Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

10 CÂU HỎI DÀNH CHO NHỮNG AI QUAN TÂM ĐẾN SỰ NGHIỆP PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Phan Hồng Giang
Thứ bẩy ngày 4 tháng 4 năm 2009 2:27 PM

 

10 câu hỏi dành cho những ai quan tâm đến sự nghiệp phê bình văn học của Hoài Thanh nhân kỷ niệm 100 năm sinh của ông (15/7/1909 – 15/7/2009)

 

            Hoài Thanh là nhà phê bình lỗi lạc của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Kỷ niệm 100 năm sinh của ông (15/7/1909 – 15/7/2009) là dịp để chúng ta cùng nhìn lại sự nghiệp của ông trong mối liên hệ xa gần với hiện trạng nền phê bình văn học của chúng ta hôm nay.

            1. Hoài Thanh đã xác lập cho văn chương nói chung và thơ nói riêng vị trí thế nào trong cuộc sống con người? Ông không coi văn chương là chuyện “trà dư tửu hậu”, là “trò chơi vô tăm tích” mà coi văn chương là một giá trị lung linh, cao đẹp, góp phần làm đời sống tinh thần của con người giàu có hơn lên. Mà trong cuộc đời này, chính sự giàu có của tâm hồn, tình yêu thương trân trọng lẫn nhau giữa người với người mới làm nên giá trị lớn nhất, bền vững nhất của cuộc sống. Ông cũng không quá quan trọng hóa vai trò của văn chương đến mức có thể dùng nó để làm “đòn chuyển xoay chế độ”, để từ đó chính trị hóa văn chương quá mức, có thể làm phương hại đến phẩm chất đặc thù của văn chương.

            “ý nghĩa đời người” (tên một bài viết của Hoài Thanh mở đầu cuốn “Văn chương và hành động”) không ở “sống để ăn” mà là để vun trồng và thụ hưởng những giá trị tình cảm, những giá trị tinh thần cao quý.

Cách xác định vị thế của văn chương trong cuộc sống có ý nghĩa định hướng sâu sắc tới nội dung, phong cách phê bình của Hoài Thanh sau này: luôn gắn bó với cuộc sống tình cảm bình dị mà phong phú, tinh tế của con người và tránh xa những thuật ngữ cao siêu.

2. Cách phê bình văn học của Hoài Thanh thuộc loại nào? Là phê bình lý trí – nặng về nghiên cứu học thuật, là phê bình tình cảm nặng về các trải nghiệm cuộc sống riêng (“lấy hồn tôi để hiểu hồn người”), hay là phê bình nặng về xã hội học lồng ghép các quan điểm chính trị – xã hội? Hay là có sự đan xen giữa các loại phê bình trên đây? Với bài tiểu luận “Một thời đại trong thi ca” mở đầu cuốn” Thi nhân Việt Nam” Hoài Thanh đã thể hiện một năng lực tổng kết thực tiễn tài tình mang ý nghĩa khái quát lý luận sâu sắc khiến các nhà nghiên cứu uyên thâm luôn đề cao tính học thuật cũng phải ngả mũ thán phục…

3. “Thi nhân Việt Nam” có phải là hệ quả của thuyết “Nghệ thuật vị nghệ thuật” mà người ta đã gán cho Hoài Thanh hay của một cách tiếp cận văn chương mà chính ông – trong trào lưu “phủ định quá khứ” (!) – cũng đã từng “tự phê bình nghiêm khắc”? Hay đó chính là kết quả của một quan niệm văn chương mang đậm sắc màu “vị nhân sinh”, phân biệt rạch ròi giữa “văn chương” với “hành động” như tên một cuốn sách nổi tiếng của ông, là sản phẩm của những thời khắc thăng hoa tuyệt vời mà “tạo hóa” (?) đã hào phóng ban tặng cho ông?

4. Có phải các tác phẩm phê bình của Hoài Thanh đã có thể trụ vững trước thử thách khắc nghiệt của thời gian một phần lớn là nhờ ở cái nền văn hóa sâu rộng, ở tầm tư tưởngtriết học hàm chứa trong các trước tác của ông? Có thể thấy rõ diện mạo một Hoài Thanh – nhà văn hóa, một Hoài Thanh – nhà tư tưởng trong các tác phẩm: “Văn chương và hành động” (1936), “Có một nền văn hóa Việt Nam” (1946), “Nhân văn Việt Nam” (1949), “Quyền sống con người trong Truyện Kiều” (1949), “Phan Bội Châu” (1978) và đặc biệt trong tác phẩm mới sưu tầm được: “Hoài Thanh trên báo Tràng An – Huế, 1935 – 1936”.

5. Hoài Thanh sau 1945 có “sa sút” so với Hoài Thanh trước 1945 không? “Thi nhân Việt Nam” (1942) là đỉnh cao sáng tạo của Hoài Thanh, nhưng dưới góc nhìn khác, những bình luận của Hoài Thanh về “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”, “Hoa tiên”, thơ Nguyễn Trãi, thơ ca dân gian, về thơ Tố Hữu, thơ Hồ Chủ tịch, thơ của các tác giả đương đại… có thể sánh ngang với Hoài Thanh của “Thi nhân Việt Nam” được không?

6. Hoài Thanh – nhà quản lý văn nghệ có cản trở Hoài Thanh – nhà phê bình không? Trách nhiệm quản lý, là người của bộ máy có làm ngòi bút của Hoài Thanh “cùn mòn” đi không? Hoài Thanh có phải “vị người ngồi trên” như lời một bài thơ đã châm chọc ông, khi rất nhiều bài thơ sau này được ông tán thưởng lại là của những tác giả  mới bước vào làng thơ lúc ấy còn chưa có “vai vế” gì như Thanh Hải, Giang Nam,Trần Đăng Khoa, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật ,Nguyễn Duy, ,  Cảnh Trà?...

7. Hoài Thanh đã gắn kết phê bình văn học và giảng dạy văn học trong nhà trường thế nào? Với những bình luận sắc sảo, sâu sắc về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Huy Tự… ông đã góp phần làm sống lại các tác phẩm cổ điển, thổi vào đó tâm hồn, sinh khí của thời đại hôm nay.

8. Không chỉ viết phê bình, một hoạt động nổi bật của Hoài Thanh là phê bình nói,- tức nói chuyện về tác phẩm văn học, đặc biệt là về thơ, đưa văn chương trực tiếp đến với quảng đại quần chúng. Nên chăng các nhà phê bình hiện nay của chúng ta cần thử sức trong những cuộc đối thoại văn chương kiểu này, nó sẽ đánh giá một cách nhanh nhạy năng lực đối thoại, giao tiếp với công chúng qua phê bình hay phần lớn nhiều khi vẫn chỉ là “độc thoại”?

9. Đóng góp của Hoài Thanh trong lĩnh vực hoàn thiện ngôn ngữ phê bình văn học? Với Hoài Thanh có phải tiếng Việt đã được “nâng lên một tầm cao mới” để bộc lộ rõ ràng khả năng biểu đạt nhuần nhuyễn những sắc thái tình cảm, trí tuệ tinh tế nhất, phức tạp nhất?

10. So với tài năng sáng tác, tài năng phê bình dường như hiếm gặp hơn? Có thể rút ra những bài học gì từ sự nghiệp phê bình của Hoài Thanh để góp phần chấn hưng nền phê bình còn khá èo uột của chúng ta hôm nay? Cần những yếu tố gì để có thể làm nên một tài năng phê bình? Sự hiểu biết sâu rộng từ cuộc đời đến tác phẩm, từ văn hóa – tư tưởng đến văn chương? Năng lực cảm thụ và suy xét về tác phẩm; khả năng đồng cảm, đồng điệu giữa người phê bình và người sáng tác như Bá Nha và Tử Kỳ trong tiếng nhạc? Sự định vị chân xác tác phẩm văn học trong đời sống tinh thần của con người trong xã hội, trong cuộc sống hôm nay? Năng lực sử dụng chính xác và tinh tế ngôn từ của nhà phê bình trong diễn đạt ý tưởng và cảm xúc của mình? “Khát vọng thành thực”, khát vọng được là mình, được thể hiện mình, cá tính và bản lĩnh cao cường của nhà phê bình biết vượt lên trên những trói buộc của nếp nghĩ mòn cũ và của thói đời phàm tục (để làm sao “khi đọc thơ, tôi chỉ biết có thơ” như Hoài Thanh đã từng “nhỏ to” tâm sự), để làm sao bản thân tác phẩm phê bình có thể được coi là một tác phẩm văn văn học độc lập, không cần phải “ăn theo”, phải “ký sinh” vào tác phẩm nào đó mới đủ sức hấp dẫn người đọc? (Như Hoài Thanh từng viết: “Dù có tự rẻ rúng mình đến đâu, tôi cũng không mong kiếm chút hương thừa” từ những bài thơ mình đem ra bình phẩm)…

*

*    *

            Trên đây là 10 câu hỏi nhỏ về sự nghiệp lớn của Hoài Thanh. Hy vọng rằng các nhà văn, các độc giả yêu mến ông sẽ không chỉ trao đổi chung quanh những vấn đề trên đây mà còn có thể bàn thêm nhiều điều khác nữa để dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Hoài Thanh (15/7/1909 – 15/7/2009) thêm phần đa dạng, phong phú và bổ ích cho nền phê bình văn học nước nhà hôm nay./.

 

Phan Hồng Giang