời gian trong truyện được bắt đầu bằng màn đêm đen huyền ảo để rồi cứ lơ lửng trôi đi trôi lại giữa quá khứ, hiện tại, trôi đi trong hiện thực và giấc mơ mà không có điểm kết thúc. Còn không gian, con tàu đưa họ Đào và y bắt đầu vào chuyến phiêu lưu vào khu rừng nguyên sinh không xác định được nằm ở vị trí nào trên bản đồ. Một chốt canh biên phòng, một căn nhà gỗ giữa rừng, dăm ba ánh lửa le lói lại từ những làng bản xa xa, những căn nhà tuềnh toàng rách nát trong con phố dài hun hút, những khối cao ốc bằng bê tông ngút ngàn vươn mình lên bầu trời, hay cả ngôi làng cõng trên lưng hương vị đậm đà: làng B¸i cũng đều được làm nhòe tối đa nhằm gợi cho bạn đọc cảm giác xa lạ, huyền bí ngay trên những khối không gian mình ngày ngày chứng kiến, đi qua. Thứ ba là những chi tiết có tính huyền bí như ông lão cũng buồng tàu với họ Đào và y đột nhiên biến mất, những đạo quân ma quái trong đêm, sự khôn ngoan đến thành tinh của con chó làng B¸i… Tất cả hợp lại nhằm tăng thêm độ huyền hoặc cho tác phẩm. Không nghi ngờ gì nữa, "Hư thực" là câu chuyện ảo đích thức. Lối viết trong "Hư thực" là lối viết này được nhiều nhà văn trẻ đương đại ưa chuộng. Do đó, việc  Phùng Văn Khai bất ngờ chuyển đổi bút pháp cũng không tạo ra cho tôi (và những nhà phê bình khác) sự ngạc nhiên đáng kể nào. Điều làm tôi bất ngờ nằm ở cái cách anh thể hiện cái bút pháp đó. Có hai điểm cần phải bàn đến ở tiểu thuyết này đó là:
Độ nhuyễn (chính xác hơn là tính chặt chẽ) trong kết cấu tiểu thuyết. Phải nói Phùng Văn Khai viết "Hư thực" rất đến tầm, đủ độ. Không quá dài cũng không quá ngắn. Không lan man sa đà cũng như không hờ hững lướt qua  một chi tiết, tình huống truyện nào. Thay vì được kết cấu theo phương thức “hình sin”với những tình tiết, chi tiết mang tính bản lề, thắt nút, mở nút, "Hư thực" lại có kết cấu theo dạng thức “đường thẳng”, không có một điểm nhấn, một chi tiết nào mang phẩm chất “ngôi sao” mà thay vào đó tất cả các chi tiết đều có chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng như nhau. Tất cả liên kết với nhau rất chặt chẽ tạo nên hiệu ứng “cộng hưởng thẩm mỹ”. Điều này biểu hiện rõ rệt ở hai phương diện sau. Một là, sự liên kết bền chặt giữa hai nhân vật dẫn dắt truyện. Mối liên hệ giữa họ Đào và Y hình thành trên cơ sở tương phản lẫn tương đồng về tính cách. Cả hai cùng mê văn chương, đều giàu lòng nhân ái, giàu lòng tự trọng trước cuộc đời hỗn tạp và đầy bon chen. Nhưng ngoài những nét giống nhau ấy, họ Đào và Y còn những điểm khác biệt khá lớn. Họ Đào một thân một mình nên tiêu diêu tự tại, y vợ con vào nên nỗi lo cơm áo gạo tiền thường trực. Vậy nên trong chuyến đi này Y vẫn hy vọng thu lượm được điều gì đó hay hay để viết cái ký lấy nhuận bút nuôi con. Họ Đào đăm đắm với trang viết như một người tử vì đạo còn với người đời thì phóng khoáng, dễ dãi không để tâm, không nghi kỵ. Ngược lại Y say mê văn chương có mức độ, biết cân bằng giữa đời và mộng, sống e dè, chừng mực luôn nhìn trước ngó nên ngay cả người bạn thân nhất là họ Đào, Y – trong nhiều trường hợp – vẫn luôn có ý để phòng. Với kiểu nhân vật như thế, Phùng Văn Khai có lý khi anh để Y bộc lộ tính cách thông qua những suy nghĩ nội tâm, và họ Đào bằng hành động. Hai nhân vật này quấn quýt lấy nhau, hành động của họ dệt nên một phần tác phẩm. Phần còn lại của tác phẩm được chuyển tải thông qua vai trò “trung gian” giữa họ với các câu chuyện xung quanh. Những câu chuyện này xuất phát từ trong cuộc chuyện trò, đối thoại hay trong các sáng tác của họ. Cứ hết Phùng Văn Khai kết cấu tiểu thuyết của mình xoay quanh mô hình: Chuyện (riêng lẻ) – diễn tiến hành động của họ Đào và Y– Chuyện (riêng lẻ)  – diễn tiến hành động của họ Đào và Y – Chuyện (riêng lẻ) ... Đây sự là liên kết trên “bề mặt” tiểu thuyết. Liên kết này đảm bảo cho liên kết thứ hai hoạt động được hiệu quả. Đó là sự “đồng dạng” về nhân vật trong “câu truyện xung quanh”. Ví như nhân vật con chó. Con chó xuất hiện mọi nơi, mọi lúc trong tác phẩm. Loài vật này hiển hiện trong tiềm thức, trong giấc mơ, trong các sáng tác, trong cuộc tranh luận giữa y và họ Đào, trong làng Bai thật, trong câu chuyện dang dở về ông lão già nghèo khổ nằm ở bên bến sông… Với mỗi trang viết, mỗi câu chuyện là một hình ảnh chó khác nhau mang trong mình những ẩn dụ riêng. Con chó trong con mơ, trong tiềm thức của y được tạo ra từ thói ganh tỵ, xét nét nên hiện hình thành giống hồng cẩu quẩy dữ tợn, ghê gớm, giống chó thành tinh. Con chó ở làng Bùi lại sinh thành từ thói tham ăn tục uống, từ những thủ đoạn gian trá của con người nên bản chất khôn ranh, quỷ quyệt. Con chó bầu bạn cùng ông lão bên bến sông sinh ra từ nỗi cô đơn nên thì thủy chung, tình nghĩa. Con chó trong truyện ngắn của họ Đào được cấu thành từ lòng nhân ái nên hiền lành, thân thiện, dễ thương. Mỗi hoàn cảnh, mỗi thân phận đều có một con chó tương ứng...Sự đồng dạng này một mặt bảo đảm cho các câu chuyện dù tách biệt với nhau nhưng vẫn có mối liên hệ ngầm nhất định (tính chặt chẽ), một mặt tạo nên những cảnh cửa mở cho độc giả có nhiều phương án so sánh, nghĩ ngợi (tính liên tưởng) về con người, về cuộc sống. Kết cấu tiểu thuyết theo phương thức này đòi hỏi người viết phải thật sự vững tay vì khi đã mạnh dạn bỏ đi “bộ khung cốt truyện” thì điều cốt yếu phải làm được là tạo ra sự hấp dẫn ngay từ những dòng đầu tiên và duy trì nó trong suốt chặng đường còn lại nếu không người đọc sẽ nhanh chóng gạt cuốn sách đang cầm trên tay ra chỗ khác. "Hư thực" tạo được sức hấp dẫn đó bằng hai mối liên kết kể trên. Cách đan lồng nhiều câu chuyện vào nhau này đề cập đến nhiều khía cạnh xã hội khác nhau như gia đình, tình yêu, đạo đức, đời sống xã hội… Sự đa dạng này cộng thêm với giọng văn “ma mị” chập chờn như khói như sương là đủ để cho bạn đọc tìm kiếm và khám phá thấy vấn đề mình thích hoặc quan tâm cùng nhiều lớp nghĩa hàm ẩn, nhiều trường nghĩa phát sinh (mà chính tác giả cũng không nghĩ tới)
Nhân vật cũng là điểm nhấn quan trọng của tác phẩm này. Về cơ bản nhân vật trong "Hư thực" đều là nhân vật cô đơn.  Dưới đây là một số dạng thức cô đơn chính trong truyện:
- Cô đơn vì nghèo khổ là nỗi cô đơn của ông lão ở bến sông
- Cô đơn vì bị đời khinh rẻ là nỗi cô đơn của những cô gái điếm
- Cô đơn vì thiếu thốn tình cảm gia đình là nỗi cô đơn của người đàn bà và người đàn ông trong ngôi nhà nhỏ kẹp giữa hai tòa cao ốc lớn.
- Cô đơn vì người đời không hiểu tài là nỗi cô đơn của họ Đào
- Cô đơn vì phải ở nơi âm u, không chút bóng người: là nỗi cô đơn của những chàng trai dân tộc.
- Cô đơn vì thiếu người tâm tình, chia sẻ thiếu người bạn đời: là nỗi cô đơn của người thiếu nữ trong tranh, là tâm trạng của mụ già trong giấc mơ của họ Đào.
Thật lạ, càng sống trong một thế giới đông đúc (nhân loại hơn 6 tỷ người), trong một thế giới kết nối toàn cầu bằng những phương tiện hiện đại nhất như điện thoại, internnet... con người lại càng cảm thấy cô đơn và bất an hơn bao giờ hết. Kiểu nhân vật cô đơn mà Phùng Văn Khai tạo dựng cũng nằm trong quỹ đạo nhân vật chung của tiểu thuyết hiện đại. Những nhân vật này mang nỗi buồn, nỗi cô đơn của con người hiện đại, luôn có ý thức đi sâu vào tiềm thức, vào bản ngã ngõ hầu tìm ra bản thân mình, tìm ra một cách sống trong cuộc đời đầy biến động. Trong "Hư thực", Phùng Văn Khai đã tìm ra cách “biểu đạt” kiểu nhân vật này một cách mới mẻ. Đó là việc anh sáng tạo ra kiểu nhân vật cô gái nguyên thủy. Nhân vật này đi bên cạnh các nhân vật khác – đặc biệt là nhân vật Y và họ Đào - với tác dụng làm thành một hay nhiều cặp mệnh đề vừa có tính chất  tương phản vừa có tính chất tương hỗ, từ đó bật ra nhiều câu hỏi thú vị về nỗi cô đơn của kiếp người. Con người cô đơn vì chung quanh không có đồng loại hay vì không hiểu đồng loại? Cô gái nguyên thủy sống một mình nhưng không hề cảm thấy cô đơn lạc lõng. Trong khi đó họ Đào và y dù sống giữa biển người nhưng vẫn không sao thoát khỏi cảm giác cô độc. Cô gái nguyên thuỷ sống đơn giản, theo bản năng nhưng cuộc sống của cô – theo cách nhìn nhận của người hiện đại – là an nhàn thư thái hơn họ. Y  và những nhân vật khác trong truyện luôn phải gồng mình lên chống chọi với những mệt mỏi, căng thẳng của cuộc sống. Ngay cả họ Đào – một con người có máu giang hồ, một phong cách sống tài tử, không toan tính bon chen với đời nhất nhiều lúc cũng không tránh khỏi những phiền muộn do cuộc đời mang lại. Phải chăng sống bằng bản năng không hẳn là xấu, và sự kìm hãm bản năng không phải bao giờ cũng tốt. Cô gái nguyên thủy chỉ hành động chứ không suy nghĩ. Họ Đào và Y suy nghĩ nhiều hơn hành động. Cô gái nguyên thủy làm điều mình thích, muốn. Họ Đào và Y làm điều mình thích, muốn và được xã hội cho phép. Cô gái nguyên thủy sợ những gì xa lạ với mình (như con người), Y sợ những gì có thể gây tổn hại đến mình, ngay cả với những điều thân thuộc nhất, thiêng liêng nhất (như tình bạn của Y với họ Đào)…  Cứ thế sự tương phản này phái sinh ra hàng loạt trường ngữ nghĩa đa chiều mà mỗi bạn đọc tùy trình độ, tâm thế thưởng thức mà tự mình tìm ra được. Theo tôi, nhân vật này là điểm sáng nhất trong "Hư thực".
Nói vậy, không có nghĩa là các nhân vật Phùng Văn Khai tạo dựng “mười phân vẹn mười”. Trên lĩnh vực này, tôi không thích lắm kiểu nhân vật động vật – cụ thể là con chó. Hàm lượng sáng tạo trong cách viết về loài động vật thân thiết nhất với con người của Phùng Văn Khai... chưa cao. Nhiều chi tiết được triển khai theo những mô típ quen thuộc (kiểu con chó thành tinh). Với những gì đã thể hiện trong tiểu thuyết đầu tay, Phùng Văn Khai hoàn toàn có thể làm hay (hoặc ít ra là mới) hơn nữa kiểu nhân vật này. Tiếc là anh chưa hoàn toàn chú tâm vào điều đó. Mặt khác, tôi cũng đồng tình với hai ý kiến của Trần Sáng: “Trong trập trùng những cơn mơ, hình ảnh, tác giả có thể biến nó thành trùng trùng những biểu tượng có tính ẩn dụ cao và giàu sức biểu nghĩa. Thật đáng tiếc là trong "Hư Thực", mặc dù rất nhiều những hình ảnh, những sự kiện, những câu chuyện phi lý, kỳ ảo (con tàu chạy trong đêm trăng, lũ sói mắt đỏ - hồng cẩu quẩy, linh hồn thiếu nữ hóa thân vào cây Sung – Mộc tinh – cô gái dã nhân, người đàn bà điên, những con búp bê rác, ông già tật nguyền sống trong căn nhà đang lún xuống v.v.... Nhưng hình như, chưa có hình ảnh nào đủ tính tượng trưng như một biểu tượng, cũng như chưa có câu chuyện nào có thể toả ra từ trường của sự ám ảnh để trở thành một huyền thoại.”  và Đào Bá Đoàn rằng “ sự sáng tạo của nhà văn về nhân vật nên được nới rộng hơn nữa”  trong buổi tọa đàm về "Hư Thực" tại khoa sáng tác – Đại học Văn hóa Quân đội gần đây.
Phê bình la vô cùng, mong muốn của bạn đọc về một cuốn tiểu thuyết “hoàn hảo” là vô tận, nhưng  với những gì làm được trong "Hư thực", một lần nữa xin chúc mừng Phùng Văn Khai. 
 
Chú thích:
[1] Mạn đàm tiểu thuyết Hư thực. Webside: hoinhavanvietnam.vn. ngày 23.3.2009
[1] Mạn đàm tiểu thuyết Hư thực. Webside: hoinhavanvietnam.vn. ngày 23.3.2009